Xét xử phúc thẩm vụ kiện bản quyền phim Biệt động Sài Gòn

04/10/2009 15:59 GMT+7 | Phim

(TT&VH) - Sáng 2/10, Tòa phúc thẩm, Tòa án Nhân dân Tối cao đã mở phiên xét xử công khai vụ kiện tác quyền phim Biệt động Sài Gòn theo đơn kháng cáo của ông Nguyễn Thanh và ông Lê Phương đối với bản án sơ thẩm của Tòa án Hà Nội xử ngày 11/5/2009. Tuy nhiên, sau hơn 1 giờ xét xử, phiên tòa buộc phải hoãn với lời khuyến cáo: “ Nên chuyển hướng kiện về phía các đơn vị xuất bản”.

Nguyên đơn và bị đơn đều kháng cáo

Tại phiên tòa sơ thẩm, căn cứ vào những chứng cứ trong hồ sơ và thẩm phán công khai tại tòa, Tòa đã bác yêu cầu của ông Nguyễn Thanh đòi là tác giả duy nhất của kịch bản phim Biệt động Sài Gòn, cũng như số tiền tác quyền 74 tỷ đồng mà ông Nguyễn Thanh yêu cầu ông Lê Phương phải trả. Theo phán quyết của Tòa sơ thẩm, ông Lê Phương và ông Nguyễn Thanh là đồng tác giả kịch bản. Hai người hưởng số tiền nhuận bút ngang nhau. Vì ông Nguyễn Thanh mới chỉ nhận của ông Lê Phương 1/3 số tiền nhuận bút (1.200 đồng, thời điểm cách đây hơn 20 năm ), nên ông Lê Phương phải bồi hoàn cho ông Nguyễn Thanh số tiền còn thiếu, cộng với số tiền nhuận bút ông Lê Phương đã lĩnh ở báo Sài Gòn Giải Phóng (cũng phải chia đôi). Quy đổi theo giá gạo hiện tại, cộng lãi dồn của 20 năm, số tiền ông Lê Phương phải trả cho ông Nguyễn Thanh là 9.072.000 đồng.


Ông Nguyễn Thanh (trái) và ông Lê Phương (phải) ở ngoài phiên tòa

Đòi 74 tỷ đồng chỉ được bồi hoàn hơn 9 triệu đồng, ông Nguyễn Thanh đã có đơn kháng cáo lên Tòa phúc thẩm. Tại đơn kháng cáo, ông Nguyễn Thanh tiếp tục khẳng định ông là tác giả duy nhất của kịch bản phim Biệt động Sài Gòn. Đồng thời ông khẳng định việc Hãng phim Truyện VN, báo Sài Gòn Giải Phóng không phải chịu trách nhiệm trong vụ kiện là không thỏa đáng; việc quy đổi tiền theo giá gạo là không khách quan, không đúng với thông lệ thế giới (quy đổi theo giá vàng).

Ông Lê Phương cũng không chấp nhận bản án sơ thẩm vì cho rằng nhuận bút đã được chia theo thỏa thuận. Ông Nguyễn Thanh đã nhận tiền và đồng tình
với cách chia này trong hơn 20 năm qua. Ông Phương lý giải thêm rằng với những ai am hiểu công việc viết kịch bản thì vai trò của người nghĩ ra cốt truyện, đưa ra giải pháp dựng truyện, sau đó viết lại, hoàn thiện kịch bản trên cơ sở kịch bản của người viết “phá” (viết “nháp”?) phải là tác giả chính - và đó là ông. Ông Nguyễn Thanh là người viết “phá” trên cơ sở cốt truyện và giải pháp dựng truyện của ông đã được lãnh đạo Hãng phim Truyện VN duyệt (ông Thanh cũng chỉ tham gia trong 2 tập đầu, 2 tập sau ông Phương viết một mình), không thể là đồng tác giả về mặt quyền lợi vật chất.

Các đơn vị xuất bản sẽ phải ra tòa trong lần xử tới

Tại phiên tòa phúc thẩm, phía xét xử yêu cầu ông Nguyễn Thanh đưa ra những chứng cứ khẳng định ông Lê Phương là người đã đưa bản thảo kịch bản cho các đơn vị xuất bản. Bởi, chỉ khi đưa ra được những chứng cứ xác thực về việc này mới có thể đi sâu làm rõ việc ông Lê Phương có sử dụng kịch bản chung vào mục đích riêng và ém nhẹm nhuận bút trong 25 năm qua hay không.

Ông Nguyễn Thanh đã không đưa ra được chứng cứ về văn bản giấy tờ, cũng như người làm chứng, trong khi các đơn vị xuất bản qua công văn gửi Tòa đều không khẳng định lấy kịch bản từ nguồn nào và cũng không xác định đã trả nhuận bút hay chưa (vì không cơ quan nào còn lưu giữ những chứng từ liên quan đến kịch bản bộ phim này).

So với phiên tòa sơ thẩm, không khí xét xử của phiên tòa phúc thẩm có phần ôn hòa. Mặc dù vẫn bảo lưu số tiền đòi tác quyền 74 tỷ đồng nhưng ông Nguyễn Thanh đã không còn nhìn “bị đơn” - ông Lê Phương bằng ánh mắt “chiến đấu” như trước. Nhìn cảnh hai ông già, đều đã cao tuổi, nhiều người tham dự cảm thấy ngậm ngùi.

Theo phía xét xử, các đơn vị xuất bản không thể đứng ngoài cuộc và không thể cứ vắng mặt liên tiếp tại các phiên tòa. Bởi, chính các đơn vị xuất bản là một trong những nguồn cơn chính dẫn đến vụ kiện tụng liên quan đến bộ phim ăn khách cách đây hơn 20 năm. Mặt khác, nếu phía Hãng phim Truyện VN đã coi kịch bản phim Biệt động Sài Gòn là tài sản của Hãng, là sử liệu được lưu giữ vĩnh viễn thì các chứng từ liên quan đến kịch bản này cũng phải được lưu giữ. Vì thế, trong phiên tòa tới đây, tất cả các đơn vị xuất bản (Tạp chí Điện ảnh, NXB Thanh Hóa, NXB Long An) và kế toán của Hãng phim Truyện VN sẽ phải có mặt tại Tòa để trả lời những câu hỏi liên quan, cũng như thực hiện trách nhiệm của mình trong vụ kiện.

Luật sư Minh Thủy, bảo vệ quyền cho ông Lê Phương cũng đồng tình với việc “phải yêu cầu các đơn vị xuất bản chịu trách nhiệm trong việc “in ấn chùa” kịch bản Biệt động Sài Gòn”. Tạm hoãn phiên tòa vì không có chứng cứ mới và thiếu các đơn vị xuất bản, Hội đồng xét xử khuyến nghị luật sư của hai bên cùng trao đổi, bàn thảo, tư vấn, định hướng cho ông Nguyễn Thanh và ông Lê Phương để hai bên có thể đi đến thỏa thuận có lợi nhất cho cả hai phía. Nếu tiếp tục căng thẳng, tiếp tục đòi tiền ở mức cao hơn trong khi không có chứng cứ... chỉ khiến vụ án đi vào ngõ cụt, làm mất thời gian của cả nguyên đơn và bị đơn.

Với xu hướng này, nhiều người suy đoán rằng sẽ có một đơn khởi kiện mới đứng tên hai người: Nguyễn Thanh và Lê Phương kiện các đơn vị xuất bản vì chính ông Lê Phương khẳng định sẵn sàng đứng tên chung với ông Nguyễn Thanh trong đơn kiện các NXB. Tuy nhiên, ông Phương cũng thú thực là không còn đủ sức để theo đuổi vụ kiện mới mà sẽ ủy quyền cho ông Nguyễn Thanh làm việc này và cũng không đòi hỏi quyền lợi nếu thắng kiện.

Nguyệt Anh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm