Vỉa hè và tham nhũng

29/07/2012 14:39 GMT+7

Có người nhận xét: Đến nay, về cơ bản vỉa hè khu trung tâm Hà Nội không còn cho người đi bộ nữa. Điều đó mới nghe có vẻ vô lý nhưng là có thật.

Thực trạng đó trước hết vì vỉa hè đã thành nơi kiếm ăn của không ít người, kể cả người có chức, có quyền phần nhiều ở cấp cơ sở. Với những người được giao trách nhiệm xây dựng công trình đô thị, vửa hè là nơi để "giải ngân" kinh phí  sửa chữa, nâng cấp hàng năm.

Phá đi, lát lại; đào lên lấp xuống là điệp khúc diễn ra ở hầu khắp các đường phố. Có đào lên, lấp xuống phá đi lát lại mới có điều kiện để bớt xén hoặc ăn cắp nguyên vật liệu như gạch, cát, xi măng; chấm mút khi đấu thầu. Một đội trưởng xây dựng hè đường (xin giấu tên) tiết lộ để thắng thầu một đoạn hè đường gần 200m, rộng 1,5m đến 2m, anh đã phải "rải đường" hơn 100 triệu đồng. Nếu không "rải đường" như thế, chắc chắn đội của anh sẽ bị loại, công nhân sẽ không có việc làm. Nhưng anh ta và toàn đội của mình cũng không thể bỏ tiền túi ra và làm không công. Do vậy, phải bớt xén nguyên vật liệu, ăn gian khối lượng, luân chuyển nguyên liệu còn tốt như gạch, cát từ chỗ này sang chỗ kia sau khi đã  quyết toán chúng trong danh mục phế liệu, thải loại để bù vào 100 triệu đồng kia và phải có lãi nữa. Không chỉ đội lát hè đường mà mọi công việc khác như quản lý cây xanh, thoát nước, đặt cáp, vá đường… cũng đều phải như vậy nên vỉa hè luôn ngổn ngang.

Sửa chữa, nâng cấp vỉa hè đã vậy, khai thác vỉa hè cũng là một "lối ra" rất quan trọng ở những nơi nhà đất đã tương đối ổn định, như khu phố cổ chẳng hạn. Cuộc sống tràn ra vỉa hè (vì áp lực dân số, vì thói quen tùy tiện đã ăn sâu mấy chục năm), các kiểu "tham nhũng vặt" cũng bám lấy vỉa hè. Trông giữ xe, hàng rong, quán cóc, chợ tạm, vệ sinh môi trường, chống ùn tắc giao thông… nhất nhất trông vào vỉa hè. Một người trông giữ xe máy ở phố Nguyễn Xí cho biết, để có được chân này, anh phải "chạy" 50 triệu đồng nhưng chỉ sau 3 tháng, đã hòa vốn. Tuy thế, chỗ làm này không phải là vĩnh viễn, 3 năm sau là hết "hợp đồng", phải "cam kết" lại. Mỗi lần làm lại như vậy, lại mất tiền bằng số cũ hoặc hơn. Các quán bia, quán cơm, hàng rong cho tới người bơm xe, chữa khóa cũng vậy. Bắt, đuổi, tịch thu bàn ghế, đồ đạc thường xuyên nhưng rồi đâu vẫn hoàn đấy. Chỉ những người quá tốt bụng hoặc ngây thơ mới bắt thật, cấm thật. Không ít nơi, có  hẳn những người sống bằng tiền "chung chi", chỉ có nhiệm vụ cảnh báo trước mỗi lần có công an, cán bộ cấp trên về kiểm tra, thị sát.

Vỉa hè là nơi phơi bày hầu như tất cả những mặt được và chưa được trong quản lý đô thị. Vỉa hè là nguồn sống của không ít người. Mèo nhỏ bắt chuột con thôi nhưng mỗi năm hoặc mỗi nhiệm kỳ cũng kiếm vài trăm triệu đến hàng tỷ, cộng lại số tiền tham nhũng từ vỉa hè, mặt đường cũng tới hàng trăm tỷ mỗi năm, có khi còn nhiều hơn tiền chính quyền thành phố thu được từ vỉa hè. Đừng coi là nhỏ những món "tham nhũng" từ vỉa hè, lòng đường. Có thể số lượng không lớn với từng món nhưng  tích nhỏ sẽ thành lớn, lại trực tiếp với túi tiền và lòng dân. Vậy muốn đưa kỷ cương vào việc quản lý đô thị, rất cần quan tâm đến vỉa hè. Lập lại kỷ cương được ở đây sẽ là mở đầu rất thuận lợi cho những việc khác và chỉ riêng vỉa hè phong quang, trật tự trở lại thì thành phố cũng đã đẹp lên rất nhiều rồi.

Theo KTĐT

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm