Đấu kiếm Việt Nam sẽ 'vô đối'?

04/06/2015 09:14 GMT+7 | SEA Games 2015

(Thethaovanhoa.vn) - Giành 2 HCV trong số 3 nội dung được tổ chức thi đấu chung kết hôm qua, tuy nhiên, đây mới chỉ là sự khởi đầu, bởi lãnh đội môn đấu kiếm cho biết mục tiêu của đoàn Việt Nam là giành vị trí số một toàn đoàn, mà chủ nhà Singapore là một trong những đối thủ mạnh nhất Đông Nam Á ở môn này.

Đáng nói là Singapore đầu tư cho kiếm rất khủng, từ cơ sở thi đấu cho tới trang thiết bị cho VĐV, còn với Việt Nam thì khá khác biệt. Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện tại ở đội tuyển đấu kiếm Việt Nam vẫn còn tình trạng VĐV phải mượn mặt nạ thi đấu hoặc kiếm của nhau, chính xác hơn là dùng chung, vì thiếu thốn trang bị, mặc dù giá cả của những dụng cụ này không quá đắt và thời gian sử dụng cũng khá dài (mặt nạ bảo hộ khoảng 250 EUR, kiếm giá khoảng gần 200 EUR, tuổi thọ sử dụng khoảng 5 năm).

Một thành viên của đội tuyển đấu kiếm Việt Nam cho biết, với những VĐV thi đấu đỉnh cao, dụng cụ thi đấu có vai trò cực kỳ quan trọng, vì nó gắn liền với cảm giác thi đấu của VĐV. Nói một cách nôm na thì VĐV chỉ có thể thi đấu tốt nhất nếu có cảm giác quen thuộc nhất với dụng cụ thi đấu của mình.

Đấy còn chưa kể tới việc thanh kiếm của VĐV đấu kiếm có thể thay thế phần chuôi kiếm và lưỡi kiếm cho nhau, nghĩa là có cùng một lưỡi kiếm nhưng có thể lắp vào nhiều chuôi kiếm khác nhau tuỳ vào đặc thù bàn tay của từng VĐV.

Theo lý giải của người trong cuộc, cảm giác càng tốt với dụng cụ thi đấu càng dễ giúp VĐV đạt được phong độ tốt nhất, bởi chỉ riêng việc tính toán được khoảng cách với đối thủ nhờ độ dài của kiếm cũng là một yếu tố có tính quyết định tới khả năng thành bại của mỗi VĐV.

Biết được tầm quan trọng như thế của dụng cụ thi đấu với mỗi VĐV, nhưng do điều kiện chưa cho phép nên đôi khi VĐV Việt Nam vẫn phải dùng chung trang thiết bị của nhau. Bất chấp điều đó, đấu kiếm Việt Nam vẫn đang khẳng định được vị trí hàng đầu khu vực và ngày càng tiến gần hơn tới tốp đầu châu Á.

Môn Kiếm không sợ trọng tài

Rất nhiều trọng tài quốc tế từ Liên đoàn đấu kiếm thế giới được mời tới làm việc tại SEA Games 28 và đây là một trong những lý do khiến người trong cuộc tin tưởng rằng công tác trọng tài của môn đấu kiếm ở SEA Games 28 sẽ không quá đáng lo ngại.

Thành viên đội tuyển đấu kiếm Việt Nam cho biết các trọng tài tới từ Liên đoàn đấu kiếm thế giới thường làm việc khá công tâm, và trọng tài làm nhiệm vụ ở trận chung kết đều có quốc tịch trung gian nên ít có khả năng thiên vị cho VĐV này hay VĐV.

Thực tế là nếu trọng tài bắt chính ở trận đấu giữa Vũ Thành An và Choy Yu Yong không làm việc một cách tương đối công tâm thì Thành An khó lòng giành được chiến thắng để mang về HCV cho đoàn thể thao Việt Nam.

Hoàng Huy (Từ Singapore)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm