Báu vật truyền đời từ đàn ong rừng

18/02/2024 17:30 GMT+7 | Văn hoá

Đối với hơn 30 hộ dân của xóm Hoài Khao, thuộc xã Quang Thành, cách thị trấn Nguyên Bình khoảng 20 km, cách trung tâm thành phố Cao Bằng 60km, việc thu hoạch sáp ong được xem như một lễ hội truyền thống thường niên. Sau nhiều lần đến với xóm Hoài Khao, tự mình trải nghiệm hành trình vượt dốc lên hang ong Khoái cùng đồng bào, nghệ sĩ Bằng Cao đã thực hiện bộ ảnh Báu vật truyền đời - sáp ong rừng, phản ánh nghệ thuật dùng sáp ong để in hoa văn trên trang phục của người Dao Tiền.

Bộ ảnh đã gây ấn tượng mạnh đối với người xem và đã vinh dự đoạt đạt giải Nhất, Giải thưởng Nhiếp ảnh Heritage - Hành trình Di sản lần thứ 9, năm 2023.

Báu vật truyền đời - sáp ong rừng

Lần đầu tiên đến với Hoài Khao của nghệ sĩ nhiếp ảnh Bằng Cao là vào năm 2020, khi nơi này còn thiếu điện thắp sáng, không có sóng điện thoại. Lúc ấy, anh muốn buông bỏ đằng sau cuộc sống náo nhiệt, xô bồ thường ngày để tìm về thiên nhiên.

Để có được những khoảnh khắc trong bộ ảnh Báu vật truyền đời - sáp ong rừng, Bằng Cao đã dành thời gian thực hiện từ năm 2020 đến năm 2022, thậm chí có lúc tưởng như không thể hoàn thành do đại dịch Covid-19 vào năm 2021 gây nhiều khó khăn.

Báu vật truyền đời từ đàn ong rừng - Ảnh 1.

Nhiếp ảnh gia Bằng Cao trong chuyến tác nghiệp chụp ảnh tổ ong Khoái

"Trước khi chụp bộ ảnh sáp ong rừng, tôi đã từng chụp những người dân tộc Dao Tiền in hoa văn trên vải bằng sáp ong, vậy nên có phần nào hiểu về văn hoá của người dân trên bản. Theo tôi biết, việc thu hoạch sáp ong rừng mỗi năm chỉ được thực hiện một lần, và không hề có ngày giờ thu hoạch cố định, vậy nên mọi sự chuẩn bị của tôi đều bị động, tranh thủ" - anh kể.

"May mắn là tôi có quen với một vài người dân tộc sau những lần lên đây. Nên khi nhận được tin vào buổi chiều rằng ngày mai dân làng sẽ bắt đầu vào rừng khai thác sáp ong rừng, ngay lập tức, tôi đã phải đi xuyên đêm để đến Hoài Khao cho kịp thời gian".

BÀI TẾT - Báu vật truyền đời từ đàn ong rừng - Ảnh 2.

Ong Khoái xây tổ trên các vách núi đá cheo leo có độ cao lên đến hàng chục mét

Dù không có thời gian nghỉ ngơi, phải di chuyển liên tục trên những đoạn đường núi dốc và hiểm trở trong đêm, nhưng khi đến được với bản Hoài Khao, được theo chân người dân bản vượt rừng vào hang ong Khoái để thu hoạch sáp ong, được cảm nhận sự hùng vĩ của thiên nhiên khi nhìn thấy những miếng sáp tổ ong được người dân lấy xuống từ những vách núi đá cheo leo có độ cao khoảng vài chục mét, hay chứng kiến từng công đoạn tỉ mỉ, đun nấu và cô đặc để tạo ra sáp ong nguyên chất… người nghệ sĩ nhiếp ảnh ấy đã khẳng định mọi sự cố gắng, mệt mỏi và công sức đều đáng giá!

BÀI TẾT - Báu vật truyền đời từ đàn ong rừng - Ảnh 3.

"Có vẻ như chủ đề của tôi là một chủ đề "vừa lạ vừa hiếm", trước nay ít người thực hiện. Thêm vào đó, tôi có cảm giác và nhận thức muốn mang đến cho mọi người những hình ảnh lạ mà sau này sẽ rất khó chụp lại" - anh tâm sự.

"Mối quan hệ" truyền đời với đàn ong Khoái

Từ xưa đến nay, đời sống văn hoá tâm linh của người dân tộc Dao Tiền đã luôn gắn liền với sáp ong rừng (ong Khoái), bởi đây chính là nguyên liệu để họ tạo nên những hoa văn trên các bộ trang phục truyền thống.

BÀI TẾT - Báu vật truyền đời từ đàn ong rừng - Ảnh 2.

Phụ nữ dân tộc Dao Tiền thu hoạch các tổ sáp ong để mang về xóm. Ảnh: Bằng Cao

Chính vì vậy, người dân nơi đây luôn một lòng tôn thờ loài ong này, hàng năm đều thờ cúng để mùa Xuân ấm áp cho ong Khoái trở về hang làm tổ, mang theo may mắn và phù hộ cho cả xóm được bình an, cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Người dân ở đây thu hoạch sáp ong trực tiếp ở 2 hang là Chán Vềnh và Tà Lạt, nơi mùa Xuân ong về làm tổ và mùa Thu lại bay đi đâu chẳng ai biết. Cả xóm phải chờ đến khi ong bay đi hết, ở tổ không còn ong hay một chút mật nào mới bắt đầu chuẩn bị để thu hoạch sáp ong. Bởi lẽ nếu lấy cả mật, thì từ sau ong Khoái sẽ không quay lại nữa. Đây cũng là lý do chính vì sao người dân tộc Dao Tiền không muốn cho người lạ tới gần hang ong Khoái và luôn bảo vệ chặt chẽ hết mức.

Ngoài ra, sự nguy hiểm của loài ong này cũng là điều khiến người dân luôn phải cảnh báo mỗi khi có người lạ đến xóm Hoài Khao.

BÀI TẾT - Báu vật truyền đời từ đàn ong rừng - Ảnh 3.

Đối với hơn 30 hộ dân của xóm Hoài Khao, việc thu hoạch sáp ong được xem như một lễ hội truyền thống thường niên, trở thành bản sắc dân tộc của người dân nơi đây.

Trong không khi đầm ấm, vui vẻ, xóm trưởng sẽ là người đứng ra phân chia công việc, từ những việc hậu cần kéo dài 2 - 3 ngày để mỗi nhà góp một ít thực phẩm cho cả xóm sinh hoạt tập thể ở nhà văn hoá, cho đến chia từng nhóm vào núi thu hoạch, vận chuyển sáp ong về đun nấu…

Là một người con của xóm Hoài Khao, chị Lý Thị Hường (45 tuổi) chia sẻ, thường vào tháng 6 Âm lịch, ong Khoái bay đi hết, một thầy mo uy tín được mời xem ngày tốt để làm lễ cúng thần rừng, thần núi, thần ong. Những nghi lễ truyền thống từ xa xưa mang ý nghĩa cầu mong các vị thần phù hộ cho việc lấy sáp ong thuận lợi, để năm sau đàn ong lại tiếp tục trở về làm tổ. Lễ cúng sẽ được tiến hành đồng thời từ lúc bắt đầu chọc tổ ong cho đến khi công việc thu hoạch kết thúc.

BÀI TẾT - Báu vật truyền đời từ đàn ong rừng - Ảnh 4.

Khi được vận chuyển bằng sức người từ trên hang về, người dân sẽ dùng tới 3 chiếc chảo trâu, 2 chiếc dùng để đun và chiếc còn lại dùng để hứng nước sáp ong.

Ở bước đầu tiên, sáp ong đã thu hoạch sẽ được cho vào 2 chảo nước sôi, từ đó sáp ong nguyên chất sẽ tan dần khỏi tổ, hòa vào nước đang sôi trông như những vết dầu loang trên mặt nước. Khi đã loại bỏ tạp chất của sáp ong thô, người dân lại tiếp tục đổ nước lạnh vào chảo. Sáp ong gặp nước lạnh dần kết tinh tạo thành từng vỉa vàng óng nổi trên mặt nước, và sáp ong nguyên chất đó sẽ được người dân vớt ra ngoài, dùng tay bóp cho ra hết nước rồi cho vào bao tải.

Công đoạn cuối cùng chính là cô đặc sáp ong thành khối nguyên chất. Lúc này, những vỉa sáp ong đã bóp khô trước đó một lần nữa được rửa sạch, loại bỏ hết tạp chất mới được cho vào chảo đun cho cô đặc lại thành khối, đảm bảo độ mềm, mịn để khi in trên vải đạt đủ độ bám dính, có thể bảo quản và sử dụng dần qua nhiều năm.

Báu vật truyền đời từ đàn ong rừng - Ảnh 5.

Công đoạn đun nấu và cô đặc sáp ong đầy tỉ mỉ của người Dao Tiền. Ảnh: Bằng Cao

Theo chị Hường, năm nào thu hoạch được nhiều, mỗi nhà có thể được chia tới 2kg sáp ong tinh khiết mang về, năm nào ít chỉ được khoảng 1kg: "Với những người đã quen tay, có kinh nghiệm lâu năm, 1kg sáp ong có thể làm được tới 7-8 chiếc váy, nhưng với những người trẻ hơn thì chỉ làm được khoảng 5-6 chiếc thôi".

Cả xóm phải chờ đến khi ong bay đi hết, ở tổ không còn ong hay một chút mật nào mới bắt đầu chuẩn bị để thu hoạch sáp ong, bởi lẽ nếu lấy cả mật, thì từ sau ong Khoái sẽ không quay lại nữa.

Di sản văn hoá nằm trên đôi tay người phụ nữ

Tất cả phụ nữ Dao Tiền ở xóm Hoài Khao đều thành thạo kỹ thuật in hoa văn bằng sáp ong. Các bé gái sớm nhất là từ 10 tuổi, có muộn hơn cũng chỉ khoảng 12 tuổi đã được học và luyện tập vẽ sáp ong trên trang phục..

Báu vật truyền đời từ đàn ong rừng - Ảnh 6.

Việc in sáp ong trên vải đòi hỏi sự khéo léo của đôi bàn tay người phụ nữ. Ảnh: Bằng Cao

Đầu tiên, miếng vải trang phục màu trắng cần in hoa văn sẽ được lên mặt phẳng như phiến đá, mặt bàn... rồi dùng đá mài vải cho thật nhẵn và mịn. Sáp ong tinh khiết sau khi được chia nhỏ thành từng miếng để dùng dần sẽ được đặt vào bát, đun trên than hoa và giữ mức lửa nhỏ nhằm duy trì độ nóng để sáp ăn vải và rõ nét các hoa văn.

Tuỳ theo các mẫu họa tiết định sẵn ở chân váy hay cổ áo, cổ tay, người phụ nữ sẽ dùng các dụng cụ chấm vào sáp ong rồi in hoa văn lên mặt vải. "Các công đoạn đó không tốn quá nhiều thời gian, với những người phụ nữ có nhiều kinh nghiệm, có khi chỉ mất 1 ngày là đã được một chiếc váy" - chị Hường cho biết.

BÀI TẾT - Báu vật truyền đời từ đàn ong rừng - Ảnh 10.

Sau khi sáp ong khô, tấm vải sẽ được đem đi nhuộm chàm, đây cũng chính là công đoạn tốn sức và thời gian bậc nhất. Mỗi một bộ trang phục cần gần 1 tháng để hoàn thiện, cứ nhuộm chàm xong lại phơi khô, rồi lại nhuộm (khoảng 15 - 20 lần). Vào ngày nắng sẽ nhuộm được 2 lần còn những ngày âm u đôi khi chỉ nhuộm được 1 lần. Nếu chẳng may mưa gió, tấm vải mãi chẳng khô, thì lần nhuộm lại sẽ phải chờ đến tận ngày hôm sau.

Cuối cùng, tấm vải được nhuộm xong sẽ được đi ngâm vào nước nóng cho tan hết sáp ong, từ đó để lại những hoa văn màu trắng ngà hiện lên rõ nét trên nền chàm.

Những bộ trang phục truyền thống của phụ nữ Dao Tiền tựa như những tác phẩm nghệ thuật thủ công với nhiều hoa văn tinh tế và lộng lẫy, giàu tính thẩm mỹ với hình cỏ cây, hoa lá, sóng nước, muông thú… Thường các bộ trang phục cầu kỳ sẽ được thiếu nữ người Dao Tiền diện trong các dịp lễ hội, ngày cưới xin... hay được thầy mo mặc trong các dịp thờ cúng.

Sự phát triển của du lịch và những lo lắng về tương lai

Sau khi đoạt giải nhất tại Giải thưởng Nhiếp ảnh Heritage – Hành trình di sản lần thứ 9, nghệ sĩ nhiếp ảnh Bằng Cao đã tiếp tục quay trở lại với xóm làng của người dân Hoài Khao, tiếp tục giữ vững tâm nguyện đến với bà con, lưu giữ lại những hình ảnh quý giá. Và chính anh cũng đã cảm nhận được những sự thay đổi rõ rệt ở nơi này!

Trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 1 từ năm 2021 đến 2025, và giai đoạn 2 đến năm 2030, xóm Hoài Khao được chọn để đầu tư phát triển du lịch cộng đồng nhằm thu hút đông đảo khách du lịch đến đây.

BÀI TẾT - Báu vật truyền đời từ đàn ong rừng - Ảnh 11.

Nhiếp ảnh gia Bằng Cao cùng bà con

Khi giới thiệu về trang phục truyền thống của dân tộc mình, chị Lý Thị Hường hạnh phúc nói: "Rất mừng vì mình có cơ hội được mang chiếc váy do chính tay phụ nữ Dao Tiền thực hiện đến với mọi người. Mong rằng sẽ có thêm nhiều khách du lịch hơn nữa đến với quê hương, đến với xóm Hoài Khao của mình để trải nghiệm truyền thông văn hoá của người dân tộc Dao Tiền".

Quả thật so với những năm trước, cuộc sống của người Dao Tiền đã có nhiều sự thay đổi. Đường đất thay thế bằng đường bê tông, nhiều nhà dân được xây dựng thành homestay cho khách du lịch, sóng điện thoại, mạng internet đã được kết nối nhanh… Tất cả mọi thứ dần cải thiện cuộc sống vốn nghèo khó của hơn 30 hộ dân nơi này.

Vậy nhưng, bên cạnh sự ảnh hưởng của xã hội hiện đại, những gì thuộc về thiên nhiên lại khó bền vững.

"Trong lần trở lại này, tôi cảm nhận thấy số lượng tổ ong trong các hang đã ít hơn so với 2 lần trước đó, lượng sáp ong cũng giảm, không còn được như cũ" - nghệ sĩ nhiếp ảnh Bằng Cao nhận định.

Sáp ong rừng vốn là một trong những "món quà" mà thiên nhiên bạn tặng, được xem là "báu vật truyền đời" dành cho con người, nhưng nếu không được chú ý giữ gìn và bảo tồn thì đến một ngày nào đó sẽ không thể còn nữa. Không có gì là mãi mãi, nhất là sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của xã hội hiện đại khiến những điều thuộc về truyền thống đang dần phai mờ.

Vài nét về ong Khoái hay ong mật khổng lồ

Ong Khoái có tên khoa học là Apis Dorsata, còn được gọi với cái tên Ong mật khổng lồ. Với chiều dài lên tới 17-20mm, ong Khoái thường xây các tổ mở treo dưới cành cây lớn hoặc dưới vách đá, đôi khi trên các tòa nhà. Mỗi tổ ong Khoái có thể có tới 100.000 con và khoảng cách giữa các tổ chỉ cách nhau vài centimet.

Loài ong này nổi tiếng với đặc tính hung hãn, được mô tả là một trong những động vật nguy hiểm nhất của rừng rậm Đông Nam Á do hành vi phòng thủ hung dữ của chúng, thậm chí hơn cả ong mật châu Phi.

Quỳnh Trang. Ảnh: Bằng Cao

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm