13 tuổi chinh phục Everest: Can đảm hay điên rồ?

17/04/2010 10:54 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH) - Một cậu bé 13 tuổi người Mỹ đang hy vọng sẽ trở thành người trẻ tuổi nhất leo lên đỉnh Everest. Tuy nhiên kế hoạch của cậu bé đã bị không ít người đánh giá là điên rồ, liều lĩnh và đùa với tử thần bởi Everest là ngọn núi không khoan nhượng, sẵn sàng tước đi mạng sống của những nhà leo núi nghiệp dư.

Nhà leo núi chuyên nghiệp tuổi 13

Báo chí Mỹ đã dành không ít dung lượng để đưa tin về hành trình của Jordan Romero, cậu bé 13 tuổi đang nóng lòng leo lên đỉnh Everest cao nhất thế giới. Cuối tuần trước, Jordan Romero đã rời thủ đô Kathmandu của Nepal để tới trại căn cứ nằm dưới chân Everest bên lãnh thổ Trung Quốc, chuẩn bị cho hành trình chinh phục đỉnh núi cao 8.848 m. Cậu bé hy vọng sẽ lên tới đỉnh núi này trong tháng 5. Everest là đích cuối trong nỗ lực của Romero nhằm chinh phục các ngọn núi cao nhất trên 7 khối lục địa. Cùng với cha đẻ Paul Romero và mẹ kế Karen Lundgren, cậu bé đã leo lên 5/7 ngọn núi cao nhất thế giới, còn được biết tới với biệt danh “7 Summits”. Cụ thể, Jordan đã đặt chân lên đỉnh Kilimanjaro ở châu Phi với độ cao 5.895m vào tháng 7/ 2006, khi mới chỉ 10 tuổi. Cả gia đình tiếp tục leo lên đỉnh Kosciuszko cao 2.228 ở Australia vào năm tiếp theo.

Jordan Romero trên đỉnh Puncak Jaya
Ba tháng sau, Romero đặt chân lên đỉnh Elbrus ở Nga, với độ cao 5.642m và 5 tháng sau nữa là đỉnh Aconcagua ở Argentina, cao 6.962m. Tháng 6/2008, 6 tháng sau khi chinh phục đỉnh núi cao nhất khu vực Nam Mỹ, họ đã leo lên đỉnh McKinley, ngọn núi cao nhất Bắc Mỹ với độ cao 6.194m và năm ngoái, Romero đã chạm tay lên đỉnh Puncak Jaya cao 4.884m, nằm ở tỉnh Papua của Indonesia.

“Cháu muốn làm điều gì đó thật lớn lao cho bản thân mình” – Romero nói với phóng viên hãng tin AFP. Ý tưởng chinh phục 7 đỉnh núi đã nhen nhóm trong đầu Jordan khi cậu bé nhìn thấy một bức tranh tường vẽ các rặng núi, được trưng bày  ở trường học khi lên 9 tuổi. Trước khi chia sẻ giấc mơ leo núi với cha, Romero đã tự mình tìm hiểu về hoạt động leo núi. Hai tuần sau, khi đã gom góp được chút ít kiến thức, cậu bé mới tuyên bố tham vọng của bản thân. “Tôi rất rất sốc khi thằng bé thậm chí còn biết tới cụm từ “7 Summits”” - Paul Romero nói - "Nhưng rồi thằng bé bộc lộ bản thân là người đam mê thiên nhiên thực thụ”. Ông Paul cho biết ý tưởng leo lên Everest hoàn toàn do con trai ông chủ động đưa ra. “Chúng tôi chỉ gói ghém đồ đạc và theo chân thằng bé đi khắp thế giới” - Paul nói.

Everest là đỉnh núi đầu tiên Romero sẽ phải đương đầu với độ cao trên 8.000m. Cậu bé thừa nhận đây sẽ là một trở ngại lớn, tuy nhiên nói rằng bản thân đã sẵn sàng. “Cháu đã được chuẩn bị kỹ về tinh thần và tất nhiên là cả về thể xác” - cậu bé nói.

Đua nhau lập kỷ lục về tuổi

Có thể nói hoạt động chinh phục Everest của Romero đã nhanh chóng biến cậu bé trở thành người nổi tiếng bởi lẽ Everest là cái tên khiến ngay cả những người leo núi dày dạn kinh nghiệm phải khiếp sợ. Kể từ khi chính thức được đặt tên Everest vào năm 1865 tới nay, ngọn núi cao nhất thế giới này đã tước đi mạng sống của 216 nhà leo núi. Các điều kiện trên núi vô cùng khắc nghiệt, tới mức người ta phải để lại phần lớn các xác người đã gục ngã ở “vùng chết” (vùng có độ cao hơn 8.000m) của Everest. Một số xác chết này hoàn toàn có thể nhận thấy trong hành trình leo lên Everest.

Rome và ba mẹ
Được biết Romero không phải là người đầu tiên nghĩ tới việc lập kỷ lục leo lên Everest khi còn trẻ. Hồi năm 2001, khi mới 16 tuổi, 14 ngày, Temba Tsheri tới từ Nepal đã trở thành người trẻ nhất leo lên đỉnh Everest. Tsheri là người Sherpa, vốn nổi tiếng về khả năng leo núi. Cậu bé đã bắt đầu nỗ lực chinh phục Everest từ phía Nepal vào tháng 4/2000, khi mới 14 tuổi. Trong quá trình leo núi, cậu bé bước sang tuổi 15. Do thời tiết xấu, Tsheri đã phải quay trở lại điểm xuất phát vào ngày 22/5/2000 dù đã lên tới độ cao 8.826 m.

Ngày 9/4/2001, một năm tiếp theo thời điểm trên, Tsheri đã trở lại Everest và leo lên từ phía Tây Tạng. Trên đường lên, cậu bé bước sang tuổi 16. Khi lên tới đỉnh vào sớm ngày 23/5/2001, cậu bé đã hoàn thành giấc mơ của bản thân và trở thành người trẻ nhất thế giới từng leo lên Everest. Tuy nhiên cái giá của kỷ lục vô cùng đắt đỏ. Tsheri đã mất 5 ngón tay vì giá lạnh trong lần đầu leo lên Everest, gồm ba ngón thuộc bàn tay bên phải và hai ngón thuộc bàn tay bên trái.

Hai năm sau thời điểm Tsheri lập kỷ lục, Ming Kipa, một cô gái người Sherpa đã leo lên đỉnh Everest. Do thời điểm này Nepal đã ban hành luật cấm người dưới 16 tuổi leo lên Everest nên Ming Kipa đã phải lập kỷ lục từ đường Tây Tạng. Cô chạm đỉnh vào ngày 24/ Romero trên đỉnh Puncak Jaya 5/2003 khi mới 15 tuổi cùng với anh trai Mingma Gyula và chị gái Laphka, qua đó chính thức phá kỷ lục của Tsheri.

Một ý tưởng điên rồ

Giờ đây Romero đang trên đường phá kỷ lục của Kipa. Cậu bé đã nhận được nhiều sự động viện của cha mẹ, vốn là các vận động viên leo núi chuyên nghiệp. Bản thân Romero cũng đã có sự chuẩn bị tích cực cho hành trình lên Everest. “Cháu đã tập luyện chăm chỉ, tập trung nhiều vào huấn luyện nhịp tim, hơi thở và tăng sức chịu đựng. Cháu đã ngủ trong lều mô phỏng độ cao lớn suốt cả tháng qua để đảm bảo phổi mình đã sẵn sàng” - Romero nói với kênh truyền hình CNN.

Mặc dù vậy, việc một cậu bé 13 tuổi như Romero muốn chinh phục Everest đã được giới phân tích đánh giá là điên rồ. “Là một chuyên gia về độ cao, ông ấy phải biết rằng không nên để con cái mình leo lên những ngọn núi nguy hiểm như vậy” - David Hillebrandt, cố vấn y tế của Hội đồng Leo núi Anh quốc nhận xét. Ông tin rằng 13 tuổi là quá trẻ để chinh phục những độ cao khiếp người như vậy. “Liệu độ cao lớn có gây hại tới một đứa trẻ 13 tuổi? Không ai có thể biết được” - Hugh Montgomery, Giáo sư thuộc khoa chăm sóc đặc biệt tại Đại học California nhận xét. Tuy nhiên Montgomery chỉ ra rằng đã có các bằng chứng cho thấy hiện tượng suy giảm hệ thần kinh trong môi trường độ cao lớn. Chụp cắt lớp thấy rằng khối lượng não nhỏ hơn sau khi leo núi Everest.

Giới leo núi cũng truyền miệng nhau câu chuyện dân trong nghề hay mắc chứng mau quên. Họ cũng kháo nhau rằng những người leo núi từ 40 tuổi trở lên dường như đương đầu với độ cao lớn tốt hơn thanh niên và những đứa trẻ như Romero.

Dù Romero đã chuẩn bị kỹ lưỡng về thể lực, Hillebrandt vẫn đặt vấn đề về việc liệu một đứa trẻ 13 tuổi đã đủ chín chắn về mặt tinh thần hay chưa khi ra quyết định leo lên Everest. “Chuyện này hoàn toàn đi ngược lại tinh thần leo núi thực thụ. Nó giống như một phương thức tiếp thị hình ảnh, với động cơ tài chính và đang ở bên bờ của sự lạm dụng trẻ em” - Hillebrandt nói. Ông cũng tin rằng hoạt động leo núi của cậu bé không có chút động cơ thể thao nào.

“Ngày trước, việc leo lên Everest chỉ dành cho những người có nhiều năm kinh nghiệm. Đó là các cá nhân có khả năng buộc chặt dây leo núi, dù mắt đang nhắm nghiền bởi những cơn bão tuyết hung tợn, có bảng thành tích dày dặn trong việc chinh phục các đỉnh núi cao” - Hillebrandt nhận xét- “Ngày nay, người ta đơn giản là được kéo lên Everest, sử dụng những đoạn dây thừng đã được các Sherpa buộc hộ cẩn thận. Có thể thấy tất cả đều sẽ được chuẩn bị trước cho Romero. Cậu bé này chỉ là một hành khách lên đỉnh núi để lập chiến tích, ghi dấu ấn làm kỷ niệm, không hơn không kém”.

Tường Linh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm