18/07/2014 06:22 GMT+7 | Bóng đá Việt
(Thethaovanhoa.vn) - Mọi so sánh đều khập khiễng. Nhất là khi so sánh chiến thắng đầy thuyết phục của Đức, đội tuyển vừa vô địch thế giới, với giấc mơ chiến thắng trên đấu trường khu vực (SEA Games) cứ mãi vỡ vụn dưới chân các tuyển thủ Việt Nam.
Ổn định và kế thừa
Miroslav Klose (sinh năm 1978) là cầu thủ duy nhất của ĐT Đức vô địch thế giới 2014 còn sót lại từ World Cup 2002. Và tại vòng chung kết ở Brazil, Klose đã thiết lập một kỷ lục mới: 16 bàn thắng ghi được tại các kỳ World Cup. Tất nhiên, tiền đạo gốc Ba Lan cũng đã bỏ xa tiền bối Gerd Mueller với 3 bàn thắng nhiều hơn ghi cho đội tuyển quốc gia. Giá trị sử dụng của Klose là không phải bàn cãi, nhưng điều đó không có nghĩa các HLV ĐT Đức không tích cực làm mới.
Sau khi thế vai Rudi Voeller trên băng ghế huấn luyện vào năm 2004, nhà vô địch World Cup 1990 và Euro 1996, Juergen Klinsmann, bắt đầu làm một cuộc cách mạng nhân sự, đồng thời làm sống dậy một “tinh thần yêu nước mới”, giúp ĐT Đức lọt vào tới bán kết World Cup được tổ chức trên sân nhà 2006, bằng thứ bóng đá sexy. Công trình này được trao lại cho Joachim Loew sau đó, bóng đá Đức tiếp tục gặt hái thành công và thậm chí còn được yêu mến nhiều hơn, nhờ lối chơi cống hiến.
Như vậy, nếu tính từ năm 2000 đến bây giờ, tức sau 14 năm, ĐT Đức chỉ trải qua 3 đời HLV. Trong khi đó, con số này ở Việt Nam nhiều không đếm hết và có cả những ông thầy còn được “dùng lại” hơn một lần, như Alfred Riedl hay Henrique Calisto. Người Đức, dù đã có chức vô địch thế giới lần thứ 4, cùng với 3 lần lên ngôi khác ở đấu trường Euro, nhưng không phải họ chưa từng thất bại. Song, lần cuối cùng gần nhất là vòng chung kết Euro 2004, tức là cách đây đúng 10 năm.
Trở về từ Bồ Đào Nha năm đó, như đã nhắc, ĐT Đức đã làm cuộc cách mạng từ cabin ban huấn luyện đến nhân sự đội bóng. Thay cho hình ảnh xù xì, cũ kỹ, Đức dưới thời Klinsmann lột xác hoàn toàn về mặt lối chơi, cùng với sự trợ giúp đắc lực của khoa học thể thao. Ở khía cạnh khoa học thể thao, ai không biết Đức là quốc gia tiên tiến hàng đầu thế giới, nhưng Klinsmann vẫn quyết định thuê các chuyên gia huất luyện thể lực người Mỹ và tiếp tục được sử dụng cho đến tận thời Joachim Low…
Năm 2002, Klose ở tuổi 24 đã ghi 5 bàn thắng giúp Đức vào chơi chung kết kỳ World Cup lần đầu tiên được tổ chức ở châu Á; năm 2006, Lukas Podolski khi ấy 21 tuổi đã cùng với Klose tạo thành cặp song sát lợi hại bậc nhất giải đấu trên sân nhà; World Cup 2010, cũng với tuổi 21, Thomas Mueller gần như đã chinh phục giải đấu, với 5 bàn thắng ghi được và rất nhiều đường chuyền thành bàn, để giành danh hiệu vua phá lưới khi Đức của anh lọt tới bán kết…
Và tại xứ sở samba năm 2014, Toni Kroos mới 24 tuổi đã được xem là nhạc trưởng xuất sắc, dù đàn anh Bastian Schweinsteiger vẫn hiện diện trên sân, rồi Mario Gotze ghi bàn thắng vàng ở tuổi 22. Nếu có một cuộc bầu chọn công khai và minh bạch, thì Kroos chứ không phải Leo Messi mới là cầu thủ hay nhất World Cup 2014. Nhưng, ngay cả điều đó cũng không quan trọng, bởi trong lòng đội bóng này, chủ nghĩa tập thể luôn được đặt ở nơi cao nhất.
Mỗi kỳ World Cup hay Euro qua đi, ĐT Đức lại trình làng một thế hệ cầu thủ mới, đủ sức kế thừa sứ mệnh. Nhưng, những cựu binh vẫn được trọng dụng, để đảm bảo sự cân đối đội hình. World Cup 2018 có thể quá xa với thế hệ “83-85” của những Philipp Lahm, Schweinsteiger, Per Mertesacker, Podolski…, nhưng nó lại là thời điểm chín mùi của lứa cầu thủ “88-92”, mà những Mueller, Kroos, Goetze, Marco Reus, Julian Draxler, Andre Schuerrler… là các đại diện tiêu biểu.
Đào tạo trẻ và nhập khẩu cầu thủ
Theo một thống kê, cứ 50 ngàn đứa trẻ tập bóng đá (tại các Học viện hay trường học), sẽ sản sinh ra một tuyển thủ quốc gia Đức. Vậy để có 23 tuyển thủ quốc gia vô địch thế giới ở kỳ World Cup vừa rồi, với những người trẻ nhất như Draxler hay Guenter (20 tuổi), từ trước đó ít nhất 10 năm, đã phải có 1.150.000 cầu thủ trẻ Đức bước vào các Học viện bóng đá tại đất nước hơn 80 triệu dân. Không ai đếm (hay thống kê) được con số này ở Việt Nam (với hơn 90 triệu dân) là bao nhiêu.
Khoan nói chuyện chất lượng đầu vào và các chiến lược làm bóng đá bài bản, khoa học (mà Việt Nam không bao giờ có thể so sánh được với Đức), môi trường phấn đấu là điều cần tính tới. Tuổi 20, Draxler hay Guenter đã là nhà vô địch thế giới, trong khi tiệm cận ở độ tuổi này, “những đứa trẻ của bầu Đức” ở Học viện Hoàng Anh Gia Lai Arsenal JMG được cho là ưu tú bậc nhất, vẫn còn mải mê săn lùng chiến tích tại hệ thống các giải đấu trẻ cấp khu vực.
Người ta tính rằng, bằng với các cột mốc thời gian trong bóng đá, cứ 4 năm lại sản sinh ra một thế hệ. Bằng với sự cấy ghép được cho là hợp lý nhất từ trước đến nay, lứa cầu thủ “đầu 8” của Minh Phương, Việt Thắng, Tài Em, Như Thành, Dương Hồng Sơn… kết hợp với thế hệ ‘84 – ‘85 của Công Vinh, Tấn Tài, Vũ Phong, Minh Châu, Phước Tứ…, đã làm nên chiến tích vô địch AFF Cup 2008. Tiếc rằng, đó là danh hiệu duy nhất và cuối cùng của nền bóng đá, sau hơn một thập niên qua.
Bóng đá Việt Nam vẫn đều đặn sản sinh ra nhiều thế hệ cầu thủ giỏi, nhưng nó thuần là sự phát triển tự nhiên, kiểu như hoa dại mọc bìa rừng vậy, chứ không phải sản phẩm của các chiến dịch làm bóng đá thực sự nghiêm túc và dài hơi. Trong thời đại thế giới phẳng, cũng như bạn bè, bóng đá Việt Nam đã rất tích cực nhập khẩu (cầu thủ), song không để sử dụng cho các ĐTQG, mà chỉ là chuyện riêng của các câu lạc bộ, hay nói đúng ra, là trang sức phục vụ cuộc chơi của các ông bầu…
Klose (một trong số rất nhiều tuyển thủ quốc gia Đức nhập tịch, hoặc sinh ra lớn lên tại Đức, với bố hoặc mẹ là người Đức), 36 tuổi, vẫn chạy tốt và ghi những bàn thắng, trong khi, Nguyễn Minh Phương (cựu đội trưởng ĐT Việt Nam sinh năm 1980), đã giã từ đội tuyển quốc gia từ cách đây 2 năm… Phải chăng nền bóng đá Việt Nam quá thừa mứa tài năng?! Từ chất lượng đầu vào, môi trường phấn đấu và tuổi thọ sự nghiệp kéo dài đến đâu, đã cho thấy quá nhiều khác biệt.
Với hệ thống các giải đấu xoay tua, quay vòng như… kiếp luân hồi, ở khu vực Đông Nam Á, lứa cầu thủ “84-85” như Tấn Tài, Công Vinh, Phước Tứ…, sẽ tiếp tục đóng vai trò hạt nhân, để cùng với thế hệ “88-92”, với Thành Lương, Trọng Hoàng, Văn Quyết, Mạnh Hùng, Văn Hoàn…, chinh phục đấu trường AFF Cup một lần nữa vào cuối năm nay. Và nếu thầy trò ông Toshiya Miura lập lại được “kỳ tích” như người tiền nhiệm Henrique Calisto, ĐT Việt Nam chắc là đã mang hình hài của ĐT Đức. Vậy, hãy cứ chờ đợi và hy vọng! |
Tùy Phong
Thể thao & Văn hóa cuối tuần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất