"Siêu Sherpa" lần thứ 19 chinh phục Everest

07/04/2009 10:29 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH) - Với đại đa số người bình thường, chinh phục Everest có thể chỉ là một giấc mơ mà họ chẳng bao giờ thực hiện nổi. Nhưng với Appa Sherpa, ngọn núi này lại là nơi quá quen thuộc bởi ông đã có 18 lần đặt chân lên đỉnh của nó, một kỳ tích chưa ai vượt qua được. Mùa xuân này, ông lại tiếp tục trở lại "nóc nhà thế giới" lần thứ 19 trong đời với mục đích bảo vệ môi trường.

Người lên đỉnh Everest nhiều nhất

Mùa xuân đã đến với những dấu hiệu là với băng tuyết tan chảy và hoa nở khắp nơi. Như một thông lệ, Appa Sherpa lại lên đường về Nepal để chuẩn bị leo lên đỉnh Everest. Đó gần như là một "nghi thức tôn giáo" mà ông đã thực hiện và hoàn thành 18 lần trong vòng 19 năm qua. Chưa có ai từng đặt chân lên Everest nhiều hơn Appa. Đối thủ gần nhất của ông là Sherpa Chhewang Nima, cũng mới chỉ có 15 lần lên Everest. Người đàn ông 49 tuổi này hiện đang sống tại Salt Lake, Mỹ. Nhưng đều đặn mỗi năm ông vẫn về quê nhà để leo lên Everest.
 
Apa Sherpa và dòng chữ "Siêu Sherpa" trong một lần
chinh phục Everest

Appa với dáng người không giống một chàng Hercules, ông chỉ cao 1m6 và nặng 55kg, đã bắt đầu leo núi từ cuối những năm 1980. Giống nhiều người Sherpa khác, ông tìm tới nghề leo núi vì cần có tiền để nuôi gia đình. Ông lên đỉnh Everest lần đầu vào năm 1990 trong vai trò người dẫn đầu một nhóm các nhà leo núi. Kể từ đó, ông nhanh chóng nổi tiếng là một Sherpa mạnh mẽ, thông minh và đã có 15 lần liên tiếp dẫn các đoàn leo núi lên và xuống Everest an toàn.

Việc Appa Sherpa leo lên Everest nhiều lần có thể khiến người ta lầm tưởng rằng chinh phục "nóc nhà thế giới" đã trở thành một chuyện quá dễ dàng. Nhưng cần biết rằng đã có hơn 200 người bỏ mạng khi cố gắng leo lên ngọn núi này. Everest vẫn là một ngọn núi hiểm ác với vô số nguy cơ có thể lấy mạng người ta như nhiệt độ cực lạnh, lở tuyết, băng rơi, chứng say độ cao, hiện tượng giảm thân nhiệt và các cú ngã.
 
Bảo vệ "nóc nhà thế giới"

Năm 2006, Appa và vợ Yangji đã dọn đến Mỹ sống để ba con của họ có điều kiện học tập tốt hơn. Ngay khi tới Salt Lake, ông được mời tham gia nhóm thám hiểm "Các siêu Sherpa". Kết bạn với Lhakpa Gelu Sherpa, một người giữ kỷ lục lên đỉnh Everest và trở xuống xuất phát điểm trong thời gian nhanh nhất, Appa đã trở lại quê nhà vào mùa xuân năm 2007. Không vì mục đích kiếm tiền, cuộc leo núi năm đó của hai ông là nhằm nhắc nhở thế giới về vai trò của các Sherpa trong việc giúp những người khác lên tới đỉnh Everest.
 
Sang năm 2008, những mối quan tâm mới ở đất Mỹ đã khiến Appa không có ý định trở về quê. Nhưng ông nhận được lời mời tham gia nhóm leo núi Everest để cổ súy việc bảo vệ môi trường Eco Everest Expedition (EEE) 2008 do Dawa Steven Sherpa tổ chức. Ấn tượng mạnh với thông điệp gìn giữ môi trường, giảm hiệu ứng nhà kính để bảo vệ cuộc sống của người dân quanh Everest, Appa đã đồng ý tham gia cuộc trở về Nepal của EEE.

Năm nay Appa tiếp tục leo lên đỉnh Everest lần thứ 19, không phải để phá kỷ lục cá nhân mà để khuyến cáo nhân loại cần bảo vệ môi trường tốt hơn. "Tôi chưa từng có kế hoạch lập kỷ lục. Tôi chưa bao giờ coi đó là một giấc mơ" - Appa nói với tờ Salt Lake Tribune trước khi trở về Nepal vào cuối tháng 3. Lâu nay ông đã rất quan tâm tới vấn đề môi trường ở Everest. Hàng thập kỷ chinh phục đã khiến ngọn núi giờ đầy rác rưởi và thậm chí là cả xác chết của những người kém may mắn. Được biết sau khi chinh phục Everest, trên đường trở xuống, ông sẽ cố gắng mang theo càng nhiều rác càng tốt. Theo Appa, phần lớn các nhà leo núi, khi chinh phục Everest xong đều mang theo các loại rác như túi đựng đồ ăn, bình oxy rỗng, nhưng họ vứt lại các túi phân. Ông và cộng sự trong đoàn leo núi sẽ mang những thứ đó xuống dưới chân núi để làm gương cho người khác.

Khôi phục sự thiêng liêng cho Everest

Ngay khi tới Kathmandu, Appa đã được đã dừng chân ở tu viện Tengboche để được chúc phúc. Trong một buổi lễ đặc biệt tổ chức tại đây, các nhà sư đã đề nghị ông mang theo một chiếc bình thiêng lên đỉnh núi. Chiếc bình này còn được gọi là Bumpa Tendrel Nyesel, chứa trong nó 400 món đồ khác nhau gồm những món đồ thiêng, lá thuốc và nhiều thứ chứa đựng giá trị tâm linh khác. Bình đã trải qua một nghi lễ tôn giáo kéo dài ở Tengboche trước khi nó được chuyển tới tay Appa.
 
Đỉnh Everest

Ngoài đỉnh Everest, ba Bumpa khác cũng sẽ được chuyển tới đỉnh các núi Manaslu, Makalu và Lhotse. Những chiếc bình này sẽ giúp khôi phục sự thiêng liêng cho vùng cao nguyên Himalaya và giúp người dân ở đây có sức mạnh đương đầu với các tác động tiêu cực đến từ tình trạng thay đổi xã hội và môi trường diễn ra với tốc độ nhanh trong thời gian qua. Appa cho biết ông sẽ mang bằng được chiếc bình lên đỉnh Everest để thực hiện ý nghĩa đặc biệt trên. Dự kiến sau thời gian chuẩn bị, Appa sẽ bắt đầu hành trình lên đỉnh Everest trong tháng 5 tới.
 
Gia Bảo

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm