03/02/2022 18:00 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Ngồi trong một tiệm bún thang nổi tiếng tại Hà Nội, cô chủ quán lớn tuổi nói rằng: “Cháu à, làm gì mà cô không nấu được bát bún thang như các cụ xưa truyền lại, mà nấu rồi, chẳng lẽ bán đến 250 nghìn, ai mà ăn. Quán của cô mỗi bát chỉ 50 nghìn, nên cô cũng phải lựa cách mà nấu, như lựa lời mà nói vậy”. “Lựa lời mà nói” được ví với “lựa cách mà nấu”, tiếng Việt thật thú vị.
1. Bún có mặt tại xứ Việt chắc đã trên 1.500 năm, lâu đời hơn các món ăn có chan nước khác như mì Quảng, mì Tàu, hủ tiếu, miến, bánh đa cua, phở,… rất nhiều lần. So với các món kia, bún cũng đa dạng thể loại và cách chế biến nhất, thậm chí ăn khô, không cần nước như bún đậu mắm tôm chẳng hạn.
Có một vài thống kê cho thấy từ Bắc chí Nam có hơn 40 loại bún, trong đó một số loại được nhiều người biết như bún chả Hà Nội, bún mọc, bún riêu cua, bún ốc, bún tôm Hải Phòng, bún bò Huế, bún mắm nêm Đà Nẵng, bún tái Đà Nẵng, bún chả cá Quy Nhơn, bún cá Nha Trang, bún nước muối ớt Bình Định, bún đỏ Buôn Ma Thuột, bún mắm miền Tây, bún nước lèo Trà Vinh, bún cá Châu Đốc, bún thịt/nem nướng …
Đây chưa kể nhiều món bún đặc trưng tại Hà Nội như bún thang, bún dọc mùng, bún ốc nguội, bún bung, bún ngan, bún vịt, bún cá, canh bún, bún sườn chua, bún măng sườn, bún tim sườn mọc, bún lòng, bún tái lăn, bún đậu mắm tôm…
Ở đây không bàn về cách chế biến hoặc sự ngon dở, mà từ các tên gọi này, rõ ràng bún đã góp nhiều công sức vào việc tạo nghĩa và tạo chữ mới cho tiếng Việt, hơn đa số các món ăn chan nước khác.
Ngay cả với người Hà Nội, không phải ai cũng có thể rành rẽ được các quán danh tiếng bán bún thang, bún dọc mùng, bún bung…, còn với những người xứ khác, nghe các tên gọi này thì thật khó mà hình dung trong bát bún ấy sẽ có gì là chủ đạo. Sự hình dung này, nếu không kích thích trí tưởng tượng, thì cũng sẽ làm tăng sự tò mò, tìm hiểu, để biết. Ví dụ khi tìm hiểu bún bung là bún gì, thì lúc ấy vốn tiếng Việt vùng miền sẽ phong phú thêm đáng kể.
Điều này cũng sẽ đúng khi nghe tên bún kèn, nó khá phổ biến ở miền Tây, nhưng có vị lạ thì bún kèn Châu Đốc, bún kèn Phú Quốc, bún kèn Hà Tiên thì mới thật riêng biệt. Trong bún kèn có gì chủ đạo, người vùng miền khác sao mà biết được, nếu chưa nhìn thấy, chưa ăn. Khi ta nói bún bò giò heo, bún vịt, bún ốc… thì sự hình dung, tưởng tượng sẽ dễ hơn bún kèn, bún bung, bún thang… một chút.
Cho nên, dù phở được nhiều người xem là quốc hồn quốc túy, nhưng suy cho cùng chỉ có hai loại chính là phở bò và phở gà. Cho nên việc tạo nghĩa và tạo chữ mới cho tiếng Việt không nhiều, không phong phú, thi vị, bí ẩn như bún.
2. Nếu tách phần nhạc, giữ phần lời, nhiều ca khúc của Trịnh Công Sơn chính là một bài thơ. Điều này cũng đúng với các nghệ sĩ quốc tế cùng thời với ông, ví dụ Bob Dylan. Việc Bob Dylan được trao giải Nobel văn học năm 2016 “vì đã tạo ra những cách thể hiện thơ thú vị trong truyền thống ca khúc vĩ đại của Mỹ” càng khẳng định chất thơ sẵn có trong các ca khúc của ông.
Rapper Binz chọn nghệ danh đầy đủ là Binz da Poet (tạm dịch là: Binz nhà thơ), không phải là việc chơi trội, vì thực chất thì từ lâu rap và slam đã được xem là thơ, Binz cũng nghĩ và hành xử như một nhà thơ. Tại chương trình Rap Việt chẳng hạn, vô số lần các thí sinh, các huấn luyện viên đã dùng tiếng Việt và tiếng Anh để gọi lời rap là thơ.
Rap manh nha tại Việt Nam từ cuối thế kỷ 20, với thế hệ của những rapper như Tiến Đạt, Phong Đạt, LK, Young Uno…, nhưng thực sự đi vào dòng ngầm mạnh mẽ phải là từ sau năm 2005. Ở đây cũng khoan hãy bàn đến sự hay dở của rap Việt, mà thử xem cách tương tác với tiếng Việt, nó có khác chi cách của những người làm thơ. Ngoài nhịp, vần và tiết tấu, rap cũng dùng phép ẩn dụ, chơi ngữ, nói bóng, nói lái… y như thơ, vậy rap và thơ đâu quá xa.
Cũng như rock Việt, khi mới định hình tại Việt Nam từ cuối thập niên 1960 tại Sài Gòn, kéo dài đến giữa thập niên 1990, nhiều người vẫn không tin tiếng Việt có thể viết được ca khúc rock. Đến rap cũng thế, mới chừng 5 năm trước thôi, vẫn còn nhiều định kiến cho rằng chỉ có tiếng Anh mới rap được, còn tiếng Việt thì không. Nhưng bây giờ, thử nhìn vào hàng ngàn bài rap tiếng Việt trong thế giới ngầm, hàng trăm bài rap tiếng Việt trong dòng chính, sẽ thấy tiếng Việt rap ngon ơ đó thôi.
Ví dụ như bài So Blue mà Binz kết hợp với nghệ sĩ Am1r, có các câu: “Khuôn mặt đó quá đẹp, để em phải buồn như thế/ Đôi mắt đó biết cười, em đừng để rơi giọt lệ/ Anh thì không hoàn hảo, nhưng anh dám đảm bảo/ Anh sẽ yêu em thật nhiều, nhiều hơn những người đến trước”. Nếu không rap, thì đây là một khổ thơ tình cho tuổi mới lớn, nhưng khi rap thì dòng thơ ấy thay đổi chất, linh hoạt hơn, mạnh mẽ hơn.
Nếu thời sử thi, các nghệ nhân dân gian đã hát thơ, thì thời nay, một số rapper cũng đã rap thơ đó thôi. Rapper Jay-Z nhiều lần giải thích tại sao rap nên được coi là thơ; còn nhà soạn nhạc Andrew Lloyd Webber thì ca ngợi thi sĩ T. S. Eliot là cha đẻ của rap. Ngày nay, nhiều nhà phê bình âm nhạc và ngôn ngữ học trên thế giới đã ghi nhận sự giống nhau giữa nhạc hip-hop, rap và thơ ở nhiều khía cạnh, đặc biệt là vần điệu và khả năng ứng tác với lời ăn tiếng nói.
Cho nên, một trong những đóng góp của rap Việt là giúp khẳng định tiếng Việt hoàn toàn có thể rap như các thứ tiếng khác; cũng như giúp mở rộng một phần khả năng biểu đạt/ trình tấu của thơ Việt và đời sống của tiếng Việt. Nghĩa là cũng làm tăng sức sống, sự linh hoạt và phong phú cho tiếng Việt.
Hiền Hòa
Thể thao & Văn hóa Xuân Nhâm Dần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất