19/06/2024 14:23 GMT+7 | Văn hoá
Dạng đầy đủ của câu tục ngữ này là "Giàu đắc trung đắc hiếu, khó mất thủy mất chung". Đây là một bài học dân gian về cách ứng xử thường thấy trong mối quan hệ của người đời, liên quan tới tiền bạc, vật chất.
Nguyễn Đức Dương (trong "Từ điển tục ngữ Việt", NXB Tổng hợp TP.HCM, 2020) giải nghĩa câu này như sau: "Hễ giàu lên thường dễ được khen là giữ tròn được lòng trung hiếu (vì có thể đáp ứng dễ dàng mọi đòi hỏi của cả nhà vua lẫn cha mẹ); hễ nghèo đi thường dễ bị chê là thiếu chung thủy với mọi người (vì khó lấy đâu ra của mà duy trì mọi mối quan hệ từng có ngày nào)".
"Giàu/ nghèo" là một cặp từ trái nghĩa, chỉ hai hoàn cảnh khác nhau (của ai đó) về mặt vật chất. "Giàu" là ai (hay tập thể) nào đó có nhiều tiền, của, những điều kiện cho người ta sống một cuộc sống sung túc, đủ đầy, không phải lo lắng gì. Đó cũng là mục tiêu của nhiều người, nhiều gia đình, mong muốn thoả mãn những điều kiện cần có trong thang giá trị (về tiền của). Và thường khi người ta dồi dào về vật chất, của cải thì người ta mới có điều kiện chia sẻ, hỗ trợ hoặc làm công việc từ thiện, giúp đỡ mọi người. Nhưng ở đời, cái lẽ thường như vậy không phải ở đâu cũng đúng. Vì thực tế, có không ít kẻ "giàu điếc, sang đui" (người giàu hay giả vờ điếc lác (để bỏ ngoài tai những lời cầu mong giúp đỡ); người sang trọng, quyền quý hay mắc chứng đui mù (để cố tình làm ngơ những khi cần được cứu giúp)".
Trở lại với câu tục ngữ "Giàu đắc trung đắc hiếu, khó mất thủy mất chung". Thông điệp ở đây là: Ở đời, nhiều khi tiền bạc là nhân tố quan trọng, làm thay đổi cách nhìn nhận của người đời. Chữ trung chữ hiếu, chữ thủy chữ chung bị xuyên tạc, không còn được hiểu đúng giá trị thực. "Tay mang bị bạc kè kè/ Nói quấy nói quá người nghe ầm ầm" (ca dao).
Người có tiền có của thường lợi đủ đường. Vì họ có thể "tiền hoá" những mối quan hệ. Bố mẹ, ông bà, họ hàng, anh em… có sự kiện nào đó (mừng thọ, sinh nhật, mừng nhà mới…) hay làng nước nhà nào có công có việc (chuyện hiếu chuyện hỉ), người giàu có thường có điều kiện "vung tay" chi đẹp: quà cáp, lễ vật, phong bao đều hậu hĩnh. Thế là tạo nên một tâm lí đánh giá tốt về họ, coi họ là người có nghĩa cử, rộng rãi, có trung có hiếu.
Còn với những người nghèo, thật khó mà đáp ứng những chi phí phải lo (dù là tối thiểu). Không ai cũng hiểu và thông cảm cho họ. Thế là, họ dần "mất điểm" trước con mắt của cộng đồng, anh em, làng nước. "Bần cư trung thị vô nhân vấn/ Phú tại sơn lâm hữu khách tầm" (Nghèo hèn mà sống giữa phố xá đông đúc cũng chẳng có ai đến thăm hỏi. Nhưng giàu sang phú quý, dù có ở nơi núi cao rừng thẳm vẫn có lắm người tìm).
Dân gian còn có câu "Giàu là họ, khó người dưng", cứ giàu lên là sẽ được người khác nhận là người họ hàng thân thích, còn nghèo khó thì sẽ bị người khác coi thường, đang anh em thân thiết cũng dễ bị coi ngay là "người dưng nước lã", chẳng thèm đoái hoài tới ("Thấy người sang bắt quàng làm họ"). Nó cũng giống như câu "Giàu thì hợp, khó thì tan", giàu có là "chất kết dính" để người ta hợp nhau thành bè bạn, phe nhóm, còn nghèo khó thì có tốt rủ đến mấy cũng nhanh chóng tan rã.
Câu tục ngữ trên là một tổng kết về cách ứng xử "nhân tình thế thái" bất bình thường theo logic "tiền bạc chi phối các quan hệ" ở đời. Ngày xưa đã thế và bây giờ vẫn còn thế (không ít đâu). Âu cũng là một bài học cảnh tỉnh chúng ta.
Đồng bạc thay đổi nghĩa tình
Bài học xưa để chúng mình ngẫm nay
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất