Bài học 'đắng lòng' của triệu phú phá sản ở tuổi 60: Lúc giàu có thì bạn bè đông vui, khi trắng tay ngay cả vợ cũng bỏ mình đi

03/02/2023 23:00 GMT+7 | Văn hóa Giải trí 247

Cuộc sống không phải lúc nào cũng như ý muốn. Hôm nay, bạn là triệu phú nhưng ngày mai chỉ còn lại hai bàn tay trắng nhưng đi lên hay ngồi tại chỗ là lựa chọn của mỗi người.

Nếu con đường làm giàu của doanh nhân thành đạt không thể thiếu những bài học quý giá thì con đường từ triệu phú bị phá sản trở thành kẻ trắng tay cũng sẽ để lại rất nhiều kinh nghiệm xương máu.

Trên mạng xã hội quốc tế Quora có một chủ đề như sau: "Cảm giác của bạn sẽ như thế nào khi từ một người giàu có bỗng trở thành kẻ nghèo kiết xác?". Một vị doanh nhân người Mỹ từng là triệu phú USD đã sử dụng tài khoản ẩn danh để chia sẻ về biến cố của cuộc đời mình. Những quyết định kinh doanh sai lầm và hậu quả là công ty của ông bị phá sản.

Câu chuyện đã để lại nhiều bài học mà có lẽ ngay cả những bạn trẻ đang ôm khát vọng làm giàu cũng phải suy ngẫm.

Cuộc sống rơi từ đỉnh cao xuống vực thẳm

"Tôi từng có trong tay tất cả: du thuyền, hòn đảo tư nhân ở Caribe, căn hộ hạng sang ở Miami, biệt thự cao cấp hàng nghìn mét vuông, căn hộ penthouse, cả bộ sưu tập xe Porsche, vệ sĩ, trợ lý... Tôi vẫn cứ ngỡ đó chỉ là một giấc mơ. Nhưng tôi đã đánh mất tất cả. Ngân hàng đã hoàn thành thủ tục lấy đi tất cả tài sản của tôi chỉ trong vòng 3 tháng. Tôi phá sản, không còn sống trong căn biệt thự có phòng tập thể dục, không được nằm trên chiếc giường to lớn.

Đó là chuỗi cảm xúc không hề thoải mái. Tôi bắt đầu cuộc sống mới đầy khó khăn trong căn hộ nhỏ đi thuê, không tài xế, không người giúp việc và chiếc xe mua lại từ khoản vay ngân hàng. 

Tôi không chắc bản thân đã trải qua những ngày khó khăn đó như thế nào. Tôi từng có những người bạn cùng nhau đi du lịch, nghỉ dưỡng trên du thuyền và những bữa tiệc tùng xa xỉ ở câu lạc bộ VIP. Tuy nhiên, khi tin tức tôi bị phá sản lan truyền, xin lỗi, tôi không còn sở hữu bất kỳ điều gì, ngay cả bạn bè.


Hình minh họa. Ảnh: Nippon

Người ta có câu: "Khi bạn có tiền, bạn bè của bạn biết bạn là ai. Khi bạn không có tiền, bạn biết bạn bè của bạn là ai". Tôi phải quên đi cuộc sống giàu có trước kia để bắt đầu lại. Thực tế, tiền có thể mang lại hạnh phúc nhưng chỉ trong một khoảng thời gian ngắn".

Khi bạn điều hành doanh nghiệp rất lớn và phát triển các dự án liên quan đến hàng triệu USD thì chỉ cần một quyết định sai lầm cũng làm doanh nghiệp bị thâm hụt tài chính khủng khiếp. Người đàn ông ở tuổi xế chiều chua xót thừa nhận, sự chủ quan và tự phụ khiến ông trở thành kẻ thất bại. Ông đã ủy thác quá nhiều cho những người thiếu kinh nghiệm. Ông hối hận vì bản thân chểnh mảng khi điều hành doanh nghiệp, thoải mái giao phó cho nhân viên để tập trung vào tầm nhìn lớn hơn. Người nhân viên mắc sai lầm nghiêm trọng khiến công ty rơi vào bờ vực phá sản cũng chính là con trai cả của ông.

"Công ty phải trả 15 triệu USD tiền mặt trong khoảng thời gian rất ngắn trong khi có ít nhất 5 dự án giá trị hàng triệu USD khác đang vận hành. Sau đó, vợ tôi đòi ly hôn. Tôi mất một phần lớn giá trị ròng cho cuộc hôn nhân tan vỡ của mình.

Song song với tất cả điều này, danh tiếng của tôi thực sự bị ảnh hưởng. Các nhà đầu tư tức giận, nhiều người rút vốn đầu tư và bắt đầu trở mặt vì họ không muốn dính đến bê bối. Công ty không có nguồn vốn lưu động để hoàn thành dự án nên tôi buộc phải sử dụng tài sản riêng. Nhưng sau đó, các khoản vay ngân hàng ập đến. 

Khi đã chạm đáy, điều duy nhất có thể làm đó là đi lên

Bình luận dưới bài viết, một người dùng ẩn danh khác cũng chia sẻ sự đồng cảm và kể về cuộc đời ly kỳ của ông sau khi bị phá sản. Nhưng may mắn, bằng một nghị lực phi thường nào đó ông vẫn có thể đứng lên dù đã ở tuổi xế chiều.

"Cảm giác đó thật sự quá khủng khiếp. Khi ấy, tôi cũng 50 tuổi, vừa mới bán đi trạm rửa xe ăn nên làm ra giúp tôi kiếm được hơn triệu USD trong tài khoản, sở hữu ngôi nhà lớn, con cái được học trường tư nhân và hưởng thụ cuộc sống khá giả.

WashingCar.jpeg

Hình minh họa. Ảnh: Carwash Worker Center

Cậy thế làm ăn phát đạt, tôi chuyển hướng bán thiết bị rửa xe. Nhưng kinh doanh không thuận lợi, nhà sản xuất mà chúng tôi đại diện phân phối bị mất hợp đồng với đối tác lớn, làm hao hụt 1/3 doanh thu của công ty tôi. Oái oăm hơn, cơn bão Katrina kèm theo những cơn bão khác kéo đến liên tiếp và cuộc suy thoái kinh tế năm 2008 đã cuốn theo tất cả gia sản của tôi.

Khoảng thời gian đó cực kì khó khăn, tôi làm việc không hề có lương mà thậm chí còn phải sử dụng tiền cá nhân để vận hành công ty. Kiên quyết phải vượt qua bằng được, tôi đã dùng tất cả tiền nghỉ hưu của mình đổ vào công ty với hy vọng có thể xoay chuyển tình thế. Nhưng mọi nỗ lực trở nên vô ích, tôi bị phá sản và không có khả năng trả tiền thế chấp nhà cửa. Tôi phải bán nhà và đóng cửa công ty.

Không lâu sau đó tôi cũng phá sản trong chính cuộc hôn nhân của mình, người vợ 30 năm chung sống quyết tâm ly dị. Căng thẳng không thể chịu được và tôi đã suy nghĩ đến việc tự tử để chấm dứt tất cả rắc rối. Điều duy nhất ngăn cản ý định tìm đến cái chết là tôi đã từng chứng kiến cha tự kết liễu đời mình năm tôi 26 tuổi. Hơn ai hết, tôi hiểu nỗi đau đớn mà những người thân yêu của tôi sẽ phải gánh chịu vì hành động của mình.

Có thời điểm, tôi đã phải làm nhân viên sửa chữa thiết bị cho công ty xây dựng nho nhỏ, tiết kiệm từng tấm phiếu ăn và sống đơn độc một mình.

May mắn, tôi đã vượt qua được quãng thời gian tuyệt vọng đó vì tôi vẫn còn lại hai người bạn tri kỉ ở bên. Một người thường qua thăm hỏi và kéo tôi đi chơi trên chiếc xe mô tô để quên đi những phiền muộn. Còn người bạn khác thì cho tôi chuyển đến sống trọ cùng anh ta trong khi bắt đầu tìm kiếm việc làm mới.

Cuộc sống cứ trôi qua và mọi việc cũng dần khá lên. Vài năm sau, vợ và tôi quay lại với nhau. Chúng tôi chuyển đến bang Texas, và tôi kiếm được một công việc trong ngành mà mình từng tung hoành là xây dựng trạm rửa xe. Chúng tôi thuê được một căn nhà khá đẹp và gần đây đã có thể mua một chiếc xe cũ vẫn còn tốt. Mọi việc dần trở nên tốt đẹp hơn. Tôi yêu công việc của mình, và hy vọng sẽ có ngày trở về là một ông chủ sở hữu trạm rửa xe như trước đây.

Bài học thấm thía sau những vấp ngã

life-lessons-from-adversity-min.jpg

Hình minh họa. Ảnh: Everyday Power

- Không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời. Vận tốt sẽ không kéo dài và vận xấu cũng vậy.

- Hầu hết đối tác làm ăn, bạn bè chỉ ở bên bạn khi vận tốt đến. Đối tác có làm ăn chung đến hàng thập kỉ, trao đổi dự án kinh doanh hàng tỷ đô đi nữa thì cũng sẽ quay lưng lại khi tiền của bạn hết.

- Đừng bao giờ bỏ bê bản thân. Thể dục thể thao là cách tốt nhất để chống lại trầm cảm.

- Phải biết đối mặt sự thật. Biết khi nào mình đã trắng tay và chấp nhận. Nếu thất bại là chuyện sớm muộn thì cứ để cho nó xảy ra, không cố dã tràng xe cát làm gì.

- Đừng bao giờ dùng hết số tiền tiết kiệm dành cho hưu trí. Bản thân tôi đã lấy tiền đó để cứu vớt công ty để rồi bây giờ 60 tuổi vẫn phải đi làm thuê, tiết kiệm lại từ đầu.

- Cuối cùng, hãy nhớ, đừng bao giờ mất niềm tin vào bản thân!

Cô gái vô dụng nhất Nhật Bản – người sáng tạo ra thiết bị nâng ngực tự động, khẩu trang trả đúng khuôn hình: “Mọi người cho là vô dụng, nhưng tôi thấy vui là được!”

Thùy Anh (Theo Quora)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm