Chữ và nghĩa: 'Thiếu tháng Giêng mất khoai…'

28/02/2024 17:30 GMT+7 | Văn hoá

"Thiếu tháng Giêng mất khoai, thiếu tháng Hai mất cà". Tháng Giêng nói trong câu tục ngữ này là tháng Giêng tính theo Âm lịch, là tháng đầu tiên trong năm với rất nhiều sự kiện, nhiều lễ hội mùa Xuân (trong đó có Tết Nguyên đán, Tết Nguyên tiêu).

"Thiếu tháng Giêng" tức tháng này chỉ có 29 ngày. Và nếu như vậy thì theo kinh nghiệm dân gian thì mùa khoai sắp tới sẽ mất mùa. Khoai ở đây là khoai lang, thường bắt đầu trồng từ tháng cuối cùng trong năm: "Tháng Chạp là tháng trồng khoai/ Tháng Giêng trồng đậu, tháng Hai trồng cà" - ca dao.

Mất mùa (có thể là mất hết, mất trắng, nhẹ hơn là thất bát) tức là sản phẩm thu hoạch mùa màng rất kém, ảnh hưởng lớn tới đời sống nhà nông. Mất mùa lúa là nặng nhất (vì đây là cây ngũ cốc giữ vai trò cung cấp lương thực cơ bản). Ngoài chuyện mất mùa lúa, thì mất mùa khoai, ngô, đậu, lạc… cũng đều ảnh hưởng tới đời sống mọi người.

Nguyễn Đức Dương (trong Từ điển tục ngữ Việt, NXB Tổng hợp TP.HCM) đã giải thích nghĩa của câu này là: "Những năm tháng Giêng thiếu thì hay mất mùa khoai; tháng Hai (Âm lịch) thiếu thì hay mất mùa đậu (tức đỗ)".

Chữ và nghĩa: 'Thiếu tháng Giêng mất khoai…' - Ảnh 1.

Tháng Giêng là thời gian diễn ra nhiều lễ hội. Trong ảnh: Lào Cai khai hội đền Cô Tân An năm 2024. Ảnh: TTXVN phát

Cũng chuyện thời tiết liên quan tới trồng trọt này, dân gian còn có câu: "Thiếu tháng Hai mất cà, thiếu tháng Ba mất đỗ", cũng theo Nguyễn Đức Dương thì "(Những năm) tháng Hai (Âm lịch) thiếu thì hay mất mùa cà, tháng Ba (Âm lịch) thiếu thì hay mất mùa đỗ" ("Tháng Hai trồng cà, tháng Ba trồng đỗ" - tục ngữ).

Xem mùa vụ qua khí hậu, thời tiết, trong đó có biểu hiện của ngày, tháng (tháng thiếu, tháng Âm lịch hụt ngày so với tháng đủ là tháng có trọn vẹn 30 ngày) là một kinh nghiệm bao đời của nhà nông ta.

Có 3 cây nông nghiệp được nhắc đến qua 2 tục ngữ trên: Khoai, cà, đỗ (đậu). Khoai ở đây là khoai lang. Như đã nói, khoai lang trồng vào tháng Chạp, lúc đó trời còn lạnh ("Cưới vợ kiêng ngày đoạn tang, trồng khoai lang tránh ngày gió bấc"). Cây khoai lang có thời gian sinh trưởng khoảng 85-100 ngày. Khoai lang có nhiều vụ: Vụ Đông Xuân và vụ Hè Thu. Vụ Đông Xuân trồng vào khoảng tháng 11, tháng 12 (và thu hoạch khoảng tháng 3, 4 và 5).

Khoai lang ưa đất cát (hoặc cát pha). Với loại đất này khoai nhanh bén rễ, củ phình to nhanh và tích hợp được nhiều bột, khoai ăn bở và thơm. Theo kinh nghiệm dân gian thì nếu tháng Giêng mà thiếu thì đó là dấu hiệu cảnh báo, khoai vào vụ Đông Xuân sẽ gặp bất lợi là thời tiết lạnh, dây giống thường bị chết và cây phát triển chậm. Đặc biệt, nếu bị mưa nhiều, khoai thường bị thối rễ, ít củ, củ không to (hoặc bị sâu, bị hà ăn) và ít bột (luộc bị sượng, ăn nhạt), năng suất giảm thấy rõ.

Tương tự, nếu tháng Hai (hay Ba) mà thiếu thì đó là dấu hiệu cảnh báo thời tiết "đỏng đảnh", mưa gió thất thường, hoặc mưa kéo dài. Mưa làm cho công việc làm đất gặp trở ngại. Đất ướt khó trồng, cây cà, cây đỗ không những phát triển chậm, dễ dập nát, mà còn ảnh hưởng tới việc thụ phấn của hoa. Mà hoa lại nở rộ vào quãng tháng Ba hoặc tháng Tư. Ai cũng biết, các loại cây có hoa lưỡng tính (như ngô, cà, đỗ…) mà gặp mưa khi nở thì khả năng đậu quả rất thấp. Nếu đậu thì cũng ảnh hưởng. Cà không sai, quả không to. Đậu cũng không nhiều quả, quả bé, bị lép, sâu bệnh nhiều nên ít hạt, hạt lại không mẩy và nhiều sâu bệnh.

Cứ tưởng chuyện tháng thiếu, tháng đủ không ảnh hưởng gì tới cuộc sống đời thường. Hóa ra, chính sự thiếu hụt đó là "điềm" trời báo trước những diễn biến không lành và kéo theo là những ảnh hưởng trực tiếp tới việc canh tác của nhà nông. Nhà nông không chỉ "trông trời, trông đất, trông mây" mà còn phải "trông tờ lịch" treo tường (xem ngày, tháng) để từ đó có những tính toán làm ăn thích hợp.

Tháng này thiếu đó em ơi

Phải "liếc" thời tiết để rồi làm ăn.

PGS-TS Phạm Văn Tình

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm