Cây cầu ấy, trong tôi...

20/09/2010 15:36 GMT+7 | Cầu Long Biên

(TT&VH) - Là trẻ nhỏ ở một phố giáp với phố Phùng Hưng có đường dẫn cứ cao dần, cao dần để vào cầu Long Biên, song tới khi lên 7 tuổi (1958), tôi mới thật nhớ cầu ấy trong một hoàn cảnh ít gặp.

Chả là hồi đó, mẹ của tôi làm tổ trưởng một tổ may quân nhu, thường phải sang trạm thâu hóa ở cạnh sân bay Gia Lâm để nhận nguyên liệu, để trả hàng. Trong một lần như vậy, khi đạp xe qua hết cầu Long Biên và đang đổ dốc xuống phố Gia Lâm, xe đứt phanh, mẹ bị ngã. Khắp người mẹ xây xát và suốt gần tháng trời, mẹ bị nhiều cơn choáng ngất. Và cứ mỗi khi mẹ ngất lịm lúc nửa buổi - lúc đang trưa hoặc cuối chiều, hàng xóm đôi bên lại xúm tới. Người thì tìm các búi tóc rối, người giã gừng, người rót rượu vào bát nhỏ... rồi đánh gió toàn thân cho mẹ. Bà Tư lánh ra một góc, tay cầm chiếc bát sành và bảo tôi: “Tè vào đây”. Lần đầu chưa hiểu, sau thì đã rõ: nước tiểu có tác dụng “giải ngất”, nên tôi chẳng bẽn lẽn nữa, cứ “tuân lệnh” ngay.


Và qua ngót tháng với nhiều lần có hàng xóm giúp mẹ vượt các cơn nguy cấp ấy, khi lớn lên tôi biết rằng cái nạn nơi dốc cầu đã chắp nối cho một “chiếc cầu” khác hiển hiện. Đó là, tình cảm xóm giềng theo cách sống “thương người như thể thương thân” luôn sẵn trong người Hà Nội.

Hai năm sau, tôi được theo công đoàn cơ quan của ba tôi ra Bãi Giữa sông Hồng để tăng gia. Khi ba cùng các cô chú mải cuốc phù sa, vun luống, đặt dây khoai lang giống... thì tôi thỏa sức chạy chân trần trên cát. Chạy tới dưới gầm cầu Long Biên, bước chân chợt khựng lại khi tôi nhớ đến bài lịch sử mới học. Chợt bồi hồi mường tượng, cái đêm 17/2 của năm 1947 ấy, có thể Trung đoàn Thủ đô cũng theo chính khoảng gầm cầu này mà an toàn rút lên Việt Bắc. Không chạy nữa, mà tôi cứ cúi xuống, nhổm lên, với lòng bàn tay vục đầy cát như muốn tìm hơi ấm năm xưa truyền lại, khi trên đầu mình đang nườm nượp xe chạy bình yên.


Chụp ảnh cưới trên cầu Long Biên. Ảnh sưu tầm
Biết đi xe đạp khi 14 tuổi, song lần đầu qua sông Hồng tôi lại chưa được theo cầu Long Biên dẫn lối. Từ nơi sơ tán ở Hải Dương đạp về, tôi theo mọi người xuống cầu phao gập ghềnh nhằm hướng Bác Cổ. Có đoạn phải dắt, tôi vừa đi chậm vừa nhìn sang bên phải, nơi cây cầu chịu bom đạn có vài nhịp bị sập, song trên đỉnh của mấy vòm nhịp vẫn kiêu hãnh các nòng súng cao xạ hướng lên bầu trời. Thấy tôi mải chăm chú ngưỡng vọng quá đến gần như đứng hẳn lại, làm chậm di chuyển phía sau, một bác dong xe thồ bảo: “Đi nhanh lên cháu. Chả mấy nữa Mỹ sẽ thua, chúng ta lại bon nhanh qua cầu Long Biên mà.”

Thấm thoắt thời gian trôi nhanh, thành người thợ góp phần giúp gìn giữ tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai chịu nhiều bom đạn năm 1972, rồi làm công tác thông tin văn hóa ở ngành xe lửa, tôi càng có nhiều dịp qua cầu Long Biên. Ơi cây cầu in dấu với bao lớp người Hà Nội, nó đẹp nhất vào khi nào, mùa Hạ hay mùa Thu... ban mai hay hoàng hôn... nhỉ? Với mỗi người sẽ có những câu trả lời giống và khác nhau, song riêng tôi thấy trước khi có cầu Chương Dương (7/1985) thì Long Biên đẹp nhất vào những ngày áp Tết hằng năm. Những ngày ấy, ngồi trên tàu hỏa nhìn ra hai bên, phía hạ lưu thì dài tít tắp nối nhau các xe tải, xe đạp thồ... chở bao sản vật vào nội thành phục vụ Tết, còn phía thượng lưu thì màu hoa đào bừng tươi trên các xe đạp chỉ một người vừa lái vừa cầm hoa, hoặc hai người thì người ngồi sau nâng cành đào vươn cao. Và, trên các nóc xe ca đưa khách về nhiều vùng quê, hoa đào cứ cành nọ cành kia ghếch lên nhau mà cùng tiến về phía trước, tạo cảm giác cả luồng đường ấy như một “dòng sông hoa” chầm chậm chảy. Giữa “đẹp nhất” rộng cảnh ấy, có một “đẹp nhất” khác, nhỏ hơn, mà không phải trong tôi: ấy là lần được chứng kiến một cuộc rước dâu từ Gia Lâm vào nội thành. Gần năm chục xe đạp của cả hai họ đều thong thả tua vòng bánh theo chú rể mặc com-lê “cưỡi” một chiếc Phượng Hoàng chở cô dâu mặc đồ trắng muốt, một tay níu nhẹ vào lưng chàng, tay kia e ấp ôm bó lay ơn mập nụ. Đoàn rước dâu êm ả qua hơn ngàn mét cầu thép như truyền hạnh phúc tới cả sông nước, mây trời.

Mùa Thu Canh Dần này, Long Biên cùng cả Hà Nội vào tuổi tròn nghìn. Sẽ lại thêm một festival trên mặt cầu lộng gió, sẽ lại bao người cao niên lần từng bước theo bao hồi ức, sẽ lại...

Bài tham dự Cuộc thi Cầu Rồng kể chuyện ngàn nămdo báo TT&VH và Ngôi nhà Nghệ thuật phối hợp tổ chức. Cuộc thi đã hết hạn nhận bài từ 24h tối qua, 19/9. Lễ trao giải sẽ diễn ra vào đầu tháng 10. Chi tiết xem trên www.thethaovanhoa.vn/ longbien

Vâng, sẽ nhiều cách để cây cầu hơn trăm tuổi vẫn bền sức đồng hành với nay và mai. Song, nên chăng, thiết tha mong trong 4 đỉnh vòm cầu có cao xạ pháo thời không quên ấy, sẽ phục dựng “trận địa” ở dù chỉ một đỉnh vòm. Các thanh thành cầu nâng đỉnh vòm ấy sẽ được sơn riêng “màu thời chiến” và dựng biển dựa vào đó mà tóm tắt chiến tích, cả ở hai bên thượng, hạ lưu. Cho mỗi ngày có nhiều nghìn người qua cầu, phần lớn sinh ra sau năm 1972, được “bổ túc tại chỗ” để càng thêm yêu, thêm cách... góp cho đến 1.500 năm rồi 2.000 năm “Thăng Long - Hà Nội”, thủ đô nước Việt càng bề thế hơn, hiện đại hơn... mà luôn gắn nhớ cội nguồn.


Thế đó, “cầu Rồng” trong tôi... trong chúng ta.

Nguyễn Quang Vinh (Số nhà 86, tổ 36, thị trấn Đông Anh) 

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm