Câu chuyện thể thao: Người Nam Định…

07/08/2010 19:03 GMT+7 | Bóng đá Việt

(TT&VH cuối tuần) - Nam Định mang những đặc thù của vùng đồng bằng Bắc bộ, nơi lưu giữ đầy đủ các giá trị văn hóa, vật thể và phi vật thể; mảnh đất từng sản sinh ra bao thế hệ sĩ phu Bắc hà, những làng nghề truyền thống nức tiếng cả nước… Thế còn bóng đá xứ sở này?!

Từ cái tên Thanh niên Báo Đáp…

Ở TP.HCM có một đội bóng phong trào mang cái tên rất lạ: “CLB Thanh niên Báo Đáp”, với quân số có lúc lên đến cả… trăm người, có chủ tịch và có bộ phận vận động tài trợ đàng hoàng. “Xứ đèn sao”, “Làng bát âm” là những cụm từ trân trọng, khi người ta viết về Báo Đáp, làng nghề truyền thống (sản xuất đèn Trung thu) thuộc xã Hồng Quang, Nam Trực, Nam Định. Thống kê rằng, có đến hơn 70% đàn ông trong làng, có thể chơi một loại nhạc cụ nhất định. Thế nên mới gọi là “bát âm”. Thanh niên Báo Đáp ra đời với những tiêu chí tốt đẹp rất riêng.

Trong buổi sinh nhật lần thứ nhất hôm đầu tuần, ông bầu Duyên của CLB Thanh niên Báo Đáp nói: “Chúng tôi hỗ trợ phong trào thể thao ở xứ sở, giải quyết công ăn việc làm cho các thanh niên thất nghiệp trong làng, tích cực hoạt động từ thiện - hỗ trợ những gia đình khó khăn… Đó là kim chỉ nam cho sự ra đời và phát triển của đội bóng Báo Đáp”. Tinh thần đoàn kết vẫn được xem là đặc sản của xứ đèn sao. Khi người Nam Định tỏa đi khắp nơi và thành danh, nó càng được nêu cao. Dự tính một nửa của hơn 40 triệu đồng thu được hôm ấy, sẽ được gửi về quê nhà.


Dệt và nhuộm là nghề truyền thống của Nam Định nói chung và của riêng người quê Báo Đáp, trên đất TP.HCM. Rất nhiều gia đình Báo Đáp trở nên giàu có với nghề này, với doanh thu nhiều trăm tỷ đồng/năm. Và thực tế, không ít những doanh nhân xuất xứ từ làng quê có ngôi nhà thờ cổ nhất vùng này, muốn trở thành mạnh thường quân, thậm chí tài trợ chính cho bóng đá Nam Định, nhưng tại sao họ lưỡng lự, tại sao họ chưa quay về?! Đó là câu hỏi lớn với giới chức làm bóng đá thành Nam, vốn cứ luôn miệng kêu khó.

Đến cái chết của “đội bóng nhi đồng”

Đội 1 Megastar Nam Định (M.NĐ) mùa này, vẫn được ví là “đội bóng nhi đồng” hay “đội bóng trẻ con”, bởi phần nhiều những cầu thủ M.NĐ đều mới trên dưới 20 tuổi, có cả người mới bước qua tuổi 17, vừa đủ điều kiện để đăng ký đá chuyên nghiệp. Và cái đội bóng trẻ con, thiếu cả nhân lực, tiền lực và tình lực ấy đã chết giấc, khi V-League 2010 thậm chí còn chưa kết thúc. Một cái chết được báo trước, nhưng nó vẫn khiến người Nam Định cảm thấy đau. Đau bởi từ hơn 10 năm qua, Nam Định vẫn trường tồn trong làng bóng đá Việt, với một vị thế rất đáng nể trong mắt giới đồng đạo (liên tục đứng trong tốp 3, từ năm 2000 – 2004).

Sân bóng Thiên Trường cũng đẹp chỉ thua mỗi Mỹ Đình và Nam Định còn là nơi đào tạo trẻ và xuất khẩu cầu thủ có tiếng. “Sản phẩm” thành Nam tỏa đi khắp cả nước và tạo được tiếng thơm ít nhiều. M.NĐ đã chống lại quy luật kế thừa bất biến trong bóng đá và thất bại. Rồi đây sân Thiên Trường sẽ trở thành vùng trắng trên sàn diễn bóng đá đỉnh cao, sẽ là ký ức trong cuộc sống ồn ào, rộn rã của V-League. Đó là sự thật không chối cãi được. Với cung cách làm bóng đá còn nặng tính bao cấp như hiện tại, người ta e rằng nếu năm sau nữa, Nam Định có trở lại, thì cũng sẽ vẫn là sự vá víu, chứ không bền…

CCKM

“Một vài anh em của Thanh niên Báo Đáp cũng từng chinh chiến ở các giải trẻ hay hạng Nhất QG, nhưng khi có ý định muốn quay lại quê hương chơi bóng, lại bị cho là ngoại lai. Cầu thủ Nam Định ít có cơ hội phát triển trên quê hương, bởi sự cứng nhắc, bảo thủ trong cách điều hành đội bóng. Người ta muốn giữ riêng đội bóng ấy cho mình họ…”, đội trưởng Thanh niên Báo Đáp, Vũ Hỷ, thẳng thắn.

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm