09/12/2022 11:00 GMT+7 | Giải trí
Trên sân khấu Nhà hát Lớn Hà Nội, nhạc sĩ Phú Quang từng tự đệm đàn và hát. Tối qua, trên sân khấu đó là con gái ông Trinh Hương - trình diễn tác phẩm của cha "Ngày xa".
Khi hát ca khúc của mình, nhạc sĩ Phú Quang thường tự thừa nhận mình hát không hay. Nhưng quả thật, như ông nói, ông sẽ hát đúng với tâm trạng nhất vì lẽ đương nhiên, không ai hiểu ca khúc bằng chính "cha đẻ" của nó.
Các ca khúc của Phú Quang phần lớn lấy tứ thơ của nhiều tác giả để sáng tác. Ca khúc nào của ông cũng có câu chuyện trong đó, từ những Em ơi Hà Nội phố, đến Hà Nội và Em khi Thu chớm Đông sang... Phú Quang từng kể, thói quen của ông là dù chỉ lấy 1 ý tứ trong tác phẩm nhưng bao giờ cũng đề tên tác giả một cách trân trọng.
Thế mà, người nhạc sĩ tài hoa ấy đã ra đi 1 năm rồi. Ông từng nhận Giải thưởng Lớn, giải Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội của báo Thể thao và Văn hoá/ TTXVN với những tác phẩm sáng tác về Hà Nội.
Tối qua, trên sân khấu Nhà hát Lớn Hà Nội các con ông đã tổ chức đêm nhạc tưởng nhớ vị nhạc sĩ tài hoa. Đêm nhạc “Phú Quang – Mới thôi mà đã một đời” trình diễn những ca khúc rất nổi tiếng của ông như: Em ơi Hà Nội phố, Im lặng đêm Hà Nội, Chiều Phú Tây Hồ, Mơ về nơi xa lắm, Mẹ… và cả những tác phẩm nhạc phim, giao hưởng thơ hay những nhạc phẩm quen thuộc trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam một thời...
Nhưng mong ước ấy của ông chưa kịp được thực hiện. Nên vào đúng dịp giỗ đầu gia đình đã thực hiện ước nguyện đó và cũng để phác thảo một bức tranh âm nhạc đầy đủ nhất về Phú Quang ở các mảng màu âm nhạc. Đêm nhạc được xây dựng công phu, quy mô lớn với sự góp mặt của Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam, nhạc trưởng Honna Tetsuji, ca sĩ Tùng Dương, Ngọc Anh, nghệ sĩ piano Trinh Hương, nghệ sĩ flute Lê Thư Hương. Đêm nhạc hoàn toàn miễn phí với sự tài trợ của: Sunshine Homes, Công ty CP Thanh Bình Hà Nội và Quỹ Đổi mới Sáng tạo Vingroup.
Trong đêm nhạc, Nhạc trưởng Honna Tetsuji cùng hơn 100 nhạc công đã đem đến cho khán giả những cảm xúc khác khi nghe âm nhạc Phú Quang. Nhạc trưởng Honna Tetsuji tiết lộ ông chỉ huy dàn nhạc bằng chính cây đũa mà 5 năm trước Phú Quang đã tặng cho ông.
Không chỉ Honna Tetsuji có kỷ niệm với Phú Quang, mà Tùng Dương còn chia sẻ, anh hát Em ơi Hà Nội phố của Phú Quang khi thăm bố mẹ ở Moskva lúc mới 12 tuổi. Bài hát khiến những người con xa xứ rớt nước mắt vì nhớ quê nhà. Trong liveconcert kỷ niệm 20 năm ca hát, Tùng Dương cũng thể hiện ca khúc này trên sân khấu Trung tâm Hội nghị Quốc gia và kể câu chuyện kỷ niệm về nhạc sĩ Phú Quang.
Anh cũng chia sẻ mình luôn nhớ lời dặn của nhạc sĩ trong lần đầu mời anh hát – sau khi thi Sao Mai - Điểm hẹn 2005: Hát nhạc chú thì đừng có lên đồng nhiều. Và trải qua lần đầu được người nhạc sĩ thẩm định: Tùng Dương hát đúng nhạc Phú Quang rồi, thì anh được người nhạc sĩ mời tham gia nhiều đêm nhạc khác của ông. Và tại đêm diễn tưởng nhớ vị nhạc sĩ, Tùng Dương chọn hát "Mẹ" (thơ Hồng Thanh Quang, nhạc Phú Quang), Em ơi Hà Nội phố, Mai đành xa sông Thương thật thương ...
Là một trong những giọng ca hát nhạc Phú Quang sâu lắng nhất, Ngọc Anh không thể vắng mặt trong các đêm nhạc của ông. Ngọc Anh vừa trở về từ Mỹ và mang tới chương trình những ca khúc quen thuộc: Mơ về nơi xa lắm, Im lặng đêm Hà Nội, Tôi muốn mang hồ Gươm đi... Trên nhiều sân khấu thời gian qua những ca khúc này đã được hát. Nhưng trong đêm diễn tưởng nhớ vị nhạc sĩ tài hoa, những phần trình diễn này đều khiến khán giả xúc động.
Giao lưu trên sân khấu tối qua còn có NSND Đặng Nhật Minh. Ông đã kể rất chi tiết về hoàn cảnh ra đời ca khúc "Bao giờ cho đến tháng 10" được sử dụng làm nhạc phim trong bộ phim cùng tên – và cũng là 1 trong 18 bộ phim được thế giới bầu chọn là xuất sắc nhất mọi thời đại.
“Tôi mời nhạc sĩ Phú Quang viết nhạc cho phim khi anh ấy còn rất trẻ, 35 tuổi – mới tốt nghiệp trường nhạc. Tôi chiếu phim cho Phú Quang xem rồi anh nhận lời viết nhạc. Viết đến đâu anh gọi tôi đến nghe và cùng góp ý, chỉnh sửa. Tôi không nhớ biết bao lần tôi cùng Phú Quang ngồi trên căn gác chưa đầy 10m2 ở con ngõ ở phố Khâm Thiên (sau này căn nhà đó của gia đình nhạc sĩ Phú Quang bị B52 san phẳng, nhiều người thân cũng ra đi trong trận bom đó – phóng viên). Đến khi bạn nhạc thu âm xong thì tôi biết rằng phim mình đã có những giai điệu đẹp. Sáng tác của nhạc sĩ Phú Quang đã chắp cánh cho bộ phim. Đã nhiều lần tôi nghe bản nhạc trên phim, hôm nay lần đầu tiên nghe trình diễn cùng dàn nhạc giao hưởng, đứng cánh gà tự dưng thấy mình xúc động rơi nước mắt” - NSND Đặng Nhật Minh chia sẻ.
Dấu ấn trong phần âm nhạc giao hưởng của Phú Quang còn ở màn trình diễn piano cùng dàn nhạc của nghệ sĩ Trinh Hương – con gái lớn của nhạc sĩ Phú Quang. Tác phẩm "Ngày xa" được thể hiện bởi chính nghệ sĩ piano Trinh Hương - con gái nhạc sĩ đã khiến khán giả xúc động. Bởi đó là tác phẩm nhạc sĩ Phú Quang viết tặng con gái ngày du học xa, giờ lại trở thành tiếng lòng con gái gửi bố. Nghệ sĩ Trinh Hương không nén được xúc động, nghẹn ngào, rơi nước mắt khi tìm về ký ức với cha: "Tôi vẫn nhớ khi mình 14 tuổi, rời gia đình đi du học, bố tiễn ra sân bay, tôi nhìn theo mà khóc như mưa. Hôm nay, khi chơi lại tác phẩm này thì ông lại không còn nữa…".
Cuối cùng, Ngọn nến là ca khúc được lựa chọn khép hơn 2 tiếng của chương trình. Gia đình đã giữ đúng ý tưởng của Phú Quang như bao lần tổ chức đêm nhạc, lấy Ngọn nến để khép lại đêm nhạc của mình.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất