02/09/2019 08:08 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Sau thắng lợi vĩ đại của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết tiếp những trang sử hào hùng của dân tộc bằng những thắng lợi to lớn trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.
Kỷ niệm 74 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9 là dịp chúng ta ôn lại những bài học kinh nghiệm quý báu và phát huy hào khí của sự kiện đó để đưa đất nước tiếp tục phát triển nhanh và bền vững, thực hiện thắng lợi mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Nối dài những trang sử hào hùng của dân tộc
Ngày 2-9-1945 tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, thay mặt Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc Bản tuyên ngôn Độc lập, trịnh trọng tuyên bố trước quốc dân đồng bào và toàn thế giới: Nước Việt Nam có quyền được hưởng tự do và độc lập và sự thực đã thành một nước tự do và độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á nay là nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
74 năm qua, thực hiện lời thề thiêng liêng tại Lễ tuyên ngôn độc lập, toàn thể dân Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy. Nhân dân ta đã đổ biết bao công sức, trí tuệ, hy sinh biết bao xương máu để giữ vững thành quả và phát huy giá trị của Cách mạng Tháng Tám, giành độc lập dân tộc và tự do hạnh phúc cho nhân dân.
Đảng, Nhà nước, nhân dân ta đã đập tan mọi âm mưu chống phá của các thế lực thù địch, bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ, tiến hành cuộc kháng chiến 9 năm trường kỳ đầy gian khổ hy sinh, làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu.
Tiếp đó, trải qua 21 năm chiến đấu anh dũng kiên cường, đánh bại các chiến lược chiến tranh của địch, giành toàn thắng trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mùa Xuân năm 1975, mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước.
Tiếp tục xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước
Những bài học kinh nghiệm quý báu của Cách mạng Tháng Tám và Quốc Khánh 2-9 luôn tạo nên hào khí và sức mạnh nội lực cho toàn Đảng, toàn dân ta bước tiếp những chặng đường mới, viết tiếp những trang sử oanh liệt mới.
Thắng lợi của sự nghiệp Đổi mới đất nước hơn 30 năm qua đưa nước ta phát triển từ đống tro tàn đổ nát của chiến tranh, vượt qua bao vây cấm vận, ra khỏi khủng hoảng kinh tế-xã hội, đứng vững và tiếp tục đi lên trong cơn “động đất chính trị” trên thế giới khi mà chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và các nước Đông Âu sụp đổ, làm cho hệ thống xã hội chủ nghĩa trên thế giới lâm vào thoái trào. Đồng thời vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính, kinh tế ở khu vực (năm 1997-1998) và cuộc khủng hoảng tài chính, suy giảm kinh tế thế giới diễn ra phức tạp 10 năm trước (2008-2009)… tiếp tục đưa đất nước đổi mới đã đạt được những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử. Nước ta đã thoát khỏi tình trạng kém phát triển, trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình. Tăng trưởng kinh tế bình quân đạt gần 7%/năm; năm 2018 đạt 7,08% - cao nhất trong gần một thập kỷ qua. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng hiện đại, giảm khu vực nông nghiệp, tăng khu vực dịch vụ và công nghiệp. Đã hình thành các vùng kinh tế trọng điểm làm động lực cho phát triển kinh tế vùng, miền và cả nước... Kim ngạch xuất khẩu thường xuyên tăng với tốc độ hai con số, năm 2018 đạt mức kỷ lục 240 tỷ USD, tăng 13,8% so với năm 2017; trong đó có tới 5 mặt hàng xuất khẩu đạt trên 10 tỷ USD.
Đặc biệt, Việt Nam thu hút ngày càng nhiều hơn vốn đầu tư cho phát triển. Tính riêng năm 2018, vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước đạt trên 1,856 triệu tỷ đồng. Về đầu tư trực tiếp nước ngoài, lũy kế đến ngày 20-12-2018, cả nước có 27.353 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 340,1 tỷ USD, trong đó, vốn thực hiện là 56,2%; có 130 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư còn hiệu lực tại Việt Nam… GDP bình quân đầu người năm 2018 đạt đạt 2.587 USD (tương đương với 58,5 triệu). Kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội phát triển khá nhanh với nhiều công trình hiện đại, tạo diện mạo mới cho đất nước.
Giáo dục-đào tạo được chú trọng, mở rộng giáo dục mầm non 5 tuổi; Thực hiện phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở; Phát triển mạnh dạy nghề và giáo dục chuyên nghiệp, nâng cao chất lượng giáo dục đại học. Cùng với đó, công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân có nhiều tiến bộ, hệ thống cơ sở y tế được hình thành rộng khắp trong cả nước; số bác sĩ, số giường bệnh trên một vạn dân tăng nhanh. Hệ thống dịch vụ y tế ngày càng được nâng cao chất lượng. Chính sách ưu đãi người có công với cách mạng được đặc biệt quan tâm, đảm bảo mức sống người có công bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư trên địa bàn cư trú. An sinh xã hội cơ bản được bảo đảm , phúc lợi xã hội và đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt. Tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, còn dưới 6%; 100% số xã trên phạm vi cả nước có điện. Đã hoàn thành trước thời hạn nhiều Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc.
Đáng chú ý, quan hệ đối ngoại, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, có hiệu quả. Vị thế, uy tín quốc tế của nước ta tiếp tục được nâng cao. Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với hơn 185 quốc gia trên thế giới; gia nhập và tích cực xây dựng Cộng đồng kinh tế ASEAN; tham gia có hiệu quả các liên kết kinh tế khu vực và quốc tế trên nhiều câp độ, nhất là trong xây dựng quan hệ đối tác hợp tác chiến lược về kinh tế.
Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được chú trọng và đạt kết quả quan trọng. Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng ngày một nâng lên đáp ứng sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Khối đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố và tăng cường. Quốc phòng an ninh được tăng cường, chủ quyền quốc gia được giữ vững...
Nhắc lại quá khứ hào hùng hôm qua không chỉ để hoài niệm. Bởi lịch sử là một quá trình liên tục, quá khứ vẫn tác động mạnh mẽ tới hiện tại và tương lai. Càng khâm phục, tự hào về những thế hệ cách mạng cha anh với ý chí kiên cường, tinh thần hết mình vì độc lập tự do, vì Tổ quốc, vì nhân dân, những thế hệ hôm nay càng thấy rõ hơn trách nhiệm của mình, như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn “các Vua Hùng đã có công dựng nước, bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.
Minh Duyên - TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất