Ông Phạm Xuân Nguyên: Sẽ cố định giải “Thành tựu”

24/11/2010 10:54 GMT+7 | Đọc - Xem

(TT&VH) - “Thiếu kinh phí cho giải thưởng, đã có đề xuất rằng Hội Nhà văn Hà Nội nên đồng ý kết nạp một số doanh nghiệp làm “hội viên danh dự” để lấy tài trợ. Tất nhiên, ý tưởng này lập tức bị tập thể gạt đi” - nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, tân Chủ tịch của Hội Nhà văn Hà Nội, trao đổi cùng TT&VH.

Theo kết quả bầu cử được công bố sáng 23/11/2010, ông Nguyên trở thành Chủ tịch Hội nhiệm kỳ mới (2010 – 2015) với số phiếu giành được cao nhất trong số 6 gương mặt lọt vào BCH. Những người còn lại là các Phó Chủ tịch Dương Kiều Minh, Nguyễn Sĩ Đại và 3 ủy viên Bằng Việt, Nguyễn Việt Chiến, Bùi Việt Mỹ.

Thực tế, trong 5 năm qua, việc trao giải thưởng thường niên của Hội Nhà văn Hà Nội luôn là điều khiến dư luận quan tâm nhất ở tổ chức nghề nghiệp này. Về hướng tổ chức giải thưởng này trong những năm tới đây, tân Chủ tịch Phạm Xuân Nguyên cho biết:

- Phải thừa nhận, giải thưởng thường niên là “điểm sáng” để Hội Nhà văn Hà Nội được công chúng biết tới từ năm 2005. Nhiệm kỳ tới, chúng tôi tất nhiên tổ chức xét giải mô hình hiện có. Những thay đổi có thể chỉ áp dụng với giải Thành tựu hằng năm.


Chủ tịch Phạm Xuân Nguyên (thứ hai từ trái sang) và BCH mới của Hội Nhà văn Hà Nội

Xin nói lại một chút, giải Thành tựu ra đời từ thực tế đời sống văn học. Những năm qua, một vài tác giả đã xuất bản những tuyển tập tác phẩm mang tính “tổng kết”, được đúc rút từ những gì tiêu biểu nhất trong nghiệp viết. Dù không có trong quy chế xét thưởng của Hội, nhưng Hội đồng giám khảo đều nhất trí đặt ra giải thưởng Thành tựu để phù hợp với thực tiễn. Chắc chắn, những tuyển tập theo xu hướng này sẽ xuất hiện ngày một nhiều hơn. Bởi vậy, BCH khóa XI sẽ hoàn thiện thêm các tiêu chí cố định cho giải thưởng này và chính thức đưa vào quy chế xét giải hằng năm.  

* Cụ thể là?

- Trong 5 năm qua, giải Thành tựu mang ý nghĩa như sự vinh danh cho cả một đời cầm bút của nhà văn. Ngoài tài năng, tác giả nhận giải cũng là người chịu nhiều lận đận cay đắng trong nghiệp viết, đã mất hoặc đang sống ở những năm cuối đời. Đặt ra những tiêu chí cố định thế nào cho giải này, đó là điều mà chúng tôi phải bàn thảo nhiều.

Nhưng chắc chắn, vào mỗi năm, chúng tôi sẽ bỏ trống giải nếu không tìm được tác phẩm xứng đáng. Điển hình, 5 năm qua, giải Thành tựu cũng chỉ được trao cho tuyển tập của 3 tác giả Bằng Việt (2005), Trần Dần (2008), Lưu Quang Vũ (2010). Ngoài ra, tên gọi của giải thưởng này cũng cần thống nhất. Những năm trước, vì tính chất “phát sinh” nên có người gọi là giải Thành tựu, có người gọi là giải Trọn đời.

Từ năm 2005, Hội Nhà văn Hà Nội có một số thay đổi quan trọng trong việc xét giải: mỗi hạng mục (văn, thơ, phê bình, dịch thuật) chỉ xét tặng một giải duy nhất, toàn bộ Hội đồng giám khảo không được dự thi, mở rộng đối tượng trao giải tới những tác giả không sống ở Hà Nội nhưng có tác phẩm viết về Hà Nội. Theo lời ông Phạm Xuân Nguyên, người đưa ra những thay đổi này là nguyên Chủ tịch Hồ Anh Thái. Trước đó, như nhiều tổ chức văn hóa nghệ thuật khác, việc trao giải của Hội vẫn được tiến hành theo hình thức trao từng “chùm giải” gồm giải A, B, tặng thưởng cho mỗi nội dung xét thưởng.

* Nhưng nhìn vào 3 tuyển tập thơ được giải, có thể thấy giải Thành tựu rất khó được trao cho các hạng mục dịch thuật, phê bình hay văn xuôi?


- Quả thật, đội ngũ sáng tác có ưu thế hơn để xét tặng giải thưởng này so với người làm dịch thuật hoặc lý luận phê bình. Đó cũng là điều cần lưu ý để điều chỉnh. Nhưng xin nhắc lại là việc trao giải còn phụ thuộc rất nhiều vào thực tế văn học trong năm. Chẳng hạn năm 2006, có người thắc mắc tại sao cụ Tô Hoài không được trao giải Thành tựu, nhưng năm đó Hội lại đưa cuốn Ba người khác của cụ vào xét ở hạng mục Văn xuôi thì mới phù hợp.

* Hội đồng xét giải hằng năm của Hội bao gồm toàn bộ BCH cộng thêm 4 trưởng ban chuyên môn. Trong khi đó, BCH Hội năm nay gồm 5 nhà thơ, 1 nhà phê bình và đặc biệt không có nhà văn nữ nào. Liệu các tác giả nữ hoặc tác giả văn xuôi có thắc mắc khi xét giải?

- Xin nhớ, giải thưởng văn học chỉ phụ thuộc vào giá trị tự thân của tác phẩm. Thứ nhất, các nhà thơ và nhà phê bình không phải là bất lực trong việc thẩm định văn xuôi (cười). Thứ hai, vai trò của bốn trưởng ban bộ môn trong Hội Nhà văn (thơ, văn xuôi, dịch thuật, lý luận phê bình) có vai trò đặc biệt quan trọng khi xét giải.

* Xin cám ơn ông về cuộc trò chuyện này.

Cúc Đường (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm