"Giọng hát Việt" sẽ tiếp tục “nóng”?

13/10/2012 13:31 GMT+7 | Truyền hình thực tế


(TT&VH) - 20h20 Chủ nhật tuần này 14/10, live show Giọng hát Việt lại tiếp tục sau nửa tháng tạm im ắng kể từ sau vụ nổi sóng liên quan đến Trần Lập - Bảo Anh. Chương trình sẽ diễn ra tại Nhà thi đấu Phan Đình Phùng, TP.HCM, truyền hình trực tiếp trên VTV3.

Live show lần này gồm 7 thí sinh của đội Hồ Ngọc Hà và 7 thí sinh của đội Đàm Vĩnh Hưng, trong đó có những cái tên được dư luận chú ý như: Tiêu Châu Như Quỳnh, Đồng Lan, Thái Trinh, Xuân Nghi, Bùi Anh Tuấn…

Giọng hát Việt được xem là chương trình truyền hình ca nhạc “hot” nhất hiện nay. Nó có bước khởi đầu khá ấn tượng, càng về sau Giọng hát Việt càng “hot”, nhưng là “hot” với những scandal như Phương Uyên sắp đặt kết quả, Trần Lập chọn Bảo Anh dù cô trình diễn kém. Trong lúc người xem  kỳ vọng cái “hot” từ một giọng ca làm chao đảo người nghe, tương tự như Uyên Linh của Vietnam Idol năm 2010 hoặc là một chương trình giải trí “sạch sẽ” và hấp dẫn.

Liệu Giọng hát Việt sẽ tiếp tục “hot”? Và “hot” bằng kiểu gì?

1. Sau quyết định “táo bạo” của Trần Lập khi chọn Bảo Anh và để 2 thí sinh hát hay hơn Bảo Anh phải dừng chân, ngay sau đó Trần Lập bị một số báo công kích và cộng đồng mạng “ném đá” tơi bời. Đó là sự việc nóng nhất của Giọng hát Việt sau live show gần đây nhất (30/9). Dư luận đoán già đoán non: do có sự sắp đặt của BTC, do Trần Lập có cảm tình riêng với Bảo Anh…

Trần Lập và Bảo Anh, 2 nhân vật tạo sức nóng cho live show Giọng hát Việt gần đây nhất

Tuy nhiên, cội nguồn của sự việc này có lẽ là từ fomat của chương trình, đó là cái “quyền” dành cho chỉ một huấn luyện viên. Khác với việc một số vòng chung kết các chương trình truyền hình thực tế ca nhạc là do khán giả bình chọn hoặc tập thể ban giám khảo quyết định. Việc một huấn luyện viên có quyền đưa ra quyết định chọn ai, loại bỏ ai có mặt trái của nó là đôi lúc mang nó đầy cảm tính nên thiếu sự công bằng. Hoặc họ chọn là do tin tưởng thí sinh đó có thể tỏa sáng vào những vòng sau, chỉ là do thí sinh bị sơ sẩy biểu diễn không hiệu quả, chọn bài không phù hợp... Điều này cũng có cái dở là sự tranh đua trên sân khấu không còn ý nghĩa. Nghĩa là dù đêm đó thí sinh A biểu diễn hay hơn thí sinh B nhưng vẫn có thể không được huấn luyện viên chọn. Cũng có thể điều này là chủ ý của format The Voice.

Thực tế nếu live show gần đây nhất mà không có “sự kiện” Trần Lập - Bảo Anh thì Giọng hát Việt không đình đám như thế.

2. Có vẻ như format The Voice đang đi theo quy trình “ngược”, những vòng sau không kịch tính bằng những vòng trước. Ở Vòng giấu mặt, ngoài sự mới lạ của hình thức sân khấu, của những chiếc ghế, đến cái chuông cho huấn luyện viên đều hấp dẫn, bắt mắt… thì việc huấn luyện viên tranh nhau thuyết phục thí sinh về đội mình, giây phút ngập ngừng của thí sinh khi có đến 4 huấn luyện viên chọn… Nhất là tình tiết huấn luyện viên bấm chuông chọn thí sinh khi đang ngồi quay lưng với thí sinh, rồi quay lại ngỡ ngàng vì thí sinh… quá đẹp. Tất cả những điều đó làm cho chương trình hấp dẫn, đầy tính giải trí.

Nhưng đến Vòng đối đầu thì không còn như thế nữa, sự “ồn ào” của Giọng hát Việt là những phản ứng của người xem và một số nghệ sĩ về việc gào thét của thí sinh, về việc “phi nghệ thuật” của “võ đài” ca hát.

Đến Vòng live show thì Giọng hát Việt càng nhạt nhòa hơn. Phần nhận xét của các huấn luyện viên trở nên nhàm chán. Có huấn luyện viên biểu hiện sự đuối sức của mình với những nhận xét dài dòng, vòng vo để MC phải nhắc nhở, hoặc phải nói rõ: “tôi là người điều tiết chương trình” nhằm chấm dứt phần “phiêu linh” của huấn luyện viên mà điển hình là trường hợp của Trần Lập và Thu Minh.

Còn đến 10 live show nữa chương trình mới kết thúc, liệu các huấn luyện viên sẽ xoay trở thế nào để góp phần vào sự hấp dẫn của chương trình?

Các huấn luyện viên Giọng hát Việt cũng không thoát được tình cảnh của các giám khảo các chương trình thi thố âm nhạc khác trên truyền hình: tâng bốc thí sinh quá đà. Người xem cứ ngỡ như thiên tài âm nhạc đang ào ạt xuất hiện. Nhưng thực tế lại khá “phũ phàng”, bởi chỉ vài tuần sau đó, giọng ca được huấn luyện viên mệnh danh là “Taylor Swift Việt Nam” đã cho người xem đài thấy đó là một giọng ca quá bình thường và biểu diễn… hơi kém. Trả lời câu hỏi của TT&VH: “…Các huấn luyện viên dường như dành quá nhiều lời nhận xét “có cánh” dành cho Bảo Anh, như khi so sánh với Taylor Swift…”. Có lẽ độc giả sẽ sốc khi huấn luyện viên Trần Lập cho rằng: “đó chỉ là câu nói đùa”.

Có người thích Giọng hát Việt, nhưng cũng không ít người “ném đá” trên các diễn đàn. Tuy nhiên, một nghịch cảnh là Giọng hát Việt rating vẫn cao, giá quảng cáo ngày càng tăng. Hình như mọi người vẫn tò mò muốn xem, xem cả những cái mà nhiều người chê và phản ứng. Phải chăng đó là thành công của một format chương trình giải trí trên truyền hình?

Hải Long

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm