19/02/2025 07:38 GMT+7 | Văn hoá
"Nếu tôi không lầm" (hoặc "Nếu tôi không nhầm") có phải là một vế của câu ghép có cấu trúc "Nếu A thì B" không?
Trong tiếng Việt, mô hình câu này được hình thành theo logic của phép kéo theo, trong đó vế 1 (nếu A) là vế giả thiết, vế 2 (thì B) là vế dẫn đến kết quả. Ta thường nghe những câu, đại loại: Nếu trời mưa thì đường lầy; Nếu lụt thì đói…
Trong toán học, "giả thiết" là "điều cho trước trong một định lý, hoặc trong một bài toán để căn cứ vào đó mà suy ra kết luận của định lý hoặc giải bài toán". Chẳng hạn, ta có giả thiết "Nếu ta lấy 1 cộng với 1" sẽ dẫn đến kết luận "thì ta sẽ được một số X, X sẽ lớn hơn 1 một đơn vị theo trật tự của dãy số tự nhiên".
Ngôn ngữ tự nhiên có biểu hiện khác (với logic hoặc toán học). Có thể nói, "nếu tôi không lầm/ nhầm" là một vế đặc biệt trong một loại câu đặc biệt.
Ảnh minh hoạ: Internet
Phép logic (A → B) tương đương với câu ghép có cặp liên từ "nếu… thì…". Từ một tiền đề giả định A, người ta có thể suy luận ra hệ quả B. Tất nhiên, hệ quả B trong lời nói đa dạng hơn nhiều. Nó thường được thể hiện theo hướng dụng ngôn (ngữ dụng) mà người nói sử dụng tùy ngữ cảnh. Chẳng hạn, cũng vế "nếu trời mưa" thì kết quả không chỉ là "đường lầy". Người ta có thể nói: Nếu trời mưa thì trận đấu sẽ hoãn; Nếu trời mưa thì lúa sẽ tốt (năm nay được mùa); Nếu trời mưa thì em từ từ hãy đi (đường phố sẽ tắc đấy)…
Tổ hợp "Nếu tôi không lầm/ nhầm" vừa nói ở trên đang được sử dụng trong giao tiếp tiếng Việt như một quán ngữ (quán ngữ: Tổ hợp từ ngữ cố định đã dùng lâu, dùng nhiều thành quen, nghĩa có thể suy ra từ nghĩa của các yếu tố hợp thành). Khi ai đó định nói, định khẳng định một vấn đề gì đó, họ thường bắt đầu bằng "nếu tôi không lầm", ví dụ:
- Nếu tôi không lầm thì hôm nay đúng ngày Lập Xuân. (Người nói cho rằng "hôm nay" đã vào tiết Lập Xuân, nhưng cẩn thận rào đón, kẻo người nghe cho rằng mình đưa thông tin thiếu chính xác).
- Nếu tôi không lầm thì anh có lần hứa sẽ tài trợ cho dự án này khi nó bắt đầu thực thi. (Người nói nhắc nhở người nghe về trách nhiệm cần thực hiện lời hứa tài trợ).
Ta thấy, sau tổ hợp "nếu tôi không lầm/ nhầm", người nói đã tạo ra một phát ngôn mới bằng cách thêm vế sau để hoàn thiện câu ghép này. Khi có câu ghép hoàn chỉnh thì chính người nói đã làm nên một lập luận theo ý mình:
1) Có thể là để khẳng định điều gì đó. (Nếu tôi không lầm thì Việt Nam đã thắng Thái Lan 2 lần tại chung kết ASEAN Cup - trong đó có trận gần đây nhất 2024). → Bóng đá Việt Nam đang khẳng định mình, bằng những trận thắng quan trọng trước đội mạnh nhất Đông Nam Á là Thái Lan);
2) Có thể là "ngầm" chê bai, chế giễu ai đó. (Nếu tôi không nhầm thì khi về nhà chồng cô ấy chỉ là cô gái nhà quê, chưa là gì, giờ cô ấy đã có đủ thứ: Công việc, con cái, nhà cửa đều có cả. → "Cô ấy" không biết điều, nhờ lấy chồng (nhờ chồng và nhà chồng) mà cô ấy đổi đời, có tất vả, ấy thế mà lại quên ơn, nói năng linh tinh);
3) Nêu vấn đề và đặt ra một vấn đề cần suy nghĩ. (Nếu tôi không lầm thì bác sĩ đã dứt khoát khuyên ông X. không nên đi điều trị mấy ông lang ngoài, giờ thì bệnh tình đã bó tay. → "Ông X." đã bỏ qua lời khuyên cần tuân thủ của thầy thuốc, để tình trạng bệnh diễn biến xấu (thậm chí bất lực) chính là từ thái độ đó.)...
Như vậy "nếu tôi không lầm" chỉ là một "quán ngữ chỉ dẫn", có vai trò làm tiền đề "xuất phát điểm" cho một phát ngôn mà người nói định diễn đạt theo ý mình. (Thực tế, nhiều khi người nói biết chắc chắn thông tin trong giả định là đúng, nhưng vẫn "giả bộ khiêm tốn" là "nếu tôi không lầm"). Phát ngôn đó sẽ là một thông điệp có giá trị lập luận mà người nói cần truyền đạt.
Này em, nếu tôi không lầm
Thì chính em đã trao nhầm trái tim.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất