Chấn chỉnh chợ Giời Hà Nội: 60 năm đồ cũ sẽ về đâu?

19/02/2016 13:00 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Công an Hà Nội vừa “sờ gáy” hàng loạt cửa hàng kinh doanh phụ tùng ô tô ở chợ Giời, thuộc quận Hai Bà Trưng để xác minh làm rõ nguồn gốc. Đồng thời, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho hay, thành phố sẽ kiên quyết dẹp bỏ bán hàng cũ, hàng không có nguồn gốc xuất xứ tại khu chợ “có một không hai” này.

Theo nhà Hà Nội học Nguyễn Ngọc Tiến, chợ Giời (hoặc chợ Trời) là chợ tạm lâu đời nhất thủ đô vốn đóng đinh vào đời sống người dân Hà Nội. Trước ngày Pháp rút quân khỏi Hà Nội năm 1954, nhiều gia đình người Pháp, các gia đình người Việt di cư vào Nam đã mang đồ cũ ra bán quanh hồ Thiền Quang làm nên chợ bán đồ cũ.

Rồi khi miền Bắc hòa bình, cuộc sống khó khăn nên nhiều gia đình ở Hà Nội muốn bán đồ cũ để sống (và cũng tránh cái tiếng tư sản), lại có nhiều người muốn mua trước nhu cầu đó chính quyền đưa chợ về phố Thịnh Yên và gọi là chợ Hòa Bình, vì chợ họp ngoài trời nên dân gọi là chợ Giời. Chợ khi đó bán chủ yếu đồ cũ gồm: xe đạp, quạt máy, bàn là, đài, giầy tây, quần áo cũ còn tốt... Người bán bày ra đường những thứ cần bán. Ban đầu chợ chỉ họp đến quá nửa ngày.


Lực lượng chức năng kiểm tra các cửa hàng kinh doanh phụ tùng ô tô quanh "chợ Giời". Ảnh: TTXVN

Từ đó, sinh ra người mua đi bán lại mà từ dân gian gọi là phe. Trong suốt thập niên 60, chợ bán xe đạp, quần áo may sẵn, kính, bút máy, đồng hồ, dép nhựa, dép xốp… chỉ họp trên phố Thịnh Yên và rất hiếm đồ ăn cắp vì an ninh trật tự rất nghiêm.

“Sang thập niên 70 và nhất là từ 1975 trở về sau chợ lan ra các phố Yên Bái, Đồng Nhân, Trần Cao Vân, Chùa Vua, Thịnh Yên, Nguyễn Công Trứ... hàng hóa nhiều hơn, đa dạng hơn do hàng cũ từ miền Nam theo chân cán bộ, bộ đội ra Bắc. Ngoài đồ cũ chợ còn bán cả hàng mới. Cũng từ đây chợ bắt đầu phức tạp, xuất hiện đồ ăn cắp và thêm đám ăn cắp, móc túi người đi chợ nên mới có câu “Nhanh như kẻ cắp chợ Giời” - ông Nguyễn Ngọc Tiến cho hay.

Năm 2012, UBND quận Hai Bà Trưng đã kiến nghị thành phố di chuyển chợ Giời tới địa điểm khác đảm bảo hạ tầng, vệ sinh, môi trường, phòng cháy chữa cháy... Cũng theo đề xuất của quận Hai Bà Trưng, chợ Giời sẽ được di dời về khu vực chợ đầu mối Đền Lừ (quận Hoàng Mai).

Trong nhiều năm gần đây, công an Hà Nội nhiều lần ra quân kiểm tra, thu giữ xác minh những mặt hàng không rõ nguồn gốc tại đây. Tuy nhiên, chợ Giời vẫn tồn tại và trở thành một nơi tiêu thụ đồ gian lớn nhất Hà Nội. Một trong những nguyên nhân góp phần vào sự tồn tại này là sự hưởng ứng mua bán của khá nhiều người dân thủ đô.

Ông Nguyễn Đức Chung (Chủ tịch UBND TP Hà Nội) nhấn mạnh, việc bán đồ cũ ở chợ Giời là hoạt động trái với các quy định hiện hành vì không khuyến khích bán đồ cũ nhập khẩu, cũng như tiêu thụ, tiếp tay hàng hóa mất cắp là phi pháp. Thành phố đã chỉ đạo UBND quận và Công an quận Hai Bà Trưng trước mắt rà soát, xác định đích danh các hộ kinh doanh, đồng thời ký cam kết không bán hàng cũ...

Dù chợ Giời có lịch sử khá lâu và đã trở thành một phần đời sống của một bộ phận cư dân Hà Nội, nhưng có lẽ đã đến lúc, mọi người cần kiên quyết không đến chợ Giời để mua đồ cũ, nhằm cùng chính quyền thành phố dẹp bỏ một tụ điểm bán đồ cũ lớn được xem như là “tệ nạn” giữa thủ đô.

An Như
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm