Cha đẻ iPhone, iPad, iPod từ chức

26/08/2011 12:58 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH) - Steve Jobs vừa gây sốc cho dư luận khi đột ngột tuyên bố từ chức khỏi ghế giám đốc điều hành (CEO) công ty Apple. Mỗi ngày vẫn có vô số các CEO nghỉ hưu, từ chức, bị sa thải, nhưng vì sao sự ra đi của ông lại gây tác động lớn tới vậy?

Phần lớn người, nếu may mắn, chỉ có thể thay đổi thế giới theo một cách thức nào đó. Nhưng Steve Jobs, với sự nghiệp kinh doanh đầy thăng trầm, xuất hiện trên nhiều sân chơi, đã tạo nên những thay đổi ảnh hưởng tới cả thế giới công nghệ và truyền thông toàn cầu. Các tác động ấy vô tình đã thay đổi cuộc sống của chính chúng ta.

Con người của những cách tân

Steve Jobs được xem là nhà tiên tri về công nghệ, linh hồn của Apple nên sự ra đi của ông sẽ gây nên những tổn thất lớn cho công ty và cả thế giới công nghệ.

Ông làm được điều đó vì ông dám mạo hiểm đối đầu với rủi ro lớn khi triển khai ý tưởng mới và luôn không hài lòng với những cách tân nhỏ tới từ bộ phận nghiên cứu thị trường. Ông khẳng định sản phẩm làm ra phải có chất lượng cao và có gan loại bỏ những thứ người khác cho là cần thiết, thậm chí hủy diệt các công nghệ cũ, như ổ đĩa mềm FDD và pin có thể thay thế. Và ngoài việc là một nhà kinh doanh nhạy bén, ông cũng rất đam mê các sản phẩm do mình làm ra.

Trong hoạt động mang tính cách mạng đầu tiên ở Apple, vốn được Jobs giúp sáng lập hồi năm 1976, ông đã dựng nên viễn cảnh hoạt động cho công ty và và định hình cuộc cách mạng máy vi tính cá nhân. Chiếc máy tính Apple II mà ông phát triển cùng cộng sự Steve Wozniak không chỉ là máy vi tính cá nhân (PC) duy nhất được phổ cập cho đại chúng khi nó xuất hiện vào năm 1977 mà còn là sản phẩm đã có tác động lâu dài nhất. Vào thời điểm Apple II ngừng sản xuất hồi năm 1993, ước tính có 6 triệu chiếc máy đã được bán hết, đủ để cho thấy sản phẩm này đã rất thành công.

Năm 1984, Steve Jobs tiếp tục thay đổi thế giới máy tính bằng việc phát triển Macintosh, chiếc PC thương mại đầu tiên sử dụng chuột và giao diện đồ họa bắt mắt. Mcintosh đã tạo nên khuôn mẫu điển hình cho mọi máy tính ngày nay hoạt động, dù rằng Apple bị qua mặt trong lĩnh vực buôn bán PC trước “kỳ phùng địch thủ” Microsoft.

Thay đổi cả thế giới theo chiều dài sự nghiệp

Sau khi rời khỏi Apple, Jobs đã điều hành một công ty máy tính không thành công mang tên NeXT. Nhưng ngay trong quá trình “tị nạn” này, Jobs vẫn tạo nên những sản phẩm mang tính tác động thay đổi. Trước tiên, NeXT đã phát triển một hệ điều hành sau đó đã được hợp nhất vào sản phẩm của Apple để cho ra đời hệ điều hành OS X nổi tiếng. Ngoài ra NeXT cũng có một hệ điều hành khác sau này sử dụng trên các thiết bị di động của Apple mang tên iOS.

Quá trình rời khỏi Apple, Jobs cũng mua Pixar, một công ty nhỏ chuyên làm phim hoạt hình bằng công nghệ 3D. Dưới tay ông, Pixar đã biến thành một trong những studio thành công nhất thế giới, trước khi được bán lại cho hãng Disney với giá 7,4 tỉ USD. Pixar đã thay đổi vĩnh viễn cách thức người ta làm phim hoạt hình.

Hoạt động mang tính cách mạng cuối cùng của Jobs diễn ra vào năm 1997, lúc ông trở lại nắm ghế CEO của Apple theo sau thương vụ sát nhập với NeXT. Những gì Jobs nhận được khi đó là một Apple nhỏ hơn rất nhiều so với khi ông dứt áo ra đi, chỉ cho ra đời các sản phẩm tầm thường và có tin nó đang bên bờ vực phá sản.

Dưới bàn tay phù phép của Jobs, chỉ 14 tháng sau Apple vươn lên trở thành một “con quái thú” về lợi nhuận, với mọi sản phẩm tung ra đều gây những cơn sốt mong chờ khổng lồ, dù rằng giá chúng luôn cao hơn sản phẩm của đối thủ.

Khi trở lại Apple, Jobs đã cho ra mắt chiếc máy nghe nhạc iPod. Đây không phải là thiết bị nghe nhạc cá nhân đầu tiên trên thế giới, nhưng nó sở hữu những tính năng công nghệ đỉnh cao, những tiện ích phục vụ khách hàng một cách chu đáo và qua đó đã có những tác động làm thay đổi cách hưởng thụ âm nhạc của thế giới. Theo chân iPod là dịch vụ truyền thông số iTunes, được đánh giá là thành công nhất thế giới.

Chưa dừng lại, Jobs tiếp tục giới thiệu chiếc điện thoại “siêu” thông minh đầu tiên, iPhone. Khi xuất hiện, iPhone đã gây ấn tượng rất mạnh do nó được thiết kế đặc biệt hơn so với các điện thoại thịnh hành lúc đó và nó lại sử dụng giao diện Aqua nổi tiếng đẹp của hệ điều hành OSX. Tuy nhiên, iPhone vẫn đạt được mọi tính năng bình thường của một chiếc điện thoại. Ngoài ra, iPhone còn được trang bị mọi tính năng của một chiếc máy nghe nhạc iPod, một máy giải trí đang phương tiện cầm tay và là một thiết bị PDA (máy hỗ trợ cá nhân kỹ thuật số) hoàn hảo.

Vị CEO của những cuộc cách mạng

Theo chân sau iPhone là chiếc máy tính bảng iPad, hiện đang trong tiến trình thay thế một phần các máy tính xách tay. Và dù gây chú ý với tuyên bố chúng ta đang ở thời kỳ “hậu máy tính cá nhân”, Steve Jobs lại hồi sinh một trong những đứa con đầu lòng của ông, máy tính Mac.

Trong khi có thể không trở thành sản phẩm bán chạy nhất thế giới, Macbook là sản phẩm được cả thế giới thèm khát và tốc độ tăng trưởng doanh số của nó đã vượt xa mọi sản phẩm khác trong ngành công nghiệp PC suốt 5 năm trời. Cuộc cách mạng tiếp tục với sự ra đời của chiếc MacBook Air mảnh mai, vốn tích hợp mọi ưu điểm của máy tính bảng và PC vào một sản phẩm.

Hiện có tin đồn rằng Apple đang ngấm ngầm sáng tạo ra một sản phẩm mới từ một thiết bị hết sức thông dụng và bình thường: TV. Công ty rất kín tiếng về kế hoạch tương lai của họ, nhưng dựa vào lịch sử hoạt động của Jobs, nếu một sản phẩm như thế ra đời, người ta không cần phải ngạc nhiên. Và chính những điều đặc biệt ở trên là lý do vì sao ngày Jobs dứt áo rời khỏi Apple trong vai trò CEO lại không hề bình thường giống sự ra đi của bất kỳ CEO nào khác.

Tường Linh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm