Chữ và nghĩa: Hep-pi bơc-đây...

29/11/2023 15:33 GMT+7 | Văn hoá

Hep-pi bơc-đây tu iu (Happy birthday to you) là một câu tiếng Anh (có nghĩa là "Chúc mừng sinh nhật bạn") và cũng là lời bài hát (được cho là của tác giả Irving Berlin) hiện nay đã trở thành bài hát quen thuộc trong các buổi mừng sinh nhật. Nó phổ biến đến mức được đưa vào sách Guinness với kỷ lục là bài hát tiếng Anh được hát nhiều nhất thế giới.

Bài hát này cũng quá quen thuộc với người Việt Nam. Bây giờ, gần như bất cứ một sự kiện tổ chức sinh nhật nào, chúng ta đều thấy mọi người vui vẻ, vừa vỗ tay vừa hát theo giai điệu ngắn gọn này trong ánh nến lung linh.

Không những thế, người Việt Nam cũng rất say sưa hát bài Happy New Year (Chúc mừng năm mới) trong dịp năm hết Tết đến (cả Tết Tây và Tết ta)…

Có phải là chúng ta đã chấp nhận sự lai tạp ngôn ngữ, hoặc nói cách khác, chấp nhận sự "trộn mã" (nói xen lẫn từ nước ngoài vào tiếng Việt) mà lâu nay chúng ta từng lên án hay không?

***

Trong ngôn ngữ học, người ta gọi hiện tượng "chêm xen ngôn ngữ khác" là "trộn mã" (codes mixing), lại có người gọi là "đệm ngữ". Về bản chất, các cách gọi này đều có thể quy về hiện tượng "đưa một từ, ngữ, phát ngôn của ngôn ngữ khác vào ngôn ngữ mình đang sử dụng". Hiện tượng "trộn" này đã bị nhiều người lên tiếng phản đối vì nó "lai căng, kệch cỡm", làm mất đi vẻ đẹp, vẻ trong sáng của tiếng Việt, biến tiếng Việt thành một "món lẩu thập cẩm".

Chữ và nghĩa: Hep-pi bơc-đây... - Ảnh 1.

Hep-pi bơc-đây tu iu (Happy birthday to you) là một câu tiếng Anh (có nghĩa là "Chúc mừng sinh nhật bạn")

Việc sử dụng một số từ ngữ nước ngoài khi giao tiếp (cả nói và viết) là bình thường với mọi cộng đồng ngôn ngữ trên thế giới. Với nhiều người châu Âu (đa số thuộc ngữ hệ Latin và ngữ hệ Anglo-Saxon) thì chuyện người Pháp, người Italy, người Tây Ban Nha… chêm tiếng Anh (và ngược lại, người Anh chêm các tiếng khác) là khá phổ biến. Ngày xưa đã thế và ngày nay còn hơn thế.

Tiếng Việt cũng đang có xu hướng này. Nhưng cũng phải nói rằng, có nhiều người lạm dụng việc sử dụng tiếng Anh trong các cuộc trao đổi. Trong lời ăn tiếng nói, trong văn bản tiếng Việt hiện nay rất phổ biến hiện tượng chêm xen từ ngữ ngoại (chủ yếu là tiếng Anh), kiểu như: Sorry (xin lỗi) mày nha; tối qua papa (bố) với mama (mẹ) cắt cơm; money (tiền) hết sạch; không overnight (thâu đêm) được...

Hoặc đoạn sau: "Anh có thể arrange (sắp xếp) cho em một appointment (cuộc hẹn) với chief (sếp) được không? Em cần interview (phỏng vấn) ảnh một số điều về cái projects (dự án). Thank you (cảm ơn) anh"...

Ta thấy các từ tiếng Anh sử dụng là hoàn toàn đúng nghĩa. Nhưng có cần đệm vào nhiều đến thế không? Người nói hoàn toàn có thể dùng các từ Việt thay thế.

***

Tuy nhiên, có nhiều từ tiếng Anh bây giờ lại được thông dụng hóa. Chẳng hạn, bây giờ các từ như OK (được, tốt, đồng ý), bye (tạm biệt), fan (người hâm nộ), fair play (chơi đẹp), tuổi teen (teen age: Tuổi từ 13 đến 19), U19, U23,con IC (mạch tích hợp), PC (máy vi tính), laptop (máy tính xách tay), menu (thực đơn), file (tệp), shipper (người giao hàng), World Cup (Cup Thế giới)…

Từ "happy" như ta vừa thấy ở hai trường hợp trên (Happy Birthday, Happy New Year) còn có thể kết hợp với nhiều từ khác để tạo nên một tổ hợp mới: Happy Teacher's Day (Chúc mừng Ngày Nhà giáo), Happy Thanksgiving (Ngày Lễ Tạ ơn tốt lành)... Nói chung những từ như vậy (và nhiều hơn vậy) cũng đã khá quen thuộc trong giao tiếp tiếng Việt, nhất là giới trẻ.

Và nếu ai đó nói chuyện bây giờ mà dùng các từ như thank, thank you thay cho cám ơn, sorry thay cho xin lỗi, bye, good bye thay cho tạm biệt… thì cũng không có gì gọi là quá lố.

Thực tế cuộc sống (thay đổi và phát triển) cho phép sự "trộn mã" tới mức chấp nhận được. Ngày trước, người Việt ít có thói quen tổ chức sinh nhật (có chăng chỉ là mừng thọ). Bây giờ, việc các gia đình (hoặc cộng đồng) chúc mừng sinh nhật ai đó bằng nghi thức thổi nến, cắt bánh ga-tô và đồng thanh hát bài Happy Birthday là rất bình thường.

Trong xu hướng mở cửa hội nhập mọi lĩnh vực, thì ngôn ngữ cũng không đứng ngoài. Ngôn ngữ (cụ thể là tiếng Anh) đang ngày càng thâm nhập vào môi trường tiếng Việt. Một số từ ngữ, lối nói này sẽ bị Việt hóa và chẳng bao lâu nữa sẽ trở thành tài sản của người Việt (như các từ gốc Hán, gốc Pháp trước đây).

Thế giới đang xích lại gần.

Đang "quốc tế hóa" chẳng cần thông ngôn.

PGS-TS Phạm Văn Tình

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm