19/07/2023 09:15 GMT+7 | Văn hoá
Cuộc thi Chuông vàng vọng cổ lần thứ 18 vừa tổ chức gặp gỡ báo chí tại Đài Truyền hình TP.HCM. Tổ chức lần đầu năm 2006, đối với một cuộc thi văn hóa -nghệ thuật, nhất là với loại hình nghệ thuật truyền thống như vọng cổ, 18 mùa thi có thể nói là một con số đáng nể.
1. Năm nay trải qua 4 vòng thi, bắt đầu từ 1/6/2023. Vòng loại chọn ra 8 thí sinh có số điểm cao nhất và 1 thí sinh dự bị. Vòng chung kết xếp hạng sẽ diễn ra trong 4 ngày: 3/9, 10/9, 17/9, 24/9/2023.
Qua 18 lần tổ chức, Chuông vàng vọng cổ cũng đã tự thay đổi mình để phù hợp với xu hướng thời đại. Điển hình là chuyện thí sinh có thể tự quay clip dự thi và gửi về cho ban tổ chức ở vòng thử giọng. Vòng này có thể xảy ra chuyện can thiệp kỹ thuật từ phòng thu, nhưng khi bước vào tuyển lựa trực tiếp, sẽ lộ ra hết.
Dù vậy, theo chia sẻ của Ban tổ chức, băn khoăn lớn nhất là làm sao duy trì được chất lượng các thí sinh qua từng mùa. Bởi mỗi một mùa thi là một lần "đãi cát tìm vàng". Nhưng cùng với thời gian, cuộc "đãi cát" này đang ngày càng khó khăn hơn, mà như ban tổ chức ví von, đó là đãi cát ở… sa mạc. Người biết hát vọng cổ rất nhiều, nhưng làm sao thu hút được họ đi thi, lại là một câu chuyện không dễ.
Chính vì thế, công tác quảng bá đã được tăng cường, chú trọng hơn mọi năm. Điển hình là tổ chức đêm Vầng trăng cổ nhạc ở tỉnh Bạc Liêu như một cách thức giới thiệu, cổ động cho Chuông vàng vọng cổ. Ngoài ra, còn có chương trình Âm thanh phù sa ở TP.HCM và các tỉnh An Giang, Cần Thơ, Cà Mau trong tháng 7, 8 cũng là cách thu hút.
Với những thí sinh ở vùng sâu vùng xa, không đủ điều kiện hoặc khả năng gửi clip dự thi, ban tổ chức đã đến tận nơi để ghi âm ghi hình, cũng với mong muốn không bỏ sót tài năng nào.
2. Ngày nay, cải lương hoặc vọng cổ, nếu so với các chương trình âm nhạc đại chúng khác, thì rõ ràng kém thu hút khán giả và truyền thông. Qua 18 lần tổ chức, quán quân năm 2006 Võ Minh Lâm có lẽ vẫn là thí sinh nổi tiếng nhất của cuộc thi này, vẫn bền bỉ với cải lương, dù khó khăn cũng không ít.
Bất kỳ cuộc thi nào, tìm ra được thí sinh tài năng chỉ là bước đầu của việc "tìm ngọc". Viên ngọc ấy cần được mài giũa, tôi luyện để càng ngày càng tỏa sáng, hoặc chịu lu mờ, thì điều ấy đều phụ thuộc khá nhiều vào tư chất, hoàn cảnh và cả sự may mắn. Đã có không ít thí sinh tài năng được tìm thấy, nhưng rồi họ đã không nắm bắt được cơ hội để tỏa sáng.
Năm nay, nhìn qua danh sách 28 thí sinh vào vòng tuyển chọn, thấy đa phần thuộc thế hệ 9X, còn đầu 2000 có 6 thí sinh. Người lớn tuổi nhất sinh năm 1988 và thí sinh nhỏ tuổi nhất sinh năm 2006 (Nguyễn Trung Hậu, quê An Giang). Một nền nghệ thuật thể hiện được sức sống lâu bền của nó bởi chính thế hệ khán giả và nghệ sĩ trẻ, những người sẽ tiếp tục giữ gìn, phá huy.
Tất cả thí sinh đến từ các tỉnh miền Nam, điều này cũng là dễ hiểu. Tuy vậy, với sự phát triển của công nghệ, cải lương dù mang đặc trưng phương Nam vẫn tìm được những khán giả mộ điệu ở mọi miền đất nước. Hy vọng rằng trong tương lai không xa, Chuông vàng vọng cổ cũng sẽ "đãi được vàng" ở các tỉnh thành khác trong cả nước, thậm chí ở nước ngoài.
Nhìn lại 18 năm của Chuông vàng vọng cổ, ban tổ chức cũng thẳng thắn nhìn nhận rằng sự thành công cho thí sinh là còn hơi hiếm hoi, vẫn là tiếng ngân lẻ loi. Nhưng vài năm gần đây, cải lương nói riêng, nghệ thuật truyền thống nói chung, lại dành được sự quan tâm của nhiều khán giả trẻ, đây là điều đáng hy vọng về sự phục sinh. Vẫn cho thấy tình yêu và cả đam mê dành cho những loại hình nghệ thuật truyền thống của dân tộc vẫn âm ỉ cháy. Chính vì vậy, dù gặp khó khăn không ít, Ban tổ chức vẫn muốn duy trì cuộc thi này.
"Phải thật với mình và thật với trời đất"
Đây là lời chia sẻ của NSND Bạch Tuyết tại buổi gặp gỡ báo chí và các thí sinh Chuông vàng vọng cổ. Bà nói: "Tiếng hát bắt đầu từ trong phổi, từ trong máu huyết của mình, từ trong cái tư tưởng của mình, từ trong cái tấm lòng của mình. Mình dành cho cuộc sống này như thế nào thì cái âm thanh đó sẽ phát ra như thế. Cho nên cái đầu tiên mà người làm nghệ thuật phải có chính là sự chân thật".
Bạch Tuyết cũng dặn dò thí sinh phải giữ vững sức khỏe và tâm lý, "đừng sợ mình ca không hay bằng người khác. Chỉ sợ tâm hồn mình có chút bợn nhơ, mình không xứng đáng có mặt trong nghệ thuật cải lương của dân tộc".
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất