Ước mơ của người Thanh Hóa

11/06/2011 06:32 GMT+7 | V-League

(TT&VH Cuối tuần) - Thanh Hóa là địa phương đông dân thứ ba của cả nước, chỉ sau thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, dân còn nghèo, thậm chí bây giờ vẫn nhiều hộ đói nên họ có nhiều ước mơ. Có một mơ ước được cách điệu hóa là... lá rau má to bằng lá sen.

“Ăn rau má” vẫn đá bóng giỏi

Đấy là hình ảnh biết nói và rất thực tế. Tình trạng dân tỉnh Thanh vẫn phải cứu trợ vì đói, vậy thì nếu lá rau má to bằng lá sen sẽ có ích rất nhiều còn gì. Quá khứ cơ hàn vẫn còn bám đuổi với một bộ phận người dân tỉnh này.

Và tất nhiên với bóng đá, cầu thủ Thanh Hóa bao thế hệ trong giấc mơ luôn cháy bỏng một ngày chế độ đãi ngộ được như mặt bằng chung. Đấy là giấc mơ xa xỉ với bóng đá tỉnh Thanh. Đến năm 2009, bóng đá địa phương này còn… đói đúng nghĩa. CLB nợ lương cầu thủ mấy tháng trời. Sáng sáng, cầu thủ phải chạy ra ăn nợ quán cháo lòng trước trụ sở CLB, sau đó mới vào sân vừa tập vừa ngáp ngắn ngáp dài. Đúng là ngao ngán.

Đất nghèo nuôi những anh hùng. Bóng đá Thanh Hóa bất chấp bao giông bão, vẫn tằng tằng sản sinh nhiều cầu thủ có chất. Thậm chí, họ còn hơn Sông Lam Nghệ An ở khoản sớm dấn thân đến các vùng đất khác, nhất là Thủ đô để tìm sự đổi đời. Để đếm được nhân tài bóng đá Thanh Hóa bao thế hệ chơi bóng tứ xứ rất vất vả, bởi đông quá. Công an Hà Nội có giai đoạn phải thở bằng lá phổi xứ Thanh. Tinh thần vượt khó cùng sự cuồng nhiệt của khán giả Thanh luôn là điểm trội. Bản thân đội bóng vẫn giữ được nguyên vẹn cái tên Thanh Hóa. Đấy là những tài sản vô giá mà trời đã phú cho bóng đá địa phương này.

Đổi đời và đời đổi đến bao giờ?

Thanh Hóa đã chi không dưới 1 trăm tỷ để mua lại suất V-League của Thể Công. Điều đó không phản ánh họ nhiều tiền, quyết sách đó sẽ không thể hiện thực nếu như lãnh đạo địa phương này không giải giáp quỹ đất.

Với khoản tiền tương đương 60 tỷ mùa bóng này có được cũng theo con đường rất lạ: chủ yếu qua sự đóng góp của Hội doanh nghiệp trong tỉnh, mạnh nhất là Veam Motor (tầm 40 tỷ/mùa). Có nghĩa, lãnh đạo kêu gọi (có thể hiểu như mệnh lệnh) các doanh nghiệp máu mặt mỗi anh một ít để đội bóng hoạt động. Giống như, Thừa Thiên-Huế buộc công ty TNHH Bia Huế phải nuôi đội bóng. Đà Nẵng mỗi dịp đến hội thi pháo hoa các nhà tài trợ kim cương, vàng, bạc truyền thống lại lăn vào mà hỗ trợ kinh phí.

Huấn luyện viên Lê Thụy Hải có vai trò rất lớn trong sự vươn lên của bóng đá Thanh Hóa

Với cơ chế như thế, sự ổn định về kinh phí sẽ rất khó, phụ thuộc lớn vào phong độ của đội bóng. Sẽ chẳng ai toàn tâm toàn ý bỏ tiền một khi đội bóng đì đẹt, thái độ thi đấu thiếu chuyên nghiệp. Trong khi đó, ai cũng nhận diện sự thăng hoa của đội bóng xứ Thanh chỉ là nhất thời. Cũng khó tin cơ chế vận hành của đội bóng sẽ trơn tru, thông thoáng và có sự đồng thuận cao, khi kinh phí hoạt động của đội bóng dựa vào nhiều thành phần, không như Hà Nội.T&T và SHB.Đà Nẵng.

Mặt khác, không khó để cảm nhận, vai trò của huấn luyện viên Lê Thụy Hải cực lớn đến vận mệnh của Thanh Hóa. Giả như vì một lý do gì đó (rất dễ xảy ra) khiến mối lương duyên gãy đổ, thì rất khó ông tướng nào có thể thành công với bóng đá Thanh.

Hơn lúc nào hết, người Thanh Hóa cần hiểu đây là thời cơ để họ chủ động làm cuộc cách mạng triệt để với bóng đá địa phương mình. Khán giả cùng các doanh nghiệp đang tràn đầy cảm hứng, các sếp không nắm bắt được để xây lại nền bóng đá địa phương thì thật đáng tiếc. Ngay cả việc như giữ biểu tượng Hoàng Đình Tùng, họ phải làm ngay.

Cái sự có tiền của bóng đá Thanh Hóa do đó vẫn chưa hết làm cầu thủ phấp phỏng, nhất là nhìn vào chính người dân của mình vẫn còn nhiều người đói.

Nhưng đấy là chuyện tầm lãnh đạo Thanh Hóa, chuyện tương lai, “ước mơ của người Thanh Hóa quê em rất nhiều”. Còn bây giờ, tiền bạc, thành tích rủng rỉnh và đội bóng tỉnh Thanh thực sự đẹp như áng văn.

Hữu Quý

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm