Chuyện dài FIFA: Platini đã cảm thấy chán nản

15/06/2011 05:56 GMT+7 | Hành tinh bóng đá

(TT&VH Cuối tuần) - Trên tinh thần thỏa hiệp để bảo toàn tổ chức của mình, FIFA đã vượt qua một cơn sóng gió khốc liệt, mà vị Phó Chủ tịch đang bị treo chức của cơ quan này là Jack Warner đã ví như một trận sóng thần tràn qua bóng đá thế giới. Cho dù đã manh nha một hai ý đồ cải tổ, tổ chức này vẫn còn cách rất xa những tiêu chí của dân chủ và minh bạch. Mới đây, một trong những niềm hy vọng lớn là Michel Platini cũng đã tỏ ra chán nản.

Chủ tịch UEFA Platini - Ảnh Getty

Ngay khi Sepp Blatter có thắng lợi áp đảo để giữ chức Chủ tịch FIFA thêm một nhiệm kỳ 4 năm nữa, kéo dài triều đại của mình ở cơ quan đầu não của bóng đá thế giới lên đến 17 năm, dư luận hầu như đều thống nhất rằng, niềm hy vọng thực sự của tổ chức này mang tên Platini. Đó là một cầu thủ nổi tiếng, một chính khách tài ba, đại diện cho một khu vực bóng đá mạnh mẽ, giàu tiềm năng, lại gắn bó với những đất nước có nền kinh tế hiện đại và thể chế xã hội dân chủ, ổn định. Hoàn cảnh ấy và con người ấy có thể thực sự cùng FIFA tạo nên một hình ảnh mới về bản chất, chứ không phải chỉ là những đối phó còn mang tính nhất thời.

Không phải chỉ là Blatter hay một số quan chức bóng đá cấp cao vừa bị tố cáo tham nhũng là có lỗi, nguyên nhân chính tạo ra hình ảnh chưa đẹp của FIFA nằm chính trong thể chế, cấu trúc và nhân sự của tổ chức này. Thứ nhất, FIFA là một tổ chức hầu như khép kín, không cho phép có sự can thiệp của những luật lệ và công cụ vốn hiệu quả trong việc quản lý và điều hành xã hội. Thứ hai, mặc dù quyền to, tiền nhiều, bộ máy quản lý của FIFA lại yếu ớt và lỏng lẻo đến mức đáng ngạc nhiên. Thứ ba, nhân sự của FIFA, nhất là trong nhiều vị trí then chốt, chưa gây nên sự tin tưởng về tài năng và bản lĩnh. Hậu quả của những khiếm khuyết này là sự thiếu minh bạch trong hoạt động của FIFA và sự không dân chủ trong điều hành FIFA.

FIFA mới chỉ đưa ra một giải pháp mới: Bầu chọn nước đăng cai World Cup tại Hội nghị toàn thể, chứ không trao quyền cho ExCo trong lĩnh vực này. Điều đó không có gì là mới, và chính là điều mà ông Chủ tịch Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) Jacques Rogge đã đề nghị theo kinh nghiệm của bản thân phong trào Olympic. Sau bê bối về quyền đăng cai Thế vận hội năm 1988 tại Salt-Lake City, IOC cũng bị tố cáo tham nhũng trong mua bán phiếu bầu, sau đó đã lập tức thay đổi quy tắc bầu chọn và thoát khỏi khủng hoảng. Việc FIFA dự tính lập ủy ban điều tra, hay mời các chuyên viên cao cấp... chỉ là phần giải quyết hậu quả, chứ không đáp ứng nhu cầu thay đổi trong cương lĩnh và phương thức hành động.

Trong lĩnh vực này, UEFA đã đi trước một bước, và công lao của ông Chủ tịch Platini được ghi nhận. Cải cách của Platini nhằm vào 2 lĩnh vực: Thể thao (lịch thi đấu) và tài chính (quy tắc tiền bạc). Mục đích cuối cùng: Tăng vai trò quyết định của các CLB trong hoạt động thể thao, đồng thời làm lành mạnh hóa, minh bạch hóa vai trò và vị trí đồng tiền ngay từ các CLB. Một khi cấp cơ sở mạnh mẽ và đúng mực, thì những biến báo phía trên sẽ dần dần đi vào nền nếp. Ngoài ra, Platini cũng muốn giải trừ từng bước mâu thuẫn triền miên và ngày càng gay gắt giữa các CLB, nơi thực sự làm bóng đá, và các Liên đoàn quốc gia cũng như quốc tế, nơi thâu tóm mọi quyền lực trong điều hành, đến mức nhiều khi không còn biết lắng nghe.

Điều đáng lưu ý là sự nghiêm khắc của Platini trong lĩnh vực tài chính. Ông muốn có những biện pháp chế tài mạnh mẽ để không tiếp tục bùng nổ những món tiền khổng lồ dành cho việc mua và trả lương cầu thủ. Mục tiêu của UEFA là “đem lại cho bóng đá sự phát triển bền vững và sự trong sạch, hợp lý về mặt kinh tế”. Vào tháng 3/2011, nghiên cứu chỉ ra rằng, một nửa số các CLB bóng đá châu Âu đang lỗ về tài chính. Mùa bóng 2009/2010 con số âm này tăng thêm 1,2 tỷ euro, gần gấp đôi một năm trước đó. Có đáng lo ngại không, khi 700 CLB chịu món nợ tài chính lên đến 19 tỷ euro? Bóng đá vừa tiêu phí hoang toàng, vừa nợ như chúa chổm, lại vừa có rất nhiều những đồng tiền bất minh. Ông Karl-Heinz Rummenigge, Chủ tịch Hiệp hội các CLB châu Âu (ECA) đã than phiền: “Khẩu hiệu của FIFA là Fair-play, nhưng không thể fair-play, khi một CLB vừa gây thảm họa về kinh tế lại được tưởng thưởng bằng một cúp châu Âu”.

Platini hầu như đã thuyết phục được tất cả mọi người, rằng bóng đá không phải chỉ để thỏa mãn khát vọng của một số ông chủ. Ông còn chỉ ra đích danh, trong số 32 đội vào vòng chính Champions League mùa 2010/2011 có tới 11 CLB không thực hiện đúng tiêu chí fair-play về mặt tài chính, khi chi tiêu tùy tiện vượt quá khả năng tiền bạc thực sự của mình. Hơn nữa, UEFA không đơn độc: Một Ủy ban kiểm soát độc lập của châu Âu dưới quyền cựu Thủ tướng Bỉ, ông Jean-Luc Dehaenen, đang giúp các CLB thoát ra khỏi vòng xoáy của những yêu cầu ngất ngưởng về chuyển nhượng và lương bổng cầu thủ.

Platini đang thực hiện những cuộc cách mạng bóng đá ở châu Âu trong môi trường đó. Sau cuộc bầu chức Chủ tịch FIFA ngày 01/06/2011 vừa qua, Platini đã từ chối bàn về chuyện kế nhiệm ông Blatter. Nguyên nhân cũng đơn giản: Platini nhìn thấy rõ ràng sự khác biệt quá lớn trong môi trường làm việc ở FIFA. Ông cho rằng, đấy không phải là “đất” của ông, và ông muốn hoàn toàn tập trung vào UEFA. Lãnh đạo FIFA hoàn toàn khác với lãnh đạo UEFA. Những thành viên làm việc trong UEFA có nhiều điểm tương đồng, nhiều gắn kết hữu cơ về lịch sử, văn hóa, lại cùng làm việc trong một nền tảng pháp luật. Trái lại, trong FIFA có vô vàn những góc nhìn khác nhau, nhưng dòng chảy khác nhau, và người ta luôn luôn phải tìm cách thỏa hiệp. Cho đến nay, sau khi đã tìm cách gắn kết bóng đá với chính trị, Platini có sự hậu thuẫn của EU và mối quan hệ tốt với các Bộ trưởng Thể thao ở hầu hết các quốc gia. Nhưng ở FIFA, Blatter lại tạo ra bầu không khí trái ngược trong những quan hệ tương tự.

Platini không chuyển lên FIFA, hay nói khác đi: Nếu ông có lên FIFA thì tất cả sẽ là rất khác ?

Vũ Chí Anh

Ngày 26/01/2007, Michel Platini đã đắc cử chức Chủ tịch UEFA sau cuộc họp Ban chấp hành Liên đoàn bóng đá châu Âu, tổ chức tại thành phố Dusseldorf (Đức). Michel Platini giành được 27 phiếu bầu, hơn 4 phiếu so với Chủ tịch đương nhiệm Lennart Johansson (có tổng cộng 52 phiếu, 2 phiếu trống). Tháng 3/2011, ông tái đắc cử chức Chủ tịch UEFA thêm một nhiệm kỳ nữa, sau khi không có đối thủ ở cuộc bỏ phiếu.


 





Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm