04/04/2019 07:31 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Khi phần lối vào Bảo tàng Louvre, một kim tự tháp bằng kính, lần đầu được ra mắt cách đây 30 năm vào ngày 30/3/1989 nhiều người Pháp đã bị sốc. Nhưng từ công trình gây tức giận, nhiều tranh cãi, kiến trúc này đã trở thành một điểm hút du khách và đưa Louvre trở thành bảo tàng đón nhiều khách tham quan bậc nhất thế giới.
Công trình do Tổng thống Pháp thời kỳ đó là François Mitterand ủy quyền thực hiện và nó đã gây nhiều tranh cãi cả về khía cạnh chính trị lẫn văn hóa. Nhiều người Pháp cho rằng công trình này không chỉ là một sự lãng phí mà còn là một sự ngông cuồng mà họ sợ sẽ gây ra những hậu quả lớn đối với danh tiếng văn hóa quốc tế của nước Pháp.
Dự án bị “ném đá”
Khi kiến trúc sư người Mỹ gốc Hoa Ieoh Ming Pei (Bối Duật Minh, sẽ tròn 102 tuổi vào ngày 26/4 tới) giới thiệu mẫu thiết kế của mình lần đầu tiên vào năm 1984, nhiều nhà người theo chủ nghĩa truyền thống Pháp đã thể hiện phản ứng một cách gay gắt. Giới phê bình không tiếc lời chỉ trích kim tự tháp của Pei là “một trò đùa về kiến trúc”, “sử dụng bừa bãi biểu tượng cái chết của người Ai Cập ở giữa Paris”.
Thực tế Pei, kiến trúc sư trưởng thành ở Thượng Hải, không phải là lựa chọn đầu tiên của công trình này khi ông chưa hề có một công trình lịch sử nào trước đó. Nhưng Tổng thống Mitterrand ấn tượng với phần mở rộng hiện đại của ông tại Phòng trưng bày Nghệ thuật Quốc gia ở Washington, D.C. của kiến trúc sư đến mức khăng khăng Pei phải là người thực hiện công trình ở bảo tàng Louvre. Khi nhận dự án này, Pei đã ngoài 60 tuổi và ông không thể ngờ được các kế hoạch của mình lại bị phản ứng đến vậy.
Andre Chabaud, Giám đốc bảo tàng Louvre lúc đó, đã từ chức hồi năm 1983 nhằm phản đối “những rủi ro kiến trúc” theo nhãn quan của Pei.
“Khi tôi lần đầu tiên giới thiệu ý tưởng của mình, có tới 90% công chúng phản đối” – kiến trúc sư Pei kể lại trong một bộ phim tài liệu trên PBS của Mỹ. “Một năm rưỡi đầu tiên thực sự là địa ngục. Tôi như bị săn lùng trên đường phố, không thể đi bộ trên các đường phố ở Paris mà không bị người ta nhìn như có ý trách móc: ‘Ông đang làm gì ở đây? Ông đang làm gì với bảo tàng Louvre vĩ đại của chúng tôi’”.
“Hết người này đến người khác họ phản đối dự án. Thông dịch viên của tôi còn lo sợ đến mức cô bắt đầu run. Cô ấy không thể dịch cho tôi khi tôi bảo vệ các ý tưởng của mình” – Pei kể thêm.
Thời kỳ đó nhiều người còn lo ngại rằng Tổng thống Mitterand sẽ không được bầu lại và dự án này sẽ phải bỏ giữa chừng. Vì vậy nó đã được xây dựng theo trình tự: cấu trúc kim tự tháp kính được tạo dựng trước, trước cả phần móng. Lý do, làm vậy sẽ khó từ bỏ dự án một khi nó đã tồn tại ở dạng cụ thể.
Nhưng thời khắc quan trọng đã đến khi Pei giới thiệu phiên bản hoàn chỉnh mẫu thiết kế cho Jacques Chirac, lúc đó là Thị trưởng Paris. Ông Chirac thích những gì được thấy và sau đó các “bánh xe” trở nên trơn tru hơn nhiều.
Công trình được làm sạch bởi những nhà leo núi chuyên nghiệp
Kim tự tháp mà nhiều người đã thấy hiện nay không thay đổi so với phác thảo của kiến trúc sư Pei. Công trình gồm 70 tấm kính hình tam giác và 603 tấm kính hình kim cương. Kim tự tháp cao 22m và mỗi lần làm sạch công trình này, các nhà leo núi được đào tạo bài bản phải trèo lên đánh bóng kính.
Với Pei, nguyên vật liệu cơ bản của kim tự tháp này phải là kính khi ông khẳng định rằng kim tự tháp càng trong suốt càng tốt. Pei đã dành một thời gian dài cố gắng tìm ra kính trong suốt và phẳng nhất để tầm nhìn của các phòng trưng bày gốc không bị cản trở.
Công trình kim tự tháp hoàn tất đã được Tổng thống Mitterand khánh thành vào ngày 4/3 nhưng đến ngày 29/3 công chúng mới được phép tới chiêm ngưỡng công trình đã trở thành tài sản quốc gia này. Đến lúc đó, công chúng đã quen với ý tưởng về lối vào mới này và công trình mới đầy táo bạo này đã nhanh chóng được người dân địa phương và du khách đón nhận.
“Chìa khóa” để hút hồn khách tham quan
Jean-Luc Martinez, Giám đốc đương nhiệm của bảo tàng Louvre, tin rằng công trình kiến trúc của Pei là trung tâm cho sự phát triển và thành công của bảo tàng. Theo thống kê, năm 2018 đã có hơn 10 triệu du khách tới bảo tàng, trong khi năm 1989 là 3,5 triệu lượt người.
“Kim tự tháp đã đưa bảo tàng Louvre vào hiện đại. Đây là dấu hiệu của một cuộc cách mạng đã đưa du khách vào trung tâm của bảo tàng. Ý tưởng dựng kim tự tháp không chỉ nhằm gây ấn tượng mà còn rất thiết thực. Với kiến trúc này, Louvre là bảo tàng duy nhất trên thế giới có lối vào chính là một tác phẩm nghệ thuật” - Martinez nói với đài phát thanh Inter của Pháp – “Kim tự tháp là biểu tượng hiện đại của bảo tàng, Louvre. Đó là một biểu tượng có cùng cấp độ như các tác phẩm nghệ thuật được sùng bái nhất trong bảo tàng, kiệt tác Mona Lisa hay Venus de Milo.
Giờ công trình kim tự tháp của Pei được ca ngợi là biểu tượng của Pháp. Công trình này là nơi tổ chức nhiều màn trình diễn thời trang, chiếu phim... Kim tự tháp bằng kính của Pei còn góp phần đưa Louvre trở thành bảo tàng nổi tiếng nhất châu Âu trên mạng xã hội, với hơn 3 triệu hình ảnh đã được gắn thẻ địa lý.
Nhân kỷ niệm 30 năm khánh thành kim tự tháp kính tại bảo tàng Louvre, JR, một trong những nghệ sĩ đường phố nổi tiếng nhất thế giới, sẽ tạo một bức ảnh ghép lớn mang tên The Secret of the Grand Pyramid với sự hỗ trợ của 400 người tình nguyện. Hình ảnh ghép này sẽ tạo ra ảo ảnh của một kim tự tháp lớn hơn nổi lên từ những tảng đá, như thể nó đã được phát hiện từ một cuộc khai quật khảo cổ. |
Việt Lâm (tổng hợp)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất