Chữ và nghĩa: Nói trộm vía

06/12/2023 07:32 GMT+7 | Văn hoá

"Nói trộm vía" (hoặc "nói trộm bóng") là câu cửa miệng mà chúng ta rất hay gặp trong giao tiếp hàng ngày.

Đây là một câu mà hầu như người bản ngữ tiếng Việt nào cũng dùng khi đưa ra một nhận xét (thường là khen) những lúc đứng trước một đứa trẻ (là con hoặc cháu của ai đó). Nó là một quán ngữ (tổ hợp ngữ đã dùng nhiều thành quen) chứ không phải thành ngữ (các từ kết hợp với nhau thành tổ hợp từ diễn đạt một nghĩa biểu trưng), hoặc tục ngữ (câu ngắn gọn, đúc kết tri thức, kinh nghiệm của nhân dân).

Quán ngữ (trong tiếng Việt) có giá trị tình thái. Người nói sử dụng trong một tình huống giao tiếp, để đưa đà và cũng để hỗ trợ cho một thông điệp cần chuyển tải, nhằm đạt tới một hiệu ứng giao tiếp tại lời.

Muốn hiểu quán ngữ này, trước hết ta phải hiểu "vía" là gì? Vía, theo quan niệm dân gian là "yếu tố vô hình tồn tại trong thể xác, được coi là tạo nên phần tinh thần của mỗi người, khi người chết thì cũng mất đi" (Từ điển tiếng Việt, Trung tâm Từ điển học, NXB Đà Nẵng, 2020). Cũng theo quan niệm xưa, người ta có "ba hồn bảy vía" (tam hồn thất phách) và những ai sống trên thế gian này phải có đủ hồn đủ vía mới thực sự thành người. Vía (hoặc bóng vía) là thần thái, cốt cách, nên khi dẫn đến vía là người ta coi đó là vấn đề hệ trọng (thuộc lĩnh vực tâm linh).

Mọi người đều có vía của riêng mình. Nhưng với đứa trẻ (nhất là trẻ mới sinh, còn nhỏ, thể trạng non yếu) thì vía do một "đấng siêu hình" cai quản, giám sát (ở mọi nơi, mọi lúc). Vì vậy, mọi cử chỉ, lời nói với trẻ đều rất nhạy cảm và đều ảnh hưởng trực tiếp tới "phần hồn và phần xác".

Chữ và nghĩa: Nói trộm vía - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet

Mọi người đi thăm sản phụ, thăm một gia đình có con nhỏ, đều rất muốn khen ngợi, động viên gia đình bằng một lời khen. Nhưng (theo lẽ thường) khen trực diện trẻ (như cháu bụ bẫm quá; cháu kháu quá; cháu lớn nhanh quá…) sẽ bị "bà mụ quở" và gây bất lợi cho trẻ (rất có thể sau đó trẻ dễ bị ốm đau, kém ăn, quấy khóc, chậm lớn…). Để tránh những "rủi ro vô hình" không đáng có ấy, người ta phải bắt đầu lời khen bằng quán ngữ "nói trộm vía".

"Trộm vía" là một cách nói tránh (xin được qua mặt vía để không bị "bắt lỗi"), tránh bất lợi, rủi ro cho trẻ. Câu nói này không khác gì "liều vaccine miễn dịch" để cho người ta yên tâm, thoải mái khi đưa ra những nhận xét tích cực trước mặt trẻ nhỏ. Gia đình của trẻ cũng vì thế mà yên lòng, không lo những điều không hay xảy đến…

***

Cũng bắt đầu có từ "nói" theo cấu trúc này, người Việt còn có các tổ hợp, như "nói bỏ quá cho", "nói khí không phải". Trong trường hợp này, người nói sợ gây mất lòng đối với người nghe nên đưa ra một quán ngữ "rào đón", mong người nghe thể tất nếu điều sắp nói tới có gì thất thố, chưa chính xác. Ví dụ: "Nói bỏ quá cho, hình như vừa rồi anh quên chưa qua nhà sếp nói lời cám ơn khi hết năm. Vì thế mà sếp giận".

Hoặc tổ hợp "nói có ngọn đèn/ bóng đèn" được dùng khi người nói thể hiện một hành vi cam kết/ thề bồi rằng mình đã có những hành động rõ ràng, trung thực. Ví dụ: "Nói có bóng đèn chứng giám, tôi đã nuôi ba mặt con và chưa hề lấy một xu của công để tự tư tự lợi". Lấy "bóng đèn/ngọn đèn" như một "trọng tài tâm linh" làm chứng, người nói muốn khẳng định một điều, những gì diễn ra vừa qua (liên quan tới người nói) là đúng, không có gì khuất tất. Hoặc quán ngữ "nói cho phải" có hàm ý "sự tình nói cho đúng thì phải là…". Ví dụ: "Nói cho phải lẽ thì cô nên xin lỗi anh ấy để gia đình 2 bên thông cảm".

Khi viện dẫn đến "vía" (trong "nói trộm vía"), người nói đã lấy một căn cứ làm chỗ dựa để hoàn toàn yên tâm về phát ngôn của mình. Quan niệm đó có từ ngàn xưa và hiện nay, vẫn được đông đảo người Việt sử dụng một cách bình thường. Âu cũng là một nét văn hóa Việt thể hiện qua lời ăn tiếng nói hàng ngày.

"Trộm vía" tưởng gió thoảng qua

Nhưng ta phải nói mới là yên tâm

PGS-TS Phạm Văn Tình

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm