24/07/2023 08:27 GMT+7 | Văn hoá
Một sự kiện thú vị vừa diễn ra cuối tuần qua: Trong chuyến thăm Việt Nam, Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim đã thăm phố sách 19/12 (Hà Nội) cùng Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Kể từ khi khánh thành vào năm 2017, đây là lần đầu tiên phố sách Hà Nội đón "độc giả" đặc biệt: Thủ tướng của một quốc gia trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á. Và, những hình ảnh gắn với "độc giả" này được cộng đồng theo dõi với sự hào hứng, khi ông cùng Thủ tướng Việt Nam dạo phố sách, thăm quầy sách tại các cửa hàng, thậm chí là trải nghiệm việc đọc sách ngoài trời bên ly cà phê - giống như nhiều du khách tới đây.
Như thế, ở một chừng mực, sự xuất hiện của Thủ tướng Malaysia là dịp quảng bá - và khẳng định giá trị - của một không gian văn hóa còn non trẻ tại Hà Nội.
Nói "không gian văn hóa" không chỉ bởi đây là nơi bán sách. Về nguyên tắc, nó còn gắn với cái đích được hướng tới ở bất cứ phố sách hay đường sách nào: Cung cấp trải nghiệm, dịch vụ và tiện ích cho người mua sách, đồng thời tạo dựng sự tương tác và kết nối giữa các thành tố như độc giả, tác giả, đội ngũ xuất bản…
Có nghĩa, một phố sách luôn được chờ đợi - và yêu cầu - trở thành một không gian văn hóa đặc thù, để từ đó tạo ra những tác động tích cực tới nền văn hóa đọc, cũng như việc nâng cao tri thức của cộng đồng.Và ở mức độ phát triển cao, như ở nhiều thành phố trên thế giới, các phố sách cũng là 1 trong những điểm đến gắn với bộ mặt văn hóa của đô thị.
Cũng cần nhắc lại, khi phố sách 19/12 ra đời, đã có những ý kiến băn khoăn về tính hiệu quả của nó - khi Hà Nội vẫn tồn tại những "phố sách" tự phát từ nhiều năm và sẵn có một lượng độc giả khá đông đảo. Tuy nhiên, như phân tích của giới chuyên môn, cái thiếu lớn nhất ở những phố sách tự phát này là hệ thống hạ tầng, không gian, và dịch vụ đủ tốt, để có thể tổ chức những hoạt động tương tác và thật sự thúc đẩy văn hóa đọc.
Để rồi, trong 7 năm hoạt động vừa qua, phố sách 19/12 phần nào cũng đã khẳng định vai trò riêng của mình, như một điểm đến gắn với các hoạt động giới thiệu sách, giao lưu tác giả - độc giả, tọa đàm chuyên môn… - điều không có ở những trục phố bán sách "tự phát" khác.
***
Những năm vừa qua, xu thế mua bán trực tuyến sau đại dịch Covid-19, cũng như sự phát triển của thương mại điện tử, đang tạo sức ép lớn lên các địa điểm bán sách theo mô hình truyền thống như tại phố sách 19/12. Như chia sẻ, phần lớn các đơn vị xuất bản tại đây đều khá chật vật để có thể duy trì hoạt động tại không gian này, khi lợi nhuận chủ yếu vẫn trông đợi vào lượng sách được bán.
Thế nhưng,ở hướng ngược lại, tính chất của một không gian văn hóa đặc thù như phố sách cũng chính là điểm khác biệt lớn nhất để thu hút độc giả tới đây - thay vì mua sách qua các kênh phân phối trực tuyến. Bởi thế, không còn lựa chọn nào khác, việc tăng sức hút và hàm lượng văn hóa qua các hoạt động, chương trình hay hình thức tương tác tại phố sách chính là giải pháp để duy trì và phát triển không gian đặc thù này.
Và, nếu coi chuyến ghé thăm của Thủ tướng Malaysia là sự khích lệ lớn cho phố sách 19/12, thì hãy đặt thêm hy vọng: Không gian này cần sớm được hỗ trợ bởi những chính sách hay cơ chế đặc thù từ thành phố, để có thể phát triển và trở thành một phần quan trọng trong bộ mặt văn hóa của Hà Nội.
Những chính sách ấy, như lời người trong cuộc, có thể đến ngay từ điều đơn giản nhất: Mức giá thuê địa điểm đủ "ưu đãi" cho những nhà sách tại đây - để từ đó, các đơn vị xuất bản có thêm điều kiện tổ chức các hoạt động chuyên môn hoặc quảng bá, thu hút cộng đồng…
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất