(TT&VH) - Vừa qua, tại Ngôi nhà Nghệ thuật, 43 Văn Miếu, Hà Nội đã tổ chức phát động một dự án hoạt động nghệ thuật mang tên “Ký ức cầu Long Biên, quá khứ và hiện tại”, nhân kỷ niệm 105 năm ngày cây cầu ra đời, theo cách tính của Ban tổ chức.
Tuy vậy, con số 105 năm lại dẫn đến nhiều thắc mắc của những người đã từng sống cả đời ở Hà Nội và đặc biệt có những gia đình sinh sống nhiều thế hệ ở mảnh đất ngàn năm này.
Cầu Long Biên xưa
Thực ra việc tính chính xác con số không hề khó, nhưng có điều lạ, lâu nay có những cơ quan thông tin, báo chí cho in những bài báo hoặc tin tức có liên quan tới tuổi cầu Long Biên (LB) cũng không thống nhất. Chẳng hạn trong một bài báo trên VNEPRESS, ngày 28-2-2002, khẳng định ngay trên tên bài: “Hôm nay, cầu long Biên tròn 100 tuổi”. Hơn nữa, bài báo này còn được ghi là căn cứ theo báo Người Lao Động và Sài Gòn Giải Phóng. Vậy là cơ sở để tính tuổi cầu Long Biên, tác giả bài báo đã căn cứ vào ngày khánh thành cầu (28-2-1902).
Ấy thế rồi, mới đây nhà thơ Ngô Văn Phú, lại căn cứ vào thời điểm động thổ khởi công xây dựng cầu, năm 1898 để tính. Bài báo của ông do báo An Ninh Thủ Đô in, có câu: “Đó là cây cầu thực dân Pháp bắc qua sông Hồng năm 1898. Đến nay tròn 110 tuổi”. Riêng trên báo Đời sống & Pháp luật online, ngày 03-07-2008, lại khẳng định Cầu LB được hoàn tất năm 1903? Không biết con số này được căn cứ trên văn bản nào?...
Biển đề trên cầu Long Biên: 1899 - 1902. DAYDÉ & PILLÉ. PARIS
Vậy đó, đến nay một dự án FESTIVAL về cầu LB sẽ được diễn ra trên cầu với những hình ảnh để khẳng định tuổi của con cầu này đúng 105 tuổi, với 105 đèn trời như 105 ngọn nến sinh nhật, hoặc còn có 105 cánh diều sáo Bắc bộ bay lên. Chính những sự không thống nhất trên đã gây thắc mắc cho nhiều người.
Theo những tài liệu chính thức, cầu LB được khởi công xây dựng vào tháng 9-1898, khánh thành ngày 28-2-1902, do hãng EIFFEL thiết kế, và hãng DAYDé –PILLé thi công. Thêm nữa, có tài liệu còn ghi lại rằng, ngày 28-2-1902, khánh thành cầu LB có cả vua Thành Thái đến dự và cùng trong ngày đã có chuyến tầu hoả đầu tiên được khởi hành xuống Hải Phòng. Hiện ở ngay trên mố cầu vẫn còn những dòng chữ được khắc lại, ghi dấu thời gian: 1899 - 1902. DAYDÉ & PILLÉ. PARIS.
Do đó điều tưởng như chẳng hề có sự rắc rối này lại bị vướng ngay ở cách nghĩ chứ không phải cách tính. Nếu coi trọng một dấu tích lịch sử và văn hóa đặc biệt của thủ đô thì phải cân nhắc chính xác và cần được sự đồng thuận của các hội đồng chuyên môn cùng các nhà văn hóa cũng như khoa học của Hà Nội và trên toàn quốc. Bàn đến chuyện này bởi lẽ bên cạnh những cách tính chủ quan trên cũng còn có những lúng túng ở ngay chính các cơ sở thông tấn. Vậy, từ nay đến tháng 10-2008, vẫn còn thời gian để cân nhắc về nội dung hoạt động và tuyên truyền cho FESTIVAL “Ký ức cầu Long Biên, quá khứ và hiện tại”
Vương Tâm (nhà văn)