Đạo diễn Quốc Trọng: Một quãng lùi sòng phẳng

08/02/2009 13:56 GMT+7 | Truyền hình thực tế

Dựa trên hai tiểu thuyết “Ngõ lỗ thủng” và “Tiễn biệt những ngày buồn” của nhà văn Trung Trung Đỉnh, bộ phim “Ngõ lỗ thủng” vừa khởi chiếu trên VTV1 tạo nên nhiều tò mò cho khán giả. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện cùng đạo diễn Quốc Trọng về “đứa con tinh thần” này của anh.

>> NSƯT Trung Hiếu lại tiếp tục làm “mặt sẹo"

Một cảnh trong phim "Ngõ lỗ lủng".

* Thưa đạo diễn, vì sao anh lại lựa chọn hai tiểu thuyết của nhà văn Trung Trung Đỉnh để làm bộ phim này? Nội dung phim có khác nhiều so với hai cuốn sách?

Khi làm lại một bộ phim về thời bao cấp, tôi đã tìm đọc rất nhiều tiểu thuyết và nhận thấy hai tiểu thuyết của Trung Trung Đỉnh là khắc hoạ rõ nét nhất. Tôi không chuyển thể từ tiểu thuyết sang phim mà trộn nội dung của hai tiểu thuyết hoàn toàn khác nhau ấy nên cũng có những điều khác biệt.
 
Hai tiểu thuyết ấy có điểm chung là cùng nói về một thời kỳ, nó thể hiện rõ những lỗ thủng về kiến thức, về văn hoá và lỗ thủng lớn nhất là về niềm tin. Trong đó, một Ron quá nguyên tắc nhưng cuối cùng nhận ra cả đời bị lừa vì mua sổ xố 5 năm mà không trúng một lần; bà Điếc cả đời chăm chăm bảo vệ một đồng vàng mẹ cho nhưng cuối đời mới biết đó là vàng giả...

Ngoài ra, ở đây còn đề cập đến cả những trí thức, nhà văn... và tầng lớp nhân dân lao động trong thời kỳ những năm 80 của thế kỷ trước. Tôi có giữ lại tên của các nhân vật trong tiểu thuyết vì dù sao nó cũng là một lợi thế. Những cái tên ấy ít nhiều đã từng tồn tại trong đời sống văn học.

Đạo diễn Quốc Trọng chỉ đạo diễn xuất cho các diễn viên. 
* Tên của các nhân vật trong phim như Xoay, Ron, cụ Điếc hay bà Còng…có vẻ đều là những cái tên có tính ước lệ. Anh nghĩ sao khi điều đó có thể khiến khán giả cho rằng phim không thật?

Những cái tên ấy đúng là có phần ước lệ nhưng những phim tôi làm không bao giờ rơi vào tình trạng nhân vật giả. Các nhân vật ở trong phim của tôi bây giờ nhìn ở đâu cũng thấy. Điều quan trọng là cách thể hiện và hình hài của nhân vật. Phim chính là ngôn ngữ của hình ảnh, thuyết phục được là ở chính điều đó.

* Các nhân vật của “Ngõ lỗ thủng” đều có ít nhiều thói xấu và rơi vào một bi kịch nào đó. Anh có thấy bộ phim quá u ám?

Các nhân vật rõ ràng đều rơi vào trạng thái đối diện với bi kịch của chính mình nhưng không gây trạng thái ảm đạm. Một số nhân vật khi bị trả giá đã nhận ra không thể tiếp tục sống theo cách đó.

Hạnh (một nhân vật bỏ học đi làm “phe”, từng bồ bịch, làm nhiều nghề buôn bán) là nhân vật tôi chăm chút nhất. Nhân vật này đẹp vì đã dám sống thật. Qua tính cách của nhân vật này cho thấy dù ở bất kỳ góc độ nào, con người nào thì cũng nên trung thực với chính mình. Thông qua cách sống và cách xử lý các vấn đề, các nhân vật sẽ thể hiện được ta nên sống thế nào. Người làm phim không cầm tay khán giả chỉ cho họ phải sống thế nào.

* Vậy sau bộ phim, anh thấy hài lòng nhất với điều gì?

Nói thật là khi làm xong tôi thấy yên tâm vì những gì muốn nói cũng đã thể hiện được. Có những lỗ thủng cho đến ngày hôm nay vẫn tồn tại, nếu chúng ta không tỉnh táo thì không thể hàn gắn được. Nội dung phim chỉ ra một quãng lùi để chúng ta nhìn lại chính mình. Chúng ta phải nhìn ra được lỗ thủng lớn như thế nào. Thời đó mà đã có những biến thái như vậy thì ngày nay những lỗ thủng ấy sẽ được nhân bản lên hàng ngàn lần với những biến thái khó nhận diện. Chúng ta cần sòng phẳng đặt lên bàn cân khi nhìn nhận về những vấn đề đó.

Đã lột tả được điều mình muốn nói nhưng tôi chưa thật sự thấy hài lòng với điều gì cả. Điều kiện làm phim không đầy đủ và bị bó hẹp. Quay Hà Nội thời bao cấp mà phải đi tới 4 - 5 tỉnh. Chúng ta không có bộ phận chuyên môn, phim nào tự lo phim ấy. Không có trường quay nên ý định có 10 phần thì chỉ làm được 7- 8 phần. Tuy nhiên, điều quan trọng là không khí của một thời khốn khổ đã thể hiện được rõ nét.

* Xin cảm ơn đạo diễn!
 
Theo Hoàng Phương (GĐ&VH)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm