Suy ngẫm nhân câu chuyện của bầu Kiên

10/09/2011 13:30 GMT+7 | Diễn đàn bóng đá

(TT&VH) -Phát biểu của ông Nguyễn Đức Kiên, Chủ tịch CLB HN.ACB, tại lễ tổng kết mùa giải 2011 đã trở thành chủ đề nóng vào loại nhất về chính giải này trên những cơ quan báo chí VN về thể thao, nóng hơn và hấp dẫn hơn chính giải đấu được coi là “hấp dẫn nhất ở VN” này.

Cũng từ phát biểu của ông Kiên, mà những người quan tâm nhận ra thêm là VFF đã đánh giá “giải thành công hơn” cho dù “số lượng người đến sân đã giảm so với năm trước”, có lẽ đây mới là chuyện hài hước lớn nhất, bởi xưa nay chúng ta có lẽ đều hiểu, bóng đá là sản phẩm giải trí vốn được nhiều người VN quan tâm mua. Khi người mua quay lưng lại, giảm đi, thì không thể nói việc kinh doanh sản phẩm đó là thành công.

Thụt lùi 30 năm

Thể thao vốn mang 2 chức năng chính, là rèn luyện thể lực và giải trí. Đối với bóng đá, 2 chức năng này đều quan trọng như nhau, do vậy, phần quan trọng của bóng đá chính là những người xem, bởi vì khi nào đội bóng còn có người xem thì nó còn tồn tại, hết người xem thì bóng đá chỉ còn là trò tập thể dục thuần tuý của cầu thủ 2 đội.

Nhưng năm 70 hay 80, tức là 30 năm trước, hầu hết cả nước đều có cơ sở vật chất rất kém, ngay cả một dàn đèn cho tử tế cũng không có nổi, nhưng mỗi khi có trận đấu bóng đã vào cuối tuần, hầu hết các SVĐ đều đông nghịt người xem. Thậm chí những trận đấu quan trọng, những trận hấp dẫn kiểu như CAHN gặp Thể Công, kiếm được cái vé đi xem là khó. Cầu thủ nào nổi lên đều được những người xem bóng đá biết tên biết mặt, cho dù hồi đó, truyền thông gần như không có được sự tiện dụng như bây giờ.


Bầu Kiên đã làm xôn xao bóng đá VN mấy ngày vừa qua

Bây giờ thì sao? Bóng đá VN rộn ràng nhất là chuyện tiền, nhưng đều là những câu chuyện tiền bạc ngắn hạn. Người ta nói chuyện cầu thủ được trả bao nhiêu, đội bóng chi bao nhiêu tiền, nhưng nếu chia số tiền ấy cho số người thật sự xem đội bóng đá, hẳn là chi phí để một người xem vào sân phải đứng đâu đó trong top 10 của thế giới.

Có lần người viết nói với một người quen ở VFF là chúng ta vẫn chưa hề có đội bóng đá chuyên nghiệp, anh ấy cười mỉa, nêu chuyện có từng này từng kia ông đầu tư vào đội bóng. Nhưng anh ấy quên rằng, người ta đều làm bóng đá vì những lý do rất khác, ví dụ để kiếm đất, ví dụ để tranh thủ tình cảm của lãnh đạo địa phương, vì những chuyện trời ơi nào đó, trong khi, ví dụ như ở Hà Nội, nên nhận định chính xác là chẳng còn đội bóng nào tồn tại, vì làm gì có CĐV…

Hãy nhìn vào khán đài trong những trận đấu của V-League, để thấy bóng đá đang thật sự lạc lõng, ngoại trừ vài đội bóng địa phương như Nghệ An, Hải Phòng, Đà Nẵng,…còn có những người hâm mộ, hãy xem liệu các đội bóng ở Hà Nội và TP.HCM chẳng hạn, có ai là người hâm mộ thật sự của những đội bóng ấy không?

Ở khía cạnh là hoạt động giải trí có tính xã hội cao, bóng đá VN đã thụt lùi rất rất xa so với vài ba chục năm trước.

Cho nên cú “nổ” của bầu Kiên hôm 8/9 là một chuyện đương nhiên, khi mà các đội bóng chỉ nằm trong tay một vài người, và VFF cũng không cần phải quan tâm đến công chúng.

Trả bóng đá lại cho xã hội

Đội bóng Hoà Phát có thể dễ dàng giải thể vì nó không có ai là CĐV, vì việc nó giải thể hay không chẳng liên quan gì đến người dân nơi nó hoạt động. Nếu nó chỉ cần có độ 10 nghìn CĐV, tất nhiên Chủ tịch CLB sẽ phải suy nghĩ nhiều khi định “làm gì” với nó. Cho nên, khi VFF định hướng bóng đá chuyên nghiệp đi theo hướng các đội bóng không còn chút truyền thống nào để hướng đến, không có CĐV để phục vụ, chỉ còn biết đến tiền, thì VFF cũng cần sẵn sàng chuẩn bị cho những câu chuyện như Hoà Phát hay những bài phát biểu của bầu Kiên. Cá nhân người viết thậm chí còn thấy việc Hoà Phát giải tán đội bóng là rất tốt, để tránh sự lãng phí của xã hội cho những hoạt động không mang lại lợi ích gì cho công chúng.

Giờ cũng là lúc VFF và các CLB, những doanh nhân VN đang làm bóng đá theo kiểu chẳng giống ai trên thế giới này nên ngồi suy nghĩ lại, xem cái họ làm là nên hay không, và có nên phung phí tiền bạc theo cách ấy không. Hãy xem cách những người Anh chẳng hạn, làm bóng đá, khi họ thậm chí tìm cách thay đổi cả giờ đá bóng để có được nhiều người ái mộ hơn, và thông qua đó, mang lại nhiều tiền bạc thật sự cho bóng đá hơn thông qua truyền hình và khai thác danh tiếng của các CLB.

Cũng đã đến lúc nên trả bóng đá lại cho xã hội, cho những người làm kinh doanh bóng đá thật sự, tức là đầu tư vào bóng đá để mang lại sản phẩm giải trí cho xã hội, và điều này nên được thực hiện bởi cả 2, VFF và những ông bà chủ các CLB đang làm méo mó, dị dạng nền bóng đá VN.

Phạm Vũ

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm