Chuyện Vũ Công Lập: Muốn tiến xa, Đức phải thay đổi

23/06/2014 09:13 GMT+7 | Bảng G

(Thethaovanhoa.vn) - Giữa trận thắng Bồ Đào Nha 4-0 và trận hòa Ghana 2-2 là khoảng cách lớn? Hay chỉ là 2 cách thể hiện khác nhau của cùng một thực thể mà thôi?

1. Trận thứ nhất: Thủ môn Manuel Neuer hầu như không có việc làm, anh tỏ ra thong thả và không mắc lỗi. Trận thứ hai: Neuer làm việc liên tục, nhận 2 bàn thua (không thể trách được), kèm theo 2 lỗi- một lần ra đón hụt quả phạt góc (không để lại hậu quả) và một lần ném bóng tụt tay (không ai kịp nhận thấy, vì nó lạ quá).

Với Philipp Lahm: Trận đầu mất bóng nguy hiểm, nhưng hậu vệ ứng cứu kịp. Trận thứ hai, khi định chuyền bóng cho Khedira thì bị đối phương cướp được. Sai lầm rất nghiêm trọng, vì nó dẫn tới bàn thua thứ hai.

Với những cầu thủ như Neuer và Lahm, yêu cầu thi đấu phải là không mắc lỗi, và hơn nữa, trong những lúc sinh tử, phải làm được những chuyện trên sức ngày thường. Có một giải thích: Cả hai vừa trải qua một đợt chấn thương khá dài, và phong độ phải từ từ mới tìm lại được. Mà phong độ chỉ thể hiện rõ nhất khi sức ép lớn, trận đấu khẩn trương, quyết liệt. Joachim Loew đã bị chất vấn: "Vậy thì Neuer đã khỏe hẳn hay chưa?”. Trả lời: "Khỏe hẳn. Trong tập luyện và thi đấu không hề uống hay tiêm thuốc giảm đau”. Nhưng từ lúc hết đau đến lúc chơi đúng 100% khả năng vẫn có khoảng cách.

Thí dụ thứ 3: Trung vệ Per Mertesacker. Trận gặp Bồ Đào Nha, anh chỉ có 3 cuộc tranh chấp tay đôi vô thưởng vô phạt, mọi thứ hoàn hảo. Nhưng đến trận Ghana, anh phải đua tốc độ với những cầu thủ châu Phi trẻ khỏe hơn hẳn, và 2 lần đua thì thua cả hai. Lần đầu, Neuer cứu được, lần sau, là bàn thua thứ hai. Xem lại cảnh trung vệ cao kều này chạy, thấy sốt ruột vô cùng: Anh cố chạy lên, nhưng cứ như có lực nào đó níu giữ anh lại. Mertesacker thì bao giờ cũng chậm, nhưng chỉ có thấy rõ là anh chậm, nếu anh phải chạy đua. May mà anh không phải chạy đua với Ronaldo, chứ chạy thì thua là cái chắc.

2. Như thế nẩy sinh vấn đề về thế trận, tức là vấn đề chiến thuật. Với sự quyết liệt của Ghana (quyết liệt nhưng không hề thô bạo) tuyến giữa của Đức lộ ra một lỗ thủng lớn mang tên Khedira. Cũng là một cầu thủ chấn thương hơn 6 tháng, và hôm nay mới biết rằng anh chưa sung sức ở mức cường độ cao. Từ sự lỏng lẻo tuyến giữa, tuyến dưới bị phân tán, mất tập trung, đôi khi tỏ luống cuống. Ghana nhận ra điều ấy, càng tấn công trực diện, tăng cường độ đối đầu trong đọ sức tay đôi, trong đua tốc độ ở 2 cánh, và tăng cường sút xa. Ghana nắm thế chủ động (khá bất ngờ) và Đức có nguy cơ thua trận. Trong khoảng 10 phút, Đức hoang mang thấy rõ.

Có lẽ Loew đã tính trước được nhiều điều. Trước trận đầu, ông yêu cầu tất cả 23 cầu thủ phải nằm trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu, vì có thể băng ghế dự bị sẽ quyết định cuộc đua tranh trên sân cỏ. Ông còn hẹn trước, là rồi sẽ thấy Schweinsteiger sẽ có vai trò như thế nào! Và quả thật, ngay khi Schweini và Klose vào sân, thì thế trận đã thay đổi, và ngay lập tức Đức gỡ hòa. Nếu may mắn hơn, Klose đã có bàn thứ hai. Rõ ràng, Loew có phương án B, và có thể còn cả phương án C nữa, khi Podolski và Schuerrle, hai cầu thủ đá những trận tập huấn khá hay, vẫn chưa xuất hiện đúng nghĩa.

Nhưng đội tuyển Đức hôm nay vẫn còn vấn đề về bản lĩnh trận mạc. Trong bài trả lời sau trận đấu, chính Lahm đã thú nhận, không hiểu sao mà Đức lại lao vào cuộc đấu kiểu ăn miếng trả miếng trong những phút cuối cùng. Một: Tình huống chưa đến nỗi buộc Đức nhất định phải thắng. Hai: Có nguy cơ rất lớn bị phản đòn, cuối cùng có thể mất trắng. Và ba: Đá thế hao sức lắm, mà cuộc chiến còn dài. Đức đã lao vào cuộc đua mà chính họ không muốn, nghĩa là bị tình huống dẫn dụ hay lôi kéo. Chưa đủ sức làm chủ tình huống cũng là một điểm yếu, như ngày nào dẫn trước Thụy Điển 4-0 mà còn để gỡ 4-4.

3. Như thế, có thể nói những nỗi lo vốn có về đội tuyển Đức trước đây vẫn âm ỉ nhưng bây giờ mới lộ diện (phong độ, tốc độ, chiến thuật, bản lĩnh).Chứ không phải là những yếu kém mà người ta chưa nghĩ đến. Thậm chí Loew còn có cả những toan tính dự phòng để khắc phục. Điều này nghe như một sự an ủi. Trận Ghana có giá trị lớn như bài học đến đúng lúc, nghĩa là không quá chậm mà cũng không quá sớm.

Sớm hơn, thì dễ mất tinh thần ở World Cup lần này.Chậm hơn, thì có thể không kịp sửa. Và như chúng ta đã nói, Đức vẫn đang ở trong quá trình xây dựng, chứ chưa phải là đội Đức đã hoàn chỉnh như năm 1990. Môi trường xây dựng tốt nhất vẫn là thực tế thi đấu khắc nghiệt. Cầu thủ chỉ có thể sửa mình, có thể trưởng thành, trong những cuộc đấu làm rõ trắng đen, ra ngô ra khoai. Ghana là một trận như thế.

Vấn đề còn lại là: Từng cầu thủ Đức, cả đội tuyển Đức sẽ học hỏi và tiến bộ như thế nào? Đó là điều chúng ta chờ đợi. Chờ đợi trong hy vọng, vì cả đội Đức vẫn tỏ ra tin tưởng vào con đường và mục tiêu của mình.

Vũ Công Lập
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm