05/02/2025 18:26 GMT+7 | Văn hoá
"Tôi tôi vôi, bác bác trứng" là một câu ghép có hai mệnh đề theo quan hệ đẳng lập. Nhưng nếu ta thay dấu phẩy (ở giữa) thành dấu chấm thì ta sẽ có 2 câu (Tôi tôi vôi. Bác bác trứng) đồng dạng cấu trúc: Chủ ngữ - vị ngữ - bổ ngữ. Điều thú vị là cả 2 câu đều có hiện tượng đồng âm khác nghĩa.
"Tôi", "bác" là 2 đại từ chỉ người (tôi: Ngôi số ít thứ nhất, bác: Ngôi thứ 2 số ít), nhưng đồng thời, "tôi, bác" là 2 động từ (tôi: Cho vôi sống vào nước để hòa cho tan ra; bác: Làm chín thức ăn bằng cách đun nhỏ lửa và quấy cho đến khi sền sệt thì thôi, giống như "chưng").
Như vậy 2 tổ hợp: "Tôi tôi", "bác bác" là các từ đồng âm khác loại từ, khác nghĩa. Câu ghép trên miêu tả hai sự tình: "Tôi" và "bác" mội người làm một việc khác nhau. Cũng giống như cách chơi chữ trong câu đối dân gian xưa: "Ruồi đậu đĩa xôi, mâm xôi đậu/ Kiến bò đĩa thịt, đĩa thịt bò" (Lưu ý phân biệt, chúng hoàn toàn không giống với hiện tượng nhất từ đa loại (cùng vỏ âm thanh nhưng khác nhau về loại từ: Cày trong cái cày và đi cày, cưa trong cái cưa và cưa gỗ, cuốc trong cái cuốc và cuốc đất…)).
Đây là một câu khác: "Qua Phố Mía, hỏi mua đường1, đường không mua được, chỉ mua đường2". Ta thấy tổ hợp "mua đường1" là khác với "mua đường2". Trường hợp 1 là kết hợp tự do giữa động từ "mua" (đổi tiền lấy hàng hóa, đồ vật) và danh từ "đường" (chất kết tinh có vị ngọt, được chế từ mía hoặc củ cải đường). "Mua đường" giống như như mua sách, mua thịt, mua bánh… Còn "mua đường2" lại là một kết hợp cố định (động từ) chỉ ai đó "đi phải con đường xa hơn, vừa tốn thời gian vừa vất vả một cách vô ích". Ta thường nghe nói, đại loại: Nó chỉ dẫn thế nào mà cả nhóm đi mua đường mất cả chục cây số; Bọn mình mất đúng 1 tiếng vì chuyện đi vòng vèo mua đường đấy!
Ảnh minh hoạ: Internet
Và đây là một câu khác: "Hôm qua1 qua2 nói qua qua3 mà qua không qua". Qua câu này, ta thấy có 6 chữ qua. "Qua" đầu tiên (qua1) là một thành tố trong danh từ "hôm qua" (nói tắt) chỉ "ngày liền trước ngày hôm nay", phân biệt với hôm kia, hôm kìa, hôm kĩa, hôm kịa... "Qua" tiếp theo (qua2) là đại từ, phương ngữ, chỉ "người đàn ông lớn tuổi dùng để tự xưng một cách thân mật khi nói với người vai dưới". Người miền Trung (hoặc miền Nam) vẫn dùng "qua" trong nói năng khẩu ngữ, thân tình, dân dã, chẳng hạn: Qua thấy em thiệt thà quá qua thương; "Qua như chim nọ đương bay/ Em như cá nọ mắc rày lưới giăng" - ca dao).
"Qua" tiếp theo nữa (qua3) là động từ, chỉ hành động "đi đến một nơi nào đó, sau khi vượt một khoảng không gian nhất định (đồng nghĩa: Sang)", ví dụ: "Mai qua nhà mình chơi nhé! Qua núi, qua sông, qua đồng lúa chín/ Ta nghe xao xuyến tiếng gọi thiết tha" - lời bài hát của Huy Du. Trong câu "Hôm qua, qua nói qua qua mà qua không qua" có 6 chữ "qua" xuất hiện và có 3 từ "qua" tham gia với 3 tư cách khác nhau (về loại từ và ngữ nghĩa).
Có một truyện vui dân gian liên quan tới hiện tượng đồng âm khác nghĩa này.
"Ngày xưa, có đám học trò đi trọ, mượn của bà chủ quán một cái vạc để nấu cơm. Sau đó, mấy học trò trên (hỏng thi, hết tiền) liền ôm một con cò trả cho bà. Bà chủ quán không chịu, liền kiện quan. Khi quan hỏi, đám học trò "ma lanh" này liền nói:
- Bẩm quan! Đúng là chúng tôi có mượn bà ấy "vạc" nhưng đã đem trả bằng "cò" rồi.
Bà chủ quán tức quá hét to:
- Nhưng vạc của tôi là "vạc đồng".
Mấy học trò không chịu thua, gân cổ:
- Thì cò của chúng tôi cũng có phải là "cò nhà" đâu?"
Đám học trò đã lợi dụng từ đồng âm trong tiếng Việt để cãi lý. Bởi "vạc" (danh từ) là từ chỉ "đồ dùng để đun nấu, giống cái chảo nhưng to và sâu hơn" nhưng cũng là từ chỉ "con vạc" "loài chim có chân cao, cùng họ với con diệc, con cò". "Mượn vạc trả cò" tuy không tương đương song cùng loại, có thể chấp nhận được. Bà chủ quán nói "vạc đồng" với ý chỉ "cái vạc của bà làm bằng nguyên liệu đồng (kim loại có màu đỏ, dùng để chế các dụng cụ trong đó có nồi, chảo…)". Nhưng "đồng" lại còn dùng để chỉ "cánh đồng, khoảng đất đai để trồng trọt và là nơi chim chóc (trong đó có vạc, cò) sinh sống, kiếm ăn". Cò sống ở đồng - cò đồng, cũng giống như vạc vậy - vạc đồng. Sự đồng âm khác nghĩa ngẫu nhiên này trở thành "luận cứ" để nhóm học trò kia lập luận chạy tội.
Tất cả các ví dụ vừa phân tích trên đều phản ánh một đặc thù của tiếng Việt. Nhiều người Việt Nam bản ngữ cũng chưa chắc nhận ra sự "oái oăm" thú vị đó mà hiểu được ngay. Phải đặt vào ngữ cảnh của chính người địa phương may ra mới hiểu. Nếu không thì phải "phiên dịch" ra tiếng Việt toàn dân (chẳng hạn câu "Hôm qua qua nói qua qua mà qua không qua = Hôm qua, tớ nói tớ qua mà tớ không qua = Hôm qua, tao nói tao sang mà tao không sang"). Tất nhiên, với người nước ngoài (hoặc người mới học tiếng Việt) sẽ khó nhận diện và lúng túng. Người dịch phải nắm được bản chất ngữ nghĩa của các từ để có cách chuyển ngữ thích hợp.
Tôi tôi, bác bác… trùng âm
Cần phải cắt nghĩa hai năm rõ mười.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất