21/04/2022 15:53 GMT+7
Thất bại 0-4 trên sân Anfield của Liverpool ở Ngoại hạng Anh chỉ là hệ quả của một loạt vấn đề yếu kém mà Man United loay hoay không thể giải quyết trong suốt 10 năm qua.
Man United hành quân tới sân Anfield hôm 19/4 để đá bù vòng 30 Ngoại hạng Anh với Liverpool. Suốt 90 phút thi đấu, "Quỷ đỏ" đã thể hiện bộ mặt bạc nhược trên mọi tuyến. Thậm chí, HLV Rangnick còn công khai dùng những từ ngữ "đáng xấu hổ, thất vọng, nhục nhã" để nói về thất bại này của MU.
Trong khi đó trên sóng kênh Sky Sports, Gary Neville vẫn đưa ra những lời bình luận chê bai dành cho đội bóng cũ của mình. Ông khẳng định thất bại của MU là điều ai cũng dự đoán được.
"Trong một thập kỷ qua thất bại cứ lặp đi lặp lại. Tôi không biết lý giải thế nào và cũng không hiểu tại sao MU từ một đội bóng kết thúc mùa giải ở vị trí thứ 2 với nhiều kỳ vọng lại trở thành một phiên bản tồi tệ nhất trong 42 năm theo dõi CLB của tôi. Tôi chưa bao giờ thấy đội bóng tệ như vậy. Tôi chưa bao giờ thấy một MU héo úa nào như vậy trong suốt 40 năm theo dõi đội bóng của mình", Neville chia sẻ.
Vậy điều gì đã khiến Man United trở nên bết bát như hiện tại?
Chủ sở hữu
Đối với nhiều CĐV của MU, mọi điều sai trái ở đội bóng đều bắt nguồn từ một điều: chủ sở hữu của họ. Năm 2003, nhà Glazer bắt đầu mua cổ phiếu của MU và trở thành cổ đông chính năm 2005.
Nhà Glazer đã bỏ ra 800 triệu bảng để mua lại MU nhưng khoảng 525 triệu bảng trong số đó là họ đi vay. Được biết, MU phải trả lãi hơn 60 triệu bảng/năm.
Người hâm mộ Man United từ năm 2006 cho tới nay luôn có những chiến dịch để bày tỏ thái độ phản đối nhà Glazer. Đỉnh điểm chính là vụ việc các CĐV gây ra bạo loạn tại sân Old Trafford hồi tháng 5/2021. Trận đấu giữa MU vs Liverpool sau đó đã phải hoãn lại vì vấn đề an ninh.
Trước đó, các CĐV của MU cũng tỏ thái độ phản đối ý định tham dự giải European Super League của nhà Glazer. Sau đó, những ông chủ của MU đã phải nhượng bộ và thông báo không tham dự ESL.
Hệ thống điều hành
Nhà Glazer sở hữu MU nhưng họ không điều hành đội bóng. Họ để cho các nhân viên của mình xử lý công việc hàng ngày của CLB. Đa phần những người này đều rất giỏi kinh doanh nhưng lại là kẻ khờ trong lĩnh vực bóng đá. Ed Woodward là một minh chứng cụ thể.
Woodward, người từng là Phó Chủ tịch điều hành cho đến khi rời đi vào tháng Hai, đã giúp cố vấn cho nhà Glazer về việc tiếp quản của họ vào năm 2005 và kế nhiệm David Gill trong việc điều hành CLB vào tháng 5/2013. Trong thời gian làm việc của mình, Woodward đã đưa David Moyes, Louis van Gaal, Jose Mourinho và Ole Solskjaer ngồi vào ghế nóng tại Old Trafford. Ông cũng đã để CLB chi ra hơn 1 tỷ bảng để chiêu mộ các cầu thủ. Mặc dù không mang về thành công nào quá lớn cho CLB nhưng Woodward vẫn là nhà điều hành được trả lương cao nhất tại Ngoại hạng Anh.
Woodward đã rời đi, để lại người bạn Richard Arnold của mình ở vị trí lãnh đạo, nhưng có lẽ nhiều vấn đề tương tự vẫn chưa thể thay đổi hoàn toàn. Hiện có John Murtough đang làm Giám đốc Thể thao và Darren Fletcher làm Giám đốc kỹ thuật của CLB. Chính bộ đôi này đã quyết định chọn Erik ten Hag làm HLV tiếp theo của CLB. Tuy nhiên, những bình luận gần đây của Rangnick về cấu trúc của CLB phần nào đã thể hiện những bất cập trong hệ thống điều hành của MU hiện tại.
"Ở Đức, mỗi đội bóng có 1 HLV trưởng và 2 trợ lý có kỹ năng tốt chịu trách nhiệm lâu dài cho việc tuyển dụng, theo dõi cầu thủ và các hoạt động hàng ngày. CLB luôn cố gắng đưa HLV tốt nhất và phù hợp nhất về với CLB. Điều này vẫn chưa thành truyền thống tại đây (Anh-PV) nên chỉ có 1 số đội ở có Giám đốc Thể thao hoặc Giám đốc bóng đá.
Mọi người không thể đặt tất cả công việc và trách nhiệm lên vai của một người, một HLV. Cho dù người sắp tới giỏi thế nào, tôi không dám chắc người đó có thể đương đầu được với điều này", HLV Rangnick chia sẻ với Sky Sports.
Chuyển nhượng
Man United có một lịch sử lâu dài và bền vững trong việc mua cầu thủ với mức giá cao hơn giá trị thực của họ. "Quỷ đỏ" đã phải chi những khoản phí khổng lồ cho Paul Pogba (89 triệu bảng), Harry Maguire (80 triệu bảng), Jadon Sancho (77 triệu bảng) và Romelu Lukaku (75 triệu bảng). Tổng số tiền chuyển nhượng lên tới 1,3 tỷ bảng trong 10 năm qua (theo nghiên cứu của CIES Football). Trong cùng khoảng thời gian, MU chỉ thu về 397 triệu bảng từ việc bán cầu thủ. Nghĩa là họ âm tới 908 triệu bảng trên thị trường chuyển nhượng.
Danh sách chuyển nhượng thất bại là một danh sách dài. Alexis Sanchez (lương 500.000 bảng/tuần), Angel Di Maria (60 triệu bảng), Memphis Depay (25 triệu bảng), Morgan Schneiderlin (25 triệu bảng), Aaron Wan-Bissaka (50 triệu bảng), Donny van de Beek (35 triệu bảng) và nhiều cái tên nổi bật khác.
Đó không chỉ là sự lãng phí tiền bạc khổng lồ mà còn là sự thiếu định hướng. Không có triết lý bóng đá rõ ràng nào kể từ khi Sir Alex Ferguson ra đi. Các cầu thủ đã được đưa đến một cách ngẫu nhiên.
"Trước khi ký hợp đồng với những cầu thủ mới, bạn cần biết mình muốn chơi như thế nào. Nếu bạn nhìn vào hai CLB đang thống trị Ngoại hạng Anh (Man City và Liverpool-PV), họ đã làm chính xác điều đó", HLV Rangnick chia sẻ.
Những lựa chọn về HLV
Khi HLV Ferguson ra đi, ông được phép lựa chọn người kế nhiệm. David Moyes chỉ tại vị được 10 tháng và đội hình của MU khi đó không có chiều sâu. Van Gaal được thuê với lý do là HLV đẳng cấp thế giới duy nhất tự do vào thời điểm đó. Mourinho rõ ràng không phải sự lựa chọn dài hạn phù hợp. MU dường như đã đưa ra quyết định trong sự tuyệt vọng. Ole Solskjaer vốn dĩ chỉ là HLV tạm quyền nhưng do khả năng tạo ra bầu không khí yên ổn trong phòng thay đồ nên đã được trao bản hợp đồng chính thức.
Việc đưa Rangnick vào làm quản lý tạm thời cũng không hiệu quả. Phần lớn kinh nghiệm gần đây của người Đức là đằng sau hậu trường.
Nếu ten Hag thực sự được cho thời gian, quyền hạn và tài chính để thực hiện một cuộc đại tu từ đầu đến cuối thì MU thực sự đã học được bài học của họ.
Năng lực của cầu thủ
Tất cả những vấn đề hậu trường ở MU dĩ nhiên không thể biện minh cho việc họ liên tục thi đấu kém hiệu quả trên sân cỏ. Đội chủ sân Old Trafford có rất nhiều cầu thủ giỏi, thậm chí một số cầu thủ đẳng cấp thế giới như Bruno Fernandes, Cristiano Ronaldo và David de Gea. Họ có những cầu thủ như Harry Maguire, Jadon Sancho, Luke Shaw và Marcus Rashford đều thi đấu cho đội tuyển quốc gia.
Điều mà Roy Keane đã đề cập trong những bình luận sau trận đấu tại Anfield vẫn còn đọng lại: “Những gì MU luôn có, theo kinh nghiệm của tôi ở CLB, là những nhân vật xuất sắc, những người đàn ông xuất sắc, những người bạn muốn làm việc cùng, những người bạn sẽ cùng chiến đấu”. Thật khó để nói rằng đó điều này vẫn còn tồn tại ở MU lúc này. Những tin đồn về sự bất mãn và bè phái bị rò rỉ quá thường xuyên.
Quý Dậu
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất