07/08/2024 14:00 GMT+7 | Văn hoá
"Nu na nu nống/ Cái bống nằm trong/ Con ong nằm ngoài/ Củ khoai chấm mật/ Bụt ngồi Bụt khóc/ Con cóc nhảy ra/ Con gà ú ụ/ Nhà mụ thổi xôi/ Nhà tôi nấu chè/ Tay xòe chân rụt".
Đây là toàn văn một bài đồng dao (Lời hát dân gian truyền miệng của trẻ em, thường đi theo một trò chơi) mà nhiều người đã từng chơi (từ thơ bé) hoặc đã thuộc (vì đọc trong sách vở).
Ngày xưa, nhất là ở nông thôn, trẻ em thường có những trò chơi dân gian quen thuộc, như: Đánh đáo, đánh cù, thả diều, chơi khăng, bịt mắt bắt dê, trồng nụ trồng hoa, chi chi chành chành, lộn cầu vồng, kéo cưa lừa xẻ…
Bài đồng dao vừa dẫn ở trên gắn với trò chơi "nu na nu nống". Trò chơi này dành cho mấy người (3 hoặc đông hơn, có thể 8 - 9 người, thường là các em gái). Cách chơi rất đơn giản. Các em ngồi cạnh nhau. Tất cả duỗi thẳng chân song song và đọc bài đồng dao của trò chơi này. Khi đọc, mỗi từ trong bài được ứng vào một chân.
Bắt đầu, từ đầu tiên của bài là "nu" sẽ đập nhẹ vào một chân và từ "na" sẽ đập vào chân thứ 2 của bé thứ nhất, tiếp theo đến các chân của bé thứ 2, thứ 3… theo thứ tự từng bé. Chân của bé nào gặp từ "trống" thì co lại, bé nào co đủ 2 chân trước tiên người đó sẽ về nhất, bé co đủ 2 chân kế tiếp sẽ về nhì… bé còn lại cuối cùng sẽ là người thua cuộc.
***
Vấn đề đặt ra ở đây là: Nếu coi bài đồng dao trên là một văn bản thì văn bản này khi đọc lên, ta không thấy tính liên kết, tức là các câu (phát ngôn) không có sự kết nối theo chủ đề, mỗi câu mỗi vẻ. Nếu tách ra, xem xét từng câu thì các câu đều đúng ngữ pháp và mỗi câu đều miêu tả một sự tình. "Cái bống nằm trong" chả liên quan gì với "Củ khoai chấm mật", với "Bụt ngồi Bụt khóc", với "Con cóc nhảy ra"…
Hầu như các bài đồng dao liên quan tới các trò chơi dân gian đều trong tình trạng "phi liên kết" như vậy.
Cũng bởi lời bài đồng dao chỉ là văn bản dẫn dắt, theo từng giai đoạn của cuộc chơi. Mỗi câu thơ đánh dấu một giai đoạn và khi đọc tới câu cuối cùng thì trò chơi kết thúc (hoặc chuyển sang giai đoạn khác cho người chơi tiếp theo). Ta sẽ còn gặp nhiều văn bản đồng dao vô lý nữa.
Chẳng hạn bài: "Đậu nành là anh dưa chuột/ Dưa chuột là ruột dưa gang/ Dưa gang là nàng dưa hấu/ Dưa hấu là cậu bí ngô/ Bí ngô là cô đậu nành". Bài này chỉ là đồng dao đọc chơi chứ không gắn với trò chơi nào.
Các câu đều có cú pháp đồng dạng (A là X của B) và chúng hiệp vần lưng với nhau nên người đọc nhanh thuộc. Tuy nhiên, mỗi câu lại biểu thị một "sự tình vô lý": đậu nành chả liên quan gì đến dưa chuột mà đòi làm "anh". Dưa chuột sao lại là ruột dưa gang? Còn dưa gang sao lại là nàng dưa hấu? Cũng chẳng có cơ sở gì để đi đến kết luận dưa hấu là cậu bí ngô cả? Tất cả những cây những quả trong bài đồng dao chẳng có anh em "dây mơ rễ má" gì với nhau. Một văn bản thiếu hẳn tính liên kết chủ đề. Nhưng chính cái "ngồ ngộ, phi lí" của các câu trong chỉnh thể làm nên sự nhịp nhàng thú vị của đồng dao.
Sau này, người ta có sáng tác, tạo thêm các biến thể mới và các bài này có tính liên thông, liên kết rõ ràng hơn. Chẳng hạn bài "Nu na nu nống" phiên bản mới là: "Nu na nu nống/ Đánh trống phất cờ/ Mở cuộc thi đua/ Thi chân sạch sẽ/ Chân ai đẹp đẽ/ Gót đỏ hồng hào/ Không bẩn tí nào/ Được vào đánh trống".
Tuy nhiên, người nghiên cứu văn hóa dân gian (folklore) bao giờ cũng lấy các phiên bản cũ làm căn cứ (càng cũ càng có giá trị văn bản học). Các bài đồng dao đó là một văn bản "ăn theo" trò chơi nên thường ngắn gọn, theo thể thơ 4 chữ, ngôn từ mộc mạc, dân dã, vì thế mà giúp cho người chơi dễ đọc, dễ nhớ và khi đọc lên tạo nên sự liên tưởng ngộ nghĩnh, thú vị. Cái đẹp của sự "vô lý".
Bắt đầu từ một trò chơi
Dân gian chắp nối những lời cho vui
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất