15/12/2021 14:00 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Chắc nhiều người Việt (từ cổ chí kim) đều ngạc nhiên và không hiểu ngữ nghĩa của cụm từ “tiểu thịt tươi”.
Mọi người ngạc nhiên cũng phải. Ta thấy tổ hợp 3 âm tiết này là một cấu trúc “cọc cạch”; gồm 1 thành tố Hán Việt (tiểu) với 2 thành tố thuần Việt (thịt, tươi). Kể ra, trong tiếng Việt vẫn có những cấu trúc “nửa Hán nửa Việt” (như binh lính, xương cốt, ban ngành…) nhưng những từ này vẫn có nghĩa (mở rộng hoặc đồng nghĩa, khi kết hợp mang nghĩa khái quát).
Trường hợp “tiểu thịt tươi” không phải vậy: 1) “tiểu” (小) có nghĩa là “nhỏ, bé”; 2) “thịt”, chỉ “phần mềm có thớ, bọc quanh xương trong cơ thể người và động vật”; 3) “tươi”, chỉ “[thực phẩm] còn mới, còn giữ nguyên chất, chưa ươn, hư hỏng”. “Thịt tươi” (trái với “thịt ôi”) thì ta vẫn gặp khi vào các hàng thịt cá ở chợ. Nhưng “thịt tươi nhỏ” (tiểu thịt tươi) thì có lẽ người Việt chưa ai nói bao giờ.
Nhưng trong ngôn ngữ của giới trẻ Việt Nam “sành điệu” bây giờ, “tiểu thịt tươi” được “nhập tịch” và đang là cụm từ “nóng” “sốt xình xịch”. Lại thêm một cái lạ nữa.
Cũng bởi từ này là một khái niệm đặc biệt, được giới giải trí Hoa ngữ khai sinh và dần dần lan tỏa khắp châu Á, trong đó có Việt Nam. “Tiểu thịt tươi” được giới giải trí Trung Quốc, đặc biệt là các chị em dùng để gọi những chàng trai trẻ mới nổi, nhưng lại sở hữu nhan sắc cực phẩm, thậm chí còn được dùng để chỉ ngoại hình “siêu hạng” vào hàng các “nam thần”, còn trẻ và rất trẻ, đang khuynh đảo trong giới trẻ Trung Quốc cũng như quốc tế.
Những “tiểu thịt tươi" thành công của nền giải trí Hoa ngữ có thể kể đến Lộc Hàm, Ngô Diệc Phàm, Dịch Dương Thiên Tỷ, Thái Từ Khôn, Tống Uy Long... Các sao nam này không chỉ sở hữu ngoại hình và tài năng nổi bật mà còn có lượng “fan” hâm mộ vô cùng hùng hậu với các hoạt động tung hô, cổ súy và sức chi tiêu cho thần tượng rất lớn.
Do vậy, từ khi xu hướng “tiểu thịt tươi" ra đời, họ đã trở thành những nhận vật chính phục vụ cho các “chiêu” quảng cáo, được giới marketing tận dụng và khai thác triệt để. Cũng bởi, ngành công nghệ làm đẹp và kinh doanh làm đẹp gắn liền với thời thượng giới trẻ, nhất là phụ nữ. “Sân chơi” này nằm trong tay họ. Đối tượng này rất hùng hậu (chiếm một tỉ lệ lớn trong cơ cấu dân số).
Tuy nhiên, hiện tượng “tiểu thịt tươi” không được các nhà cầm quyền Trung Quốc ưa chuộng và ủng hộ. Đặc biệt là đã nó vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ của các bậc phụ huynh trong các gia đình Trung Quốc. Họ không muốn con trai mình trang điểm, ăn mặc chải chuốt “ẻo lả” quá mức, điều không nên có ở một người đàn ông. Sự xuất hiện của trào lưu “nữ tính hóa” đã xung đột trực diện với tư tưởng “nam cường nữ nhược" vốn đã ăn sâu bám rễ đến từng nếp nhà trong xã hội và vẫn còn rất nhiều thế hệ ra sức duy trì.
Quan niệm truyền thống cho rằng, nam tính không chỉ là vẻ bề ngoài, nó còn là tính cách, phẩm chất đáng có của một người đàn ông. Nhưng mặc, hiệu ứng “đám đông cuồng nhiệt” vẫn thắng thế. Thế là, các hoạt động kinh doanh giải trí ở Trung Quốc đã và tiếp tục bị các “siêu sao” giới trẻ thao túng. Họ “sáng tạo” ra những trò giải trí (trên phim ảnh, âm nhạc, thời trang…) và đi theo là các từ ngữ mới “ăn theo”.
Hán ngữ Từ điển cũng đã bổ sung nhiều từ mới, trong đó không ít những “từ ngữ lóng” do giới nghệ sĩ và showbiz sáng tạo ra.
PGS-TS Phạm Văn Tình
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất