Những người chưa già đã lên lão: 'Cố đấm ăn xôi, xôi lại hẩm…'

20/07/2014 15:29 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - Cho đến thời điểm này, có thể khẳng định rằng quyết định quay lại ĐTQG của Nguyễn Huy Hoàng, cựu trung vệ đội trưởng SLNA, ở kỳ AFF Cup 2010, là sai lầm lớn nhất trong sự nghiệp.

Cũng tựa như đồng đội và là bạn thân Vũ Như Thành, Hoàng đã đánh mất gần như tất cả, danh dự, tiền bạc và cả sự nghiệp thi đấu vẻ vang.

Sai một li…

Năm 2010, ĐT Việt Nam khi ấy đang là ĐKVĐ Đông Nam Á bước vào giải đấu được tổ chức trên sân nhà với đầy sự tự tin. Ngoài sự ổn định về đội hình (gần như không xáo trộn kể từ AFF Cup 2008), HLV Calisto chào đón sự trở lại của trung vệ lẫy lừng Huy Hoàng, để chơi cặp cùng Như Thành, tái hiện bộ đôi trung vệ của U23 Việt Nam tại JVC Cup 2003.

Như Thành và Huy Hoàng là những hậu vệ hay nhất thế hệ của họ, điều này không phải bàn cãi nữa, nhưng ít ai ngờ rằng AFF Cup 2010 lại là nốt trầm lớn nhất trong sự nghiệp của họ.

Trên sân Mỹ Đình, Như Thành chơi bóng như mơ ngủ và là tác nhân trực tiếp dẫn đến cả 2 bàn thua của ĐT Việt Nam trước Philippines. Đoàn quân mỏi của HLV Calisto lết vào bán kết với non nửa đội hình chấn thương ở trận lượt đi trên đất Malaysia.

Sai lầm mang tính hệ thống, từ vị trí của Huy Hoàng (trận này đá hậu vệ phải thay cho Quang Thanh), đến Như Thành và người gác đền Tấn Trường, khiến ĐT Việt Nam sớm bị biến thành cựu vương trước trận lượt về. Đội tuyển rời cuộc chơi trong tư thế thất vọng, còn HLV Calisto mất ghế như tất cả đều biết.

Sau đó, HLV Calisto vẫn cố gắng bảo vệ các học trò và rằng, ĐT Việt Nam đã không gặp may với rất nhiều ca chấn thương, từ Quang Thanh đến Việt Cường, rồi Việt Thắng.

Trước đó, tiền đạo Công Vinh đã phải phẫu thuật và không tham gia giải đấu này. Nhưng, có một điều chắc chắn rằng, thất bại của đội bóng phần nhiều vì lý do ngoài chuyên môn, trong đó phải kể đến sự chểnh mảng có chủ ý và phần nào là sự tự mãn của thầy và trò sau vinh quang năm 2008.

… Đi cả sự nghiệp

Kết thúc mùa bóng 2006, Huy Hoàng lần đầu tiên thông báo sẽ giã từ sự nghiệp thi đấu quốc tế ở tuổi 25 (theo giấy tờ). Sau rất nhiều những khuyên can, Huy Hoàng ở lại cho đến sau Asian Cup 2007, giải đấu mà bóng đá Việt Nam đã ghi tên mình vào lịch sử: Lần đầu tiên lọt vào tốp 8 đội mạnh nhất châu lục.

Tất nhiên, Huy Hoàng (cùng với Minh Phương và rất nhiều người trẻ khác như Quang Thanh, Châu Phong Hoà…) đã có một giải đấu đáng nhớ. Mặc dù vậy, Hoàng vẫn quyết định thoái lui vì bất mãn với thời cuộc.

Năm 2008, ở nhiệm kỳ thứ 2 của Calisto ở ĐTQG, ông thầy người Bồ cố gắng thuyết phục Huy Hoàng trở lại, nhưng anh đã lắc đầu, cho đến giải đấu này 2 năm sau đó, như đã nhắc.

Trở về sau AFF Cup 2010, Huy Hoàng vẫn thống lĩnh SLNA đến chức vô địch V-League ở mùa giải 2011, nhưng sức ảnh hưởng của anh đã giảm thiểu đáng kể. Như Thành mặc dù đã lại kiếm thêm được một bản hợp đồng trị giá hàng chục tỷ đồng khác tại V.Ninh Bình, song những đóng góp về chuyên môn của anh là rất hạn chế. “Virus AFF Cup 2010” đã bắt đầu phát tác.

Vẫn được ví như “biểu tượng thất truyền”, nhưng tai hoạ vẫn ập tới liên miên với Huy Hoàng, mà đỉnh điểm là màn “phê rượu”, múa may quay cuồng ở Thanh Hoá, để rồi phải bán xới khỏi quê hương và sự nghiệp chìm nghỉm ở XSKT.Cần Thơ sau giai đoạn 1 giải hạng Nhất 2014.

Huy Hoàng (và cả Như Thành, rồi Việt Cường, Quang Thanh…) tự biến mình thành những sản phẩm chuyển nhượng, cố vớt vát sự nghiệp bằng các bản hợp đồng ngắn hạn tại các đội bóng nhỏ hơn, thậm chí xuôi về đến giải hạng Nhất, nhưng “cố đấm ăn xôi, xôi lại hẩm”.

Hỏi, vì đâu nên nỗi?!

Hậu quả của bóng đá kim tiền

Theo phân tích của ông Nguyễn Văn Sỹ, HLV trưởng V.Ninh Bình và là cựu tuyển thủ “thế hệ vàng”, phần lớn các ngôi sao của bóng đá Việt Nam trong khoảng hơn 10 năm đổ lại đây thường đánh mất mình vì những thú vui xã hội trong thời đại bóng đá kim tiền, chứ không phải sự nghiệp đoản mệnh vì các ca chấn thương hoặc thời vận.

Sau khi bị đứt gót chân Achilles tại Tiger Cup 2002, Văn Sỹ vẫn tiếp tục thi đấu đến tận năm 2006 và ở tuổi 35 ông mới giải nghệ. Trước đó, anh ruột của HLV Văn Sỹ là Nguyễn Văn Dũng đã giành danh hiệu “Vua phá lưới” giải VĐQG và được triệu tập trở lại ĐTQG ở tuổi 36 (Tiger Cup 98).


Tuỳ Phong
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm