Chữ và nghĩa: Góc bánh chưng

10/07/2024 07:42 GMT+7 | Văn hoá

"Góc bánh chưng", đây là từ mà các bình luận viên thể thao trước đây thường dùng khi tường thuật bóng đá (trên sóng phát thanh). Sau đó, đã có một vài ý kiến phản đối, cho đó là cách nói ngẫu hứng, tùy tiện, không phù hợp, làm mất đi sự trong sáng của tiếng Việt. Vậy ta thử phân tích vấn đề này dưới góc độ ngôn ngữ học xem sao.

Tấn công và ghi bàn là nhiệm vụ quan trọng của các đội bóng đá trong trận đấu. Bàn thắng, số lượng bàn thắng là tiêu chí quan trong để phân định thắng thua trong mọi cuộc tranh tài. Một bàn thắng (goal) được công nhận "khi trái bóng vượt qua hết vạch vôi khung thành và không có phần nào của trái bóng còn ở trên vạch vôi, giữa hai cột dọc và bên dưới xà ngang, mà trước đó không có lỗi vi phạm luật nào từ phía đội ghi bàn, thủ môn không thể bắt được bóng" (Theo "Luật bóng đá").

Khi thi đấu, cầu thủ đối phương (có thể dùng các bộ phận cơ thể, ngoài tay) để đưa bóng vào lưới từ mọi phạm vi quy định trên sân (tất nhiên là không phạm lỗi). Bóng vào lưới cũng rất đa dạng: Bóng sệt, bóng lưng chừng (giữa lưới), bóng cao (phía trên khung thành).

Chữ và nghĩa: Góc bánh chưng - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Khung thành có một vị trí rất đặc biệt là điểm tiếp giáp giữa cột dọc và xà ngang (ở khoảng phía trong). Góc này thường được gọi là "góc chữ A" (mô phỏng hình dáng chữ A trong bảng chữ cái). Bóng vào lưới ở góc này là rất khó cho cả người sút và người bắt. Với người sút, khả năng ăn bàn là rất thấp (dù rằng vào được thì bàn thắng sẽ được coi là đẹp). Với thủ môn thì làm sao phán đoán giỏi, nhảy cao hết cỡ để với tới điểm cao nhất của khung thành (là 2,44m) để bắt thì còn khó hơn, nhiều khi không tưởng. Đến nỗi, người ta còn dùng từ "góc chết" để chỉ. Góc chết, điểm mù là những khái niệm thường dùng trong cuộc sống.

Điểm mù (blind spot) có nhiều nghĩa: 1. điểm nằm trên màng lưới của mắt, không có khả năng tiếp nhận kích thích của ánh sáng; 2. phạm vi không thể nhìn thấy trực tiếp từ vị trí lái xe, dù người lái có quan sát qua gương chiếu hậu hoặc tìm cách nhìn trực tiếp… Còn "góc chết" vốn là thuật ngữ quân sự (chỉ "khoảng không gian không bị súng, pháo bắn đến dù tầm bắn vẫn thừa hoặc đủ" chuyển di vào thể thao. "Góc chết" trong bóng đá là một cách nói, chỉ một vị trí đặc biệt trong khung thành. Với kỹ thuật và kỹ năng giỏi thì từ những đường treo bóng, hoặc từ những quả phạt (trực tiếp hoặc phạt góc), nhiều cầu thủ sẽ có cách lái bóng vào góc này. Lúc đó thì thủ môn có kỹ thuật giỏi và phản xạ nhanh đến mấy cũng phải bó tay thúc thủ. Gọi là "góc chết" là mang hàm ý này.

        ***

Trở lại với từ "góc bánh chưng" vừa nói ở trên. Theo tôi cũng không có gì sai đến mức phải lên tiếng phê phán. Bởi tổ hợp này là cách mô phỏng một vị trí ở góc khung thành phía trên cao. Sẽ có 2 vị trí như thế (bên phải và bên trái). Khung thành gồm 1 xà ngang và 2 cột dọc (7,32 x 2,44m). Sự tiếp giáp giữa xà ngang, cột dọc và mặt sân phía dưới tạo nên một hình chữ nhật. Và chính cái góc bên trên này làm ta liên tưởng tới "góc bảng", "góc màn hình", "góc chữ A" hoặc "góc bánh chưng"…

Gọi là "góc bánh chưng" mang tính thực tế, ngồ ngộ, tạo ra một liên tưởng thú vị về một sự vật gần gũi, một món ăn rất quen thuộc với người Việt Nam. Trong nói năng khẩu ngữ nói chung và thể thao nói riêng, người nói có thể tự sáng tạo ra một vài từ nào đó, cốt sao người nghe dễ hiểu, tạo không khí vui vẻ, miễn là không quá lố hoặc vi phạm những chuẩn mực về thuần phong mỹ tục.

Cứ nghe đến "góc bánh chưng"

Là em lại thấy tưng bừng Xuân sang.

PGS-TS Phạm Văn Tình

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm