27/05/2025 10:38 GMT+7 | Văn hoá
Ngày 26/5, một phái đoàn khảo cổ Ai Cập thông báo đã phát hiện 3 lăng mộ có niên đại từ thời Tân Vương quốc, một trong những thời đại nổi tiếng nhất trong lịch sử Ai Cập cổ đại.
Các phát hiện này cung cấp cái nhìn sâu sắc về cuộc sống của các chức sắc từng phục vụ trong các đền cổ linh thiêng cũng như những người giữ chức vụ quản lý hành chính trong các triều đại Ai Cập cổ đại.
Theo phóng viên TTXVN tại Ai Cập, 3 lăng mộ trên được phát hiện trong quá trình khai quật nghĩa địa Dra Abul-Naga ở khu vực bờ Tây của thành phố Luxor. Tổng thư ký Hội đồng Cổ vật Tối cao Ai Cập (SCA) Mohamed Ismail Khaled đã có chuyến thăm ngắn đến địa điểm này và kiểm tra các ngôi mộ bên trong. Ông xác nhận cả 3 lăng mộ đều thuộc về thời kỳ Tân Vương quốc (từ năm 1550 - 1069 trước Công nguyên) với các dòng chữ khắc cho phép xác định chủ sở hữu ban đầu của các ngôi mộ.
Khách du lịch tham quan kim tự tháp tại Cairo, Ai Cập. Ảnh: THX/TTXVN
Cụ thể, lăng mộ đầu tiên thuộc về Amun-Em-Ipet, người trông coi ngôi đền cổ hoặc điền trang dành riêng cho thần Amun trong thời kỳ Ramesside cách đây hơn 3.000 năm. Mặc dù nhiều đồ trang trí trong ngôi mộ đã bị hư hại nhưng những chi tiết chạm khắc còn sót lại cho thấy các lễ vật, cảnh đám rước, đồ tùy táng và quang cảnh một bữa tiệc.
Hai lăng mộ khác có niên đại từ đầu Vương triều thứ 18 (từ năm 1543 - 1292 trước Công nguyên), trong đó một lăng mộ thuộc về Baki (người trông coi các kho ngũ cốc) và lăng mộ còn lại thuộc về ES (giám sát đền thờ Amun ở các ốc đảo, đứng đầu các ốc đảo phía Bắc). Các chức sắc này có thể đã đóng vai trò quan trọng trong bộ máy quản lý và tôn giáo của Ai Cập cổ đại.
Bộ trưởng Du lịch và Cổ vật Ai Cập Sherif Fathy coi phát hiện này là "một thành tựu khoa học và văn hóa quan trọng, củng cố vị thế của Ai Cập trên bản đồ du lịch văn hóa toàn cầu". Ông nhấn mạnh phát hiện sẽ giúp thu hút du lịch văn hóa và làm sâu sắc thêm di sản lịch sử vô song của Ai Cập, bởi các lăng mộ mới được phát hiện không chỉ là nơi chôn cất mà còn là "lăng kính cuộc sống" cho thấy vai trò và vị trí của các chức sắc trong xã hội cổ đại. Bộ trưởng Sherif Fathy đánh giá cao năng lực của các nhà khảo cổ Ai Cập vì đã có những phát hiện này.
Theo Tổng Giám đốc Cơ quan cổ vật thành phố Luxor, Abdel-Ghaffar Wajdi, cấu trúc các lăng mộ cho thấy sự đa dạng và phong phú của các nghi lễ chôn cất thời kỳ Tân Vương quốc. Phát hiện này diễn ra trong bối cảnh ngành khảo cổ học Ai Cập đang hồi sinh mạnh mẽ sau một loạt khám phá gần đây gây chú ý cả ở trong nước và quốc tế.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất