21/01/2025 06:15 GMT+7 | Thể thao
Bóng bàn Việt Nam đặt mục tiêu giành HCV tại SEA Games 33 trong bối cảnh nhiều thách thức từ sự vươn lên của các đối thủ và mức độ đầu tư cho các tay vợt chưa có đột phá.
Khó nhưng phải nỗ lực
SEA Games chuẩn bị bước sang kỳ Đại hội lần thứ 33 song bóng bàn Việt Nam mới 6 lần giành được HCV ở đấu trường này. Bắt đầu từ tấm HCV của Mạnh Cường/Thu Thủy tại SEA Games 19, tiếp theo đến nội dung đơn nam của Trần Tuấn Quỳnh (SEA Games 22). 14 năm sau đó, lần đầu tiên bóng bàn Việt Nam có HCV đồng đội nam tại SEA Games 29, rồi đôi nam Quang Linh/Anh Tú (SEA Games 30). Gần nhất là đôi nam nữ Anh Hoàng/Mai Ngọc giành HCV đôi nam nữ ở SEA Games 32, sau khi Nguyễn Đức Tuân vô địch đơn nam trên sân nhà ở kỳ SEA Games 31.
Như vậy có thể thấy, ngay ở trong khu vực, các tay vợt Việt Nam đã chịu sức ép rất lớn trước sự tăng tốc của đối thủ. Singapore sau giai đoạn nhập khẩu các tay vợt Trung Quốc đã xây dựng được nền móng vững chắc và chiếm ưu thế gần như tuyệt đối. Trong giai đoạn gần đây, Thái Lan và Malaysia cũng có sự đầu tư mạnh mẽ vào lứa VĐV trẻ để nâng cao trình độ. Nhìn tổng thể, cuộc đua tới tấm HCV ở 7 nội dung ngay trong giải đấu của khu vực có sự cạnh tranh ngày càng quyết liệt với sự góp mặt của ít nhất VĐV đến từ 3-4 quốc gia.
"Có rất nhiều thách thức nếu nhìn sang các nước trong khu vực nhưng bóng bàn Việt Nam vẫn hướng tới mục tiêu giành HCV SEA Games 33 với quyết tâm cao dựa trên năng lực hiện có. Nếu ở nội dung đơn và đồng đồng đội ít cơ hội hơn thì chúng ta có hi vọng ở các nội dung đôi. Trong thi đấu, đôi nam, đôi nữ và đôi nam nữ thường là các nội dung hay xuất hiện đột biến, vì phụ thuộc vào sự phối hợp và khả năng phát huy của các VĐV", Tổng thư ký Liên đoàn Bóng bàn Việt Nam (VTTF) Nguyễn Nam Hải chia sẻ.
Đẩy mạnh xã hội hóa
Để hiện thực hóa mục tiêu giành HCV tại SEA Games 33, đòi hỏi bóng bàn Việt Nam cần có sự chuẩn bị tích cực, đồng thời, tìm kiếm lời giải cho bài toán kinh phí nhằm hỗ trợ các tay vợt cải thiện chuyên môn. Yếu tố "đầu tiên" luôn rất quan trọng, bởi nếu không có kinh phí dự giải quốc tế hoặc tập huấn, thi đấu thì rất khó để cạnh tranh với đối thủ. VTTF đang nỗ lực tìm kiếm các nhà tài trợ đồng hành với kế hoạch nâng tầm, từ tổ chức thi đấu các giải trong nước, cho đến hỗ trợ các tay vợt tập huấn và tham dự giải.
Mùa giải 2024, kể từ khi Đại hội khóa VII, nhiệm kỳ 2024-2029 diễn ra thành công và chính thức đi vào hoạt động, một vài tín hiệu tích cực đã xuất hiện. Khởi đầu là việc nâng tầm chất lượng giải vô địch các đội mạnh toàn quốc với tổng số tiền thưởng trị giá 185 triệu đồng vào tháng 10. Tiếp đó vào tháng 12/2024, 9 tay vợt có cơ hội dự giải chuyên nghiệp US Open tại Mỹ bằng kinh phí xã hội hóa.
"VTTF còn rất nhiều việc phải làm để hoàn thiện bộ máy hoạt động trong nhiệm kỳ mới nhưng chúng tôi cố gắng đẩy nhanh tiến độ. Việc tính toán tham dự các giải chuyên nghiệp với thể thức thi đấu cởi mở hơn như 1 VĐV có thể dự nhiều nội dung hay có nhiều cơ hội thi đấu hơn so với các giải tour sẽ được cân nhắc tính toán sao cho hiệu quả nhất. Chúng tôi cũng rất cần tới sự chung tay của các nhà tài trợ, các đơn vị đồng hành chia sẻ khó khăn với mục tiêu chung là nâng tầm bóng bàn Việt Nam", theo lời ông Nguyễn Nam Hải.
VTTF trao thưởng cho ĐTQG bóng bàn
Tại lễ tổng kết hoạt động năm 2024 vừa diễn ra tại Hà Nội, Liên đoàn bóng bàn Việt Nam VTTF đã trao thưởng cho ĐTQG bóng bàn sau khi giành 1 HCV, 3 HCB, 2 HCĐ tại giải vô địch Đông Nam Á diễn ra vào tháng 11 tại Thái Lan. Chủ tịch VTTF Nguyễn Xuân Vũ trao thưởng 150 triệu đồng và ông Ngô Duy Long, Thành viên Hội đồng Quản trị Công ty PT Bình Định cũng thưởng 50 triệu đồng cho thành tích của đội tuyển tại giải.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất