05/06/2023 07:36 GMT+7 | Văn hoá
Tuần qua, câu chuyện về lễ phục truyền thống của người Việt Nam lại được xới lên, sau khi một đại biểu Quốc hội nhắc tới vấn đề này tại nghị trường. Nói "xới lên", bởi đây là vấn đề gây tranh luận khá dài từ vài năm qua.
Nếu tà áo dài nữ Việt Nam đã quá thân thuộc, khi mà gần như trong tất cả các sự kiện ngoại giao, văn hóa, giáo dục có tính trang trọng, đều xuất hiện. Nhưng áo dài cho nam giới, thì độ phổ cập còn thua xa so với "phiên bản" nữ.
Tà áo dài dành cho nam giới ấy cũng từng khá phổ biến trong vài thế kỷ trước, gần như là trang phục chính của những trí thức hoặc người có địa vị trong xã hội. Để rồi, đầu thế kỷ XX, khi văn minh phương Tây phát huy ảnh hưởng tại Việt Nam, nó dần bị "thất sủng". Trong khi đó, áo dài nữ may mắn trải qua những đợt cải biến, sáng tạo theo hướng hiện đại của một số họa sĩ và dần trở thành trang phục mẫu mực cho phụ nữ Việt như bây giờ.
Nhưng, với bề dày tồn tại trong lịch sử, cũng như với lớp ý nghĩa văn hóa khá đặc thù gắn với các chi tiết, tà áo nam này vẫn được duy trì ở một mức độ nhất định trong đời sống. Để rồi nhiều năm gần đây, khi cùng với trào lưu tìm về các giá trị truyền thống, đã có những ý kiến đề nghị áo dài nam cần được "sánh đôi" cùng áo dài nữ để chính thức trở thành lễ phục truyền thống của người Việt.
Có điều, với rất đông người dùng, áo dài nam vẫn có cái gì đó xa lạ với thói quen - cũng như sở thích - để sử dụng. Và thẳng thắn, một số người có thể đồng ý mặc áo dài nam trong những tình huống nhất định, nhưng cũng chưa sẵn sàng để coi đó là một trang phục nên dùng trong những sự kiện nghiêm túc - khi mà suốt gần một thế kỷ qua, những bộ vest nam giới đến từ trời Âu đã kịp "bén rễ" và làm rất tốt điều này.
Như thế, câu chuyện áo dài nam - áo dài nữ ở đây khá đặc biệt: Cùng một xuất phát điểm, có những trang phục may mắn được cộng đồng vừa bảo tồn, vừa vun đắp theo thời gian để rồi trở thành một biểu tượng văn hóa đặc trưng. Và ngược lại, cũng có những trang phục "lỡ bước", chịu cảnh hẩm hiu để bây giờ vất vả... ngược dòng.
Chuyện "ngược dòng" ấy không chỉ là truyền bá, giới thiệu về truyền thống và ý nghĩa của áo dài nam, để từ đó để những người chưa yêu, chưa thích trang phục này có thể… đổi ý. Xa hơn, giống như con đường mà áo dài nữ đã trải qua, áo dài nam chắc chắn cũng sẽ cần thêm những sáng tạo, điều chỉnh để vừa giữ được những giá trị đặc trưng, vừa phù hợp với nhu cầu của người dùng trong cuộc sống hôm nay.
Cũng phải nói rõ: Những tà áo dài nam giới xuất hiện trong đời sống những năm qua đa phần cũng đã có sự điều chỉnh nhất định so với chính nó trong quá khứ, nhưng cũng còn gây ra tranh luận ngay từ những người vốn nặng lòng với loại hình này. Cách tân sao cho đẹp, cho phù hợp với khí hậu và cả thói quen làm việc của cộng đồng trong bối cảnh hiện nay - đó là câu chuyện cần thêm rất nhiều thời gian từ giới nghiên cứu, cũng như thời trang hay mỹ thuật ứng dụng.
Như bất cứ câu chuyện của nền văn hóa nào, sự tiếp nối truyền thống luôn cần tới những sáng tạo và thích ứng theo thời gian để có thể đến được với cả cộng đồng.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất