15/01/2025 18:00 GMT+7 | Văn hoá
Chắc rất nhiều người nhớ và thuộc bài hát Hà Nội mùa vắng những cơn mưa (Trương Quý Hải phổ thơ Bùi Thanh Tuấn), trong đó có 2 câu rất hay: "Quán cóc liêu xiêu một câu thơ/ Hồ Tây, Hồ Tây tím mờ". Cảnh quán cóc Hà thành thấp thoáng trong sương "tím mờ" thật ấn tượng, thân quen và lãng mạn.
Nhưng, có một thành tố (cóc) chẳng lãng mạn chút nào tham gia vào tổ hợp định danh "quán cóc". Cóc là "động vật thuộc loài ếch nhái, mõm ngắn, da xù xì, thường ở cạn, di chuyển bằng cách nhảy" ("Từ điển tiếng Việt", Trung tâm Từ điển học, NXB Đà Nẵng, 2020). Ấy vậy mà, trong danh sách các từ mới tiếng Việt, đã có tới 3 đơn vị sử dụng từ "cóc" để cấu tạo: Chợ cóc, quán cóc, xe dù bến cóc.
Ba từ này đều thuộc diện từ mới xuất hiện (trong những năm gần đây), đã/đang được các nhà biên soạn từ điển cập nhật, đưa vào từ điển tiếng Việt bản mới nhất.
Chợ cóc là loại hình chợ dân sinh. Đó là "chợ nhỏ, chợ tạm, thường họp một cách tự phát trong một thời gian ngắn, không cố định một chỗ" (Từ điển, đã dẫn). Có thể nói, loại chợ "dã chiến" này xuất hiện khắp nơi, đặc biệt là ở các đô thị.
Giờ đây, đến Hà Nội hay bất cứ thành phố, thị xã, thị trấn hay thị tứ nào, ta đều có thể bắt gặp nhiều chợ cóc với quy mô khác nhau. Có thể chỉ là dăm ba hàng rau, hàng cá, hàng tôm tép và cũng có thể thêm một vài hàng nữa, như hàng gạo, hàng khô, hàng xén… phục vụ những nhu yếu phẩm tối cần thiết cho mọi gia đình. Hàng ở chợ cóc thường là tự cung tự cấp.
Chợ họp trong một không gian hẹp, kéo dài không lâu (đầu giờ sáng, giữa trưa, cuối giờ chiều). Việc mua và bán đều nhanh gọn...
Quán cóc là một loại quán bán hàng nhỏ, tạm bợ và thường bán nước chè, kẹo bánh, rượu, thuốc lá, thuốc lào… Người ta tranh thủ dựng tạm một cái lều, một mái che trống trải ("liêu xiêu như một câu thơ"), thêm mấy ghế tuềnh toàng ở một khoảng đất trống ven đường, bên gốc đa, vỉa hè phố xá… để thực hiện công việc kinh doanh "mì ăn liền"… cho những ai có thói quen gặp gỡ, tụm 5 tụm 3, trà dư tửu hậu.
Còn xe dù bến cóc là một tổ hợp thành ngữ. Cả "Từ điển từ mới tiếng Việt" (Viện Ngôn ngữ học, NXB TP.HCM, 2002) lẫn "Từ điển tiếng Việt" (đã dẫn, 2020) đều chưa thống kê từ này. Tổ hợp trên có 2 vế: 1) xe dù và 2) bến cóc. "Dù" trong "xe dù" chỉ hành động "ai đó nhảy xuống đất từ không trung bằng phương tiện dù (dù: Giống như chiếc ô lớn, có thể xòe ra, cản gió, làm chậm tốc độ của người hoặc vật được cột vào khi đang rơi). "Xe dù" ám chỉ hiện tượng xe ô tô (chở khách) bất ngờ đỗ vào một điểm không đúng quy định để đón khách (trái phép). Đây chính là cơ sở để hình thành "bến cóc" (bến đỗ bất kỳ, không theo quy định, cốt sao đón được khách). Chính vì đỗ "lúc chỗ này lúc chỗ khác, hở ra (không bị nhà chức trách theo dõi) là dừng xe chớp nhoáng", "xe dù bến cóc" đang là một vấn nạn, chỉ sự vi phạm giao thông đường bộ của một số chủ xe chở khách.
Trong cả 3 từ vừa xét (chợ cóc, quán cóc, bên cóc) đều có thành tố "cóc" đi kèm làm định ngữ. Thành tố này, như đã nói, là danh từ chỉ con vật (cóc) vốn hay nhảy lung tung. Với thân hình nhỏ gọn, có sở trường nhảy khi vận động, lũ cóc trong vườn, trên bờ ruộng hoặc trong xó nhà đều có thể di chuyển rất năng động, thoắt ẩn thoắt hiện.
"Nhảy cóc" là từ mô phỏng cách nhảy đặc trưng đó nhưng được sử dụng với nghĩa chuyển "[làm việc gì] nhảy từ cái nọ đến cái kia, bỏ qua từng phần, từng đoạn ở giữa" (VD: Học nhảy cóc, hai năm ba lớp). "Bắt cóc bỏ đĩa" là thành ngữ "ví hành động không đạt được kết quả do không kiểm soát xuể, được chỗ nọ hỏng chỗ kia, được người nọ mất người kia, chẳng khác nào bắt con cóc bỏ vào trong đĩa, nó sẽ nhảy đi ngay".
Người Việt Nam đã tận dụng đặc thù của loài cóc để cấu tạo nên những từ mà khi nghe, để hiểu cho chính xác, ta phải hình dung ra con cóc cụ thể trong cuộc sống. Vốn là một danh từ, nhưng trong cấu trúc tạo từ (mô hình "X + cóc") "cóc" đóng vai trò định ngữ cho một danh từ khác.
Con cóc trong hang nhảy ra
Nhảy vào tiếng Việt cho ta thêm từ.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất