Chữ và nghĩa: Em hỏi anh im lặng

31/01/2024 18:00 GMT+7 | Văn hoá

"Em hỏi anh im lặng". Câu thơ này sẽ làm cho mọi người liên tưởng ngay tới bài thơ Chuyện tình mười năm trước của Nghiêm Thanh (viết khoảng năm 1971 - 1972 và trong một thời gian dài được cho là của một nhà thơ Nga, có tên Bessonov). Đây là khổ đầu của bài thơ đó:

"Chỉ có một lần thôi

Em hỏi anh im lặng

Thế mà em hờn giận

Để chúng mình xa nhau"

Trong bài viết này, tôi sẽ không làm công việc của người bình thơ. Tôi chỉ cùng độc giả trao đổi về một từ, liên quan tới một hiện tượng khá quen thuộc trong giao tiếp: Im lặng và hành vi im lặng.

Hành động của cô gái trong bài thơ quả là "bất bình thường". Còn có thực là bất bình thường hay không thì chúng ta cùng phân tích.

***

Im lặng (hay lặng im) có 2 nghĩa: 1) im, không nói, không phát ra tiếng động; 2) không có một hành động hay phản ứng gì trước một sự việc đáng lẽ phải tỏ thái độ, phải có phản ứng. (Từ điển tiếng Việt, Trung tâm Từ điển học, NXB Đà Nẵng, 2020).

Chữ và nghĩa: Em hỏi anh im lặng - Ảnh 1.

Tranh minh hoạ. Tranh của hoạ sĩ Kwon A

Trong hội thoại, im lặng được hiểu là hiện tượng bỏ trống phát ngôn làm gián đoạn mạch đối thoại thường thấy. Im lặng là sự vi phạm nguyên tắc "luân phiên lượt lời". Hai nhân vật đang đối đáp bình thường tự nhiên lại có một nhân vật "bỏ trống phát ngôn", không tiếp tục (im lặng không nói), làm cuộc thoại bị gián đoạn. GS Đỗ Hữu Châu từng nói: "Trao đáp là vận động cơ bản của hội thoại". Có trao mà không có đáp thì hội thoại sẽ bị cản trở. Điều này sẽ ảnh hưởng tới cuộc thoại, làm nó không phát triển được theo chủ đề đang trao đổi.

Cũng cần phải phân biệt, có những hiện tượng im lặng là do yêu cầu công việc, theo mệnh lệnh (vì nhiệm vụ); hoặc do bị đe dọa (kẻ xấu hăm dọa).

Nhà ngữ học R. Mihallă cho rằng: "Sự im lặng (silence) sẽ trở nên thích đáng, với tư cách là một hành vi, chỉ khi đối chiếu với những tình huống". Như vậy, ta phải đưa hiện tượng im lặng vào ngữ cảnh thực tế. Nhiều khi, người đối thoại rơi vào tình cảnh khó nói, rất khó trao lời. Cô gái nọ chưa thể đáp lại lời tỏ tình của chàng trai (có thể chưa đồng ý, hoặc có thể sẽ đồng ý nhưng hiện tại thì chưa).

Dưới ánh sáng của lý thuyết giao tiếp, những hiện tượng im lặng như vậy được coi như "sự tỉnh lược một lượt lời, thể hiện một thái độ và muốn hiểu thái độ đó, người đối thoại phải chờ xuất hiện một lượt lời tiếp theo".

***

Trở lại tình huống xảy ra trong bài thơ Chuyện tình mười năm trước. Người đọc không hiểu tại sao cô gái nọ đột nhiên "hờn giận" và từ sự hờn giận đó "để chúng mình xa nhau" (Tình yêu tan vỡ nhanh và đơn giản thế?).

Trong mối quan hệ yêu đương giữa nam và nữ (cũng như mọi mối quan hệ khác trong gia đình, bạn bè, xã hội…) thiếu gì những tình huống có sự bất đồng, bất hòa (do hiểu sai, do tự ái hoặc một lý do vu vơ nào đó), mà 1 trong 2 đối tác "im lặng lâm thời" thì đó là chuyện rất bình thường. Có thể chính sự im lặng đúng lúc, tình thế lại trở nên tốt đẹp (Im lặng là vàng). Cũng có thể im lặng tiềm ẩn một "cơn giông tố", rủi ro sẽ đến (Im lặng đáng sợ). Tình duyên của cặp đôi chàng nàng nào chả phải trải qua bao lần im lặng (như một thử thách).

Vậy chỉ mỗi 1 lần "Em hỏi anh im lặng" mà nàng đã nhất quyết chia tay thì có phải là nàng thiếu đi sự lịch duyệt và sự tình diễn ra tiếp theo có thật là đáng tiếc quá không? (Cũng có giả thuyết cho rằng, thực tế, nàng chả có tình cảm thiết tha, gắn bó gì với chàng - nếu không nói là lạnh nhạt. Vì vậy, sự tình "em hỏi anh im lặng" trở thành cái cớ ngẫu nhiên tốt nhất để nàng nói lời "good bye". Chàng nên biết thế để khỏi phải dằn vặt, đau khổ và luyến tiếc làm gì!).

Anh im lặng một lần thôi

Mà thành ngã rẽ cuộc đời hai ta.

PGS-TS Phạm Văn Tình

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm