15/05/2024 11:00 GMT+7 | Văn hoá
"Ngày xưa có anh Trương Chi/ Người thì thật xấu hát thì thật hay" (Câu thứ 2 có văn bản chép là "Người thì thậm xấu, hát thì thậm hay"). Hai câu ca dao này đã đi vào truyền thuyết từ một truyện cổ dân gian.
Truyện kể về nàng Mỵ Nương xinh đẹp (con một vị tể tướng) say mê (đến tương tư sầu não) tiếng sáo và tiếng hát của con trai người thuyền chài có tên là Trương Chi.
Nhưng sự tình lãng mạn tưởng nên chuyện, nên duyên lại nhanh chóng kết thúc chẳng có hậu chút nào. Cũng vì chàng Trương Chi với giọng hát mê hồn kia lại là một người có ngoại hình xấu xí tới mức Mỵ Nương (và cả cha nàng) trông thấy đã thất vọng và xua đuổi chàng đi. Cái kết đầy tính bi kịch này mọi người đã rõ.
Sau lần giáp mặt người đẹp, Trương Chi ốm tương tư rồi chết trong tủi nhục. Mỵ Nương cũng chẳng yên phận. Nàng vẫn bị ám ảnh bởi tiếng hát "ma thuật" từ người tình trong mộng… Sau này, Mỵ Nương được mời uống nước trong cái chén ngọc (chế tác từ trái tim pha lê người ta tìm thấy khi cải táng Trương Chi) và khi nước mắt nàng nhỏ đúng chiếc chén, nó bỗng nhiên tan ra thành nước…
Tôi đã tóm tắt câu chuyện (dù hơi dài dòng một chút) để có một nhập đề thú vị, trên cơ sở đó phân tích câu ca dao mở đầu, được coi là điển hình của cấu trúc "ngày xưa + có + X" rất quen thuộc trong hàng loạt truyện cổ Việt Nam từ trước đến nay.
"Ngày xưa" được hiểu là "thời gian đã qua, cách thời nay đã lâu". Nó còn có một biến thể từ láy nữa là "ngày xửa ngày xưa" (ngày xa xưa lắm, không còn hình dung cụ thể là vào lúc nào). Chúng ta đọc truyện cổ tích, thường thấy các câu mở đầu là: "Ngày xưa có một lão tiều phu nghèo…"; "Ngày xưa, dưới gốc đa nọ có một chàng trai mồ côi cả cha lẫn mẹ…"; "Ngày xửa ngày xưa, có một cô bé, mẹ mất sớm, phải ở với…"… "Ngày xưa" là lời mào đầu cho một câu chuyện trong quá khứ rất xa mà người ta muốn kể lại.
Học sinh khi được yêu cầu phân tích những câu như vậy rất lúng túng trong xử lý. Thông thường, người học khi phân tích một phát ngôn được gọi là câu dứt khoát phải chỉ ra đâu là chủ ngữ, đâu là vị ngữ, rồi tiếp đó là các thành phần phụ (bổ ngữ, trạng ngữ…). Lấy ví dụ câu "Ngày xưa có anh Trương Chi", nhiều em đã cho "ngày xưa" là chủ ngữ, "có" là vị ngữ, "anh Trương Chi" là bổ ngữ…
Thực tế, trong tiếng Việt (và một số ngôn ngữ khác) có những câu không có chủ ngữ.
Đó là những câu, được gọi là "câu tồn tại" - một loại câu khá phổ biến, tiếng Anh là existential sentence. Đó chính là câu "chỉ ra sự tồn tại của một người hay vật nào đó". Thường trong các văn bản tường thuật, khi đưa một đối tượng mới (được coi là tiêu điểm) người ta thường dùng một trạng ngữ (chỉ không gian hay chỉ thời gian) làm khởi ngữ dẫn dắt.
Chẳng hạn: "Ngày xưa ở làng nọ có một quả núi cao. Trên núi có cái hang. Trước cửa hang có một tảng đá giống hình con thỏ" (Thỏ ngọc, NXB Kim Đồng, 1982). Cả 3 câu mở đầu trong ví dụ này đều có dạng là câu tồn tại.
Truyện Thánh Gióng quen thuộc mà mọi người đã biết cũng mở đầu bằng "Ngày xửa ngày xưa vào đời Vua Hùng thứ 16, tại một làng Gióng nọ có đôi vợ chồng già tuy nghèo nhưng chăm chỉ làm ăn và sống nhân hậu". Câu như vậy mà ta cố gò đến mấy cũng khó cho "ngày xửa ngày xưa" là chủ ngữ được.
***
Câu tồn tại là câu không có chủ ngữ. Vì vậy đừng hoài công mà tìm và gán ghép cho câu một chủ ngữ (để thỏa mãn nòng cốt "chủ - vị" của câu). Dù "ngày xưa" là từ mở đầu (rất quan trọng) thì gán cho nó chức năng chủ ngữ cũng không ổn. Cấu trúc phổ biến của câu tồn tại là "trạng từ (chỉ không gian, thời gian) + vị từ (vị ngữ) + bổ ngữ". Trong giao tiếp, ta rất hay gặp các câu, đại loại như: Đầu làng có một cây đa; Trước nhà em có cây khế nhiều quả lắm; "Trên trời có đám mây xanh/ Ở giữa mây trắng chung quanh mây vàng"; "Trước cánh đồng là núi là sông/ Chân trời bốn phía, mênh mông mênh mông"… "Có" là động từ phổ biến và đây là dấu hiệu dễ nhận diện nhất với các câu tồn tại.
Ngày xưa có biết bao điều
Bao nhiêu sự vật, bao nhiêu con người
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất