Tết đoan ngọ: Đồ cúng đặc sản lên ngôi

18/06/2018 11:09 GMT+7 | Bạn cần biết

(Thethaovanhoa.vn) - Tết Đoan Ngọ (tức mùng 5 tháng 5 Âm lịch) là một trong những ngày Tết truyền thống lớn trong năm của người Việt, nên người dân có phong tục sắm đủ mâm lễ hương hoa, bánh, trái cây… Theo đó, vào dịp này các mặt hàng thực phẩm đặc sản được bán buôn sôi động như cơm rượu, nếp cẩm, xôi vò, bánh ú lá tre, trái cây các loại…

Ghi nhận tại thị trường Tp. Hồ Chí Minh, ngay từ sáng sớm ngày 18/6, mặt hàng bánh ú lá tre đã được bày bán phổ biến tại các chợ truyền thống, hệ thống siêu thị cũng như các tuyến đường chính trên địa bàn thành phố. Với nguồn cung dồi dào, chủng loại đa dạng, mặt hàng bánh ú lá tre được bán giá sỉ và lẻ khác nhau.

Đơn cử, tại chợ Bà Chiểu, quận Bình Thạnh, mặt hàng bánh ú lá tre loại không có nhân có giá bán từ 20.000 đồng – 25.000 đồng/10 cái; loại có nhân 40.000 đồng – 60.000 đồng/10 cái. Riêng mặt hàng bánh ú lá tre có nhân phong phú như đậu xanh, đậu phộng, sầu riêng… có giá dao động từ 80.000 đồng – 120.000 đồng/10 cái.

Chú thích ảnh
Khách hàng mua bánh ú tro tại chợ Đống Đa. Ảnh: Đinh Văn Nhiều-TTXVN

Chị Thanh Ngân, tiểu thương chợ Tân Định, quận 1 cho biết, trong dịp Tết Đoan Ngọ 2018, dự báo sức mua sẽ tăng so với ngày thường, do đó đã chuẩn bị nguồn cung các mặt hàng cơm rượu, nếp cẩm, xôi vò… từ trước Tết và tăng cả sản lượng. Trong dịp Tết này, người dân không chỉ có nhu cầu sắm mâm lễ hương hoa, mà còn có xu hướng mua số lượng lớn để biếu, tặng và thiết đãi nhân viên, người lao động tại các công ty.

Hàng năm, cứ vào dịp Tết Đoan Ngọ cũng là thời điểm các mặt hàng trái cây đặc sản vào mùa chính vụ và được phân phối nhộn nhịp về thị trường Tp. Hồ Chí Minh tiêu thụ. Chính vì vậy, người tiêu dùng thành phố có rất nhiều sự lựa chọn cũng như cơ hội thưởng thức những loại trái cây ở nhiều vùng miền trên cả nước.

Cụ thể, tại các hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op, LOTTE Mart, Big C… người tiêu dùng có thể mua vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang) và Thanh Hà (Hải Dương) với nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và đạt tiêu chuẩn chất lượng. Hay mặt hàng sầu riêng 6 Ri, măng cụt Lái Thiêu, bơ Đắc Lắk… cũng đã được cung ứng về thị trường thành phố để kịp phục vụ dịp Tết Đoan Ngọ 2018.

Chú thích ảnh
Khách hàng mua xôi, chè tại chợ Đống Đa. Ảnh: Đinh Văn Nhiều-TTXVN

Ông Văn Tuấn, chủ cửa hàng trái cây đặc sản trên đường Phan Đăng Lưu, quận Phú Nhuận, cho hay, đối với mặt hàng sầu riêng năm nay có nguồn cung khá dồi dào và giá không tăng đáng kể. Cụ thể, sầu riêng 6 Ri loại 1 có giá dao động từ 90.000 đồng – 100.000 đồng/kg; sầu riêng chuồng bò 110.000 đồng – 120.000 đồng/kg; măng cụt Lái Thiêu 80.000 đồng – 120.000 đồng/kg; chôm chôm nhãn 30.000 đồng – 40.000 đồng/kg…

Đồng thời, tùy theo kích cỡ và dịch vụ hậu mãi như đổi trả khi sản phẩm hư hỏng, bao ăn với 1 đổi 1… thì mặt hàng sầu riêng có giá chênh lệch khác nhau. Đặc biệt, năm nay giá sầu riêng chuồng bò do bước đầu xuất khẩu và ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng do mềm cơm, hương vị béo… nên có giá bán rất cạnh tranh trên thị trường nội địa.

Ngoài các mặt hàng thực phẩm đặc sản, những mặt hàng hoa tươi cắt cành cũng đắt hàng trong dịp Tết Đoan Ngọ 2018. Mặc dù vậy, giá nhiều loại hoa cắt cành vẫn được bán khá ổn định, dao động ở mức từ 25.000 đồng – 60.000 đồng/bó, tùy chủng loại. Đặc biệt, vào dịp Tết Đoan Ngọ, người việt có tục mua các loại lá và bó lại để treo trước cổng nhà nhằm “diệt sâu bọ” và cầu may mắn, bình an. Do đó, để đáp ứng nhu cầu và mang lại sự tiện lợi cho người tiêu dùng, các đơn vị kinh doanh có xu hướng bán những bó lá đã gói sẵn với giá từ 12.000 đồng – 25.000 đồng/bó.

Mặt khác, Tết Đoan Ngọ năm nay rơi vào dịp đầu tuần, nên bên cạnh các dịch vụ giao hàng tận nơi, một số đơn vị kinh doanh cũng mở dịch vụ nhận và giao mâm cúng Tết Đoan Ngọ 2018 theo yêu cầu, với giá từ 1,5 triệu đến 5 triệu đồng/mâm. Tùy vào mức chi phí mà một mâm cúng sẽ bao gồm số lượng và chủng loại vật phẩm khác nhau, nhưng nhìn chung cơ bản đảm bảo các vật phẩm truyền thống. Riêng một số gia đình có điều kiện kinh tế, còn thêm vào mâm cúng sản phẩm lợn quay, vịt quay, gà luộc…

Tết Đoan ngọ của người Việt có khác người Tàu, nguồn gốc và các tục lệ?

Tết Đoan ngọ của người Việt có khác người Tàu, nguồn gốc và các tục lệ?

Hằng năm, cứ đến mồng 5 tháng 5 (âm lịch), dân ta lại tổ chức ăn Tết Đoan ngọ. Về nguồn gốc của Tết Đoan ngọ, đến nay nhiều người vẫn cho rằng có xuất xứ từ Trung Quốc. Tuy nhiên, căn cứ vào một số công trình nghiên cứu văn hóa cho thấy, Tết Đoan ngọ của người Việt hiện nay lại có một nguồn gốc hoàn toàn khác…

TTXVN/Mỹ Phương

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm