Thấy gì từ cái chết của một người leo núi Everest?

30/05/2009 09:59 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH) - Frank Ziebarth chưa bao giờ để ý tới cụm từ “người du lịch Everest” - khái niệm chỉ những cá nhân lắm tiền leo lên đỉnh ngọn núi cùng với sự trợ giúp của cả “sư đoàn” sherpa, hàng chục bình oxy và các thiết bị công nghệ cao. Anh tìm đến ngọn núi này với mong muốn chinh phục nó một cách giản dị nhất, không mang theo bất kỳ thiết bị hỗ trợ nào. Nhưng Everest chào đón Ziebarth bằng sự dữ dằn đã góp phần giúp nó trở nên nổi tiếng và khiến anh phải trả giá bằng chính mạng sống của mình.

Tử nạn khi trở xuống

Điều cuối cùng mà Becky Rippel dặn người chồng Tim Rippel khi anh lên đường tới núi Everest là: “Không bao giờ ngồi xuống và dừng lại”. Lời khuyên đó đã cứu mạng Tim. Frank Ziebarth, một thanh niên 29 tuổi người vùng Calgary, Canada, có lẽ đã không làm như vậy nên anh vừa qua đời trong lúc leo xuống từ đỉnh ngọn núi cao nhất thế giới mà không sử dụng tới bình oxy.


Frank Ziebarth

Khi tìm ra thi thể Ziebarth, người ta thấy quần áo anh bị cởi bỏ và quẳng sang bên cạnh. Với một người leo núi chuyên nghiệp như Becky Rippel, chị không khó để đoán được rằng Ziebarth đã bị mắc chứng phù não vì độ cao. Hiện tượng này chỉ xảy ra ở độ cao lớn, khi lượng oxy lên não quá ít. Ngoài việc gây ra một cơn đau đầu khủng khiếp, nó còn khiến nạn nhân bị mất khả năng nhận thức và đưa ra các quyết định sai lầm, như từ chối sự giúp đỡ và khí oxy từ những người leo núi khác.

“Họ bắt đầu gặp hàng loạt ảo giác” - chị Becky Rippel giải thích - “Họ sẽ cởi bỏ quần áo vì thấy nóng và mất phương hướng. Rồi họ ngồi xuống và đó là phần tệ nhất. Một khi đã ngồi xuống, họ sẽ không bao giờ đứng dậy được nữa”. Ziebarth có lẽ đã phạm các sai lầm đó và trở thành một trong 6 người thiệt mạng trên Everest chỉ tính từ đầu năm tới nay. Trước khi qua đời, Ziebarth được xem là một người leo núi giỏi. Anh đã lên đỉnh ít nhất 3 ngọn núi cao khác mà không cần dùng bình oxy.

Một phong cách đặc biệt

Trong vài năm trở lại đây, Everest đã chứng kiến một sự tăng mạnh của các hình thức chinh phục đỉnh núi này theo phương thức “quý tộc”. Những người lắm tiền có thể mang theo hàng đoàn sherpa và đủ thứ đồ phục vụ sinh hoạt cùng vô số thiết bị công nghệ hàng đầu. Những chuyến đi đó, đôi khi tốn kém tới 70.000 USD/người, đã trở nên phổ biến kể từ khi Everest là một điểm du lịch hấp dẫn. “Một số người mang theo TV plasma, máy nướng thịt bò và cả các quán bar di động” - chị Becky Rippel cho biết - “Những người này cảm thấy việc lên Everest giống như một chuyến đi mạo hiểm, một thứ gì đó mà họ làm để ghi dấu ấn trong đời”.

N
hưng Ziebarth hoàn toàn khác các du khách này. “Lên Everest không có bình oxy là một phong cách riêng. Nếu không có nhiều người hỗ trợ, bạn sẽ phải thật sự giỏi và đó là một phong cách rất hay” - Sharon Wood, người phụ nữ Bắc Mỹ đầu tiên leo lên đỉnh Everest vào năm 1986, nhận xét. Bên cạnh việc mang tới các trải nghiệm mới và nâng cao thách thức, leo núi không dùng thiết bị phụ trợ sẽ biến việc chinh phục đỉnh Everest trở thành một niềm đam mê không quá tốn kém. Trung bình chi phí của một bình oxy khoảng 450 USD và người leo núi cần khoảng 4-5 bình như vậy. Những người leo núi không cần bình oxy cũng sẽ không mất tiền thuê sherpa. Đổi lại, họ sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức lớn.

Mới đây, giáo sư G.W. Kent Moore ở Đại học Toronto đã tiến hành nhiều nghiên cứu chuyên sâu về những cái chết tại Everest. Ông phát hiện ra rằng phần lớn những người này bị thiệt mạng ở độ cao 8.000m trở lên, nhưng thường là trong quá trình đi xuống. “Khi người ta lên đỉnh, có một động lực lớn khiến họ đạt được mục tiêu. Nhưng phần lớn những người leo núi chuyên nghiệp đều nói rằng đó mới chỉ là một nửa chặng đường” - giáo sư Moore cho biết. Trên đường trở xuống, ngay cả những người sử dụng bình oxy cũng vẫn có thể gặp chứng say độ cao, bị dịch tràn vào phổi, não, rồi kiệt sức và chết.

Ziebarth có lẽ đã không lường hết được sự khắc nghiệt của Everest và phải trả giá bằng mạng sống, mặc dù anh từng dành ra 3 năm trời khổ luyện để leo lên “nóc nhà thế giới”. Cái chết của Ziebarth một lần nữa nhắc nhở người ta rằng cho dù đã bị hàng ngàn người chinh phục, Everest chưa bao giờ là một ngọn núi hiền lành.

Tường Linh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm