Leo lên đỉnh Everest vì hòa bình

09/04/2010 13:05 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH) - Pushkar Shah đã đi tới một trong những điểm nóng nhất hành tinh, thường xuyên ngủ vạ vật ngoài trời, từng nếm trải cảnh bị cướp, bị bắt cóc. Giờ đây anh đang chuẩn bị leo lên “nóc nhà thế giới” Everest. Tất cả những gì Shah chịu đựng chỉ để đạt được mục đích cuối cùng: cổ động cho hòa bình thế giới.

Sứ giả của hòa bình

Hôm 8/4, Pushkar Shah, một trong những người đàn ông can đảm nhất Nepal, người cổ động không mệt mỏi cho hòa bình thế giới, đã bày tỏ hy vọng sẽ hoàn tất hành trình kéo dài hơn một thập kỷ bằng cách leo lên đỉnh ngọn Everest nổi tiếng ở quê hương mình. Shah trở về Nepal hồi tháng 11 năm ngoái, sau 11 năm đạp xe lang thang trên khắp các “xó xỉnh” của hành tinh. Anh nói rằng đôi chân mình đã chịu đủ sự trừng phạt. Tuy nhiên Shah cho biết việc leo lên đỉnh Everest sẽ là đỉnh cao trong “cuộc tranh đấu hòa bình của bản thân, chống lại nhiều cuộc chiến tàn khốc đang diễn ra trên khắp thế giới”.


Shah nhận cờ từ Tổng thống Nepal để cắm lên đỉnh Everest
“Mục tiêu của tôi là truyền bá rộng rãi thông điệp hòa bình và được đi khắp nơi để ngắm nhìn thế giới. Tôi muốn leo lên đỉnh Everest cũng chỉ vì mục đích này mà thôi” - Shah, 40 tuổi, nói với phóng viên AFP từ Kathmandu trước khi khởi hành tới Himalaya vào cuối tuần này - “Tôi muốn mang theo tất cả những lá cờ mình đã sưu tầm được, trong hành trình đi khắp thế giới, lên đỉnh ngọn Everest”.

Người đàn ông này có nhiều lý do để vận động cho hòa bình. Cha anh, một binh sĩ Gurkha quả cảm, đã bị giết trong một chiến dịch quân sự. Những năm 1990, chính Shah đã bị bắn trong khuôn khổ một cuộc nổi dậy chống lại quyền lực của Quốc vương Nepal. Vết thương nặng tới mức các bác sĩ đã trả Shah về nhà để chờ chết. Nhưng anh không chết. Sự kiện này đã khiến dân làng gọi Shah là “người hùng tử vì đạo nhưng không chết”.

Sáu năm sau thời điểm bị bắn, Shah lại chứng kiến sự khởi đầu của một làn sóng bạo lực do các chiến binh Maoist tiến hành, nhằm lật đổ nền quân chủ lập hiến Nepal và cải cách chính trị, xã hội. “Ai cũng đặt nhiều hy vọng vào nền dân chủ mới của chúng tôi. Nhưng rồi tôi thấy cả đất nước trượt dài quá nhanh. Đó thực sự là một trải nghiệm đáng buồn” - anh nói.Vì thế, vào năm 1998, hai năm sau khi hoạt động bạo loạn diễn ra, Shah quyết định đạp xe vòng quanh thế giới để phát đi thông điệp hòa bình.


Shah trong hành trình đi vòng quanh thế giới
11 năm, 220.000km và 150 quốc gia

Khi khởi hành, trong tay anh chỉ có một chiếc xe đạp cọc cạch, bản đồ và 100 rupee (1,4 USD) tiền mặt. “Đó chắc chắn không phải là một chuyến du ngoạn sang trọng. Tôi sống nhờ sự dễ mến của các cá nhân xa lạ, sự hào phóng từ những con người mà tôi gặp dọc đường” - Shah cho biết.

Mỗi ngày Shah dành 10 giờ để đạp xe trên đường. Hành trình đã lôi anh ra khỏi nhà tới hơn 150 đất nước, trải trên 4 lục địa. Anh ăn và uống tất cả những gì người dân bản địa tặng cho. Nhờ chuyến đi, Shah đã được nếm thịt voi ở Cameroon, thịt ngựa tại Thụy Sĩ, thịt chó ở Hàn Quốc, thịt khỉ tại Guinea-Bissau, cháo rắn ở Thái Lan, sâu bướm nướng trộn cơm ở Botswana. Ngoài ra, anh còn được nếm hơn 1.200 loại bia khác nhau.

Tổng cộng, Shah đã di chuyển 220.000km, từng băng qua sa mạc Sahara, dãy núi Alps... Chuyến đi cũng đã đưa anh tới các điểm nóng chiến tranh ở Liberia, Sierra Leone và Đông Timor. Anh còn đạp xe dọc theo hai bờ sông Amazon trước khi trở về Nepal vào cuối năm ngoái, kết thúc hành trình kéo dài 11 năm ròng rã.

Trong hành trình, không thiếu những lần Shah phải đối mặt với các tình huống “dở khóc dở cười” hoặc tính mạng bị đe dọa. Anh từng bị du đãng “hỏi thăm sức khỏe” khi tới New York (Mỹ), bị đánh cắp xe đạp trong lúc đi qua New Zealand và bị bắt cóc khi dừng chân tại Mexico. Rất may, Shah đã tìm cách trốn thoát khỏi những kẻ bắt cóc và báo với cảnh sát, khiến chúng sa lưới. Tuy nhiên ngoài những chuyện này, chuyến đi của Shah chứa đầy các trải nghiệm tích cực. Anh cho đó là những bằng chứng về “sự tốt đẹp của lòng nhân đạo hoàn toàn không có biên giới địa lý”.

Theo kế hoạch, Shah sẽ đạp xe từ Kathmandu tới Jiri ở phía Đông Nepal, nơi là điểm cuối cùng của mọi tuyến đường bộ. Từ đây, anh sẽ tiếp tục leo bộ lên đỉnh Everest và cắm toàn bộ 150 lá cờ đã thu thập được trên “nóc nhà thế giới”. “Tôi muốn được ngắm nhìn thế giới và đã toại nguyện” - anh nói - “Giờ đây, cái đích tiếp theo của tôi là trông thấy đỉnh của thế giới”.

Tường Linh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm