Vấn nạn nhà siêu mỏng tiếp tục tái diễn

23/01/2010 09:45 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH) - Cách đây vài chục năm, khi mở rộng phố Kim Mã, rồi xây dựng con phố “ An toàn giao thông kiểu mẫu” Chùa Bộc, người ta đã bàn nhiều tới những ngôi nhà siêu mỏng “ăn theo”, mọc lên ở chính những con phố này, sau đó một chút là phố Đào Tấn.

Nói “ăn theo”, vì chẳng ai cấp phép cho xây ngôi nhà,  diện tích chỉ dưới 10m2, chiều sâu lòng nhà 1,5m, kiến trúc kiểu “cây nấm”, dưới thắt lại, nhưng từ tầng hai trở lên, gia chủ “ bành trướng” chiếm không gian “chẳng của ai cả”, nên cứ to phình ra, vừa không an toàn, vừa phản cảm làm xấu cảnh quan của dãy phố mới mở.

Nhà siêu mỏng
ở phố Kim Mã

Nhiều ý kiến lúc đó kiên quyết đề nghị xóa xổ tình trạng này, nhưng rồi “để lâu cứt trâu hóa bùn”, cho đến nay những ngôi nhà đáng lẽ “cần dỡ bỏ ngay” thì nó vẫn còn đó “thi gan cùng tuế nguyệt”. Điển hình nhất, có ngôi nhà 3 tầng phố Kim Mã, diện tích vừa trải đủ… chiếc chiếu hay một ngôi nhà lênh khênh ở phố Đào Tấn.

Nhà siêu mỏng
ở phố Đào  Tấn

Siêu mỏng, siêu méo, siêu  xiêu vẹo      

Hà Nội mở rộng, đương nhiên do nhu cầu “quốc kế dân sinh”, phát triển kinh tế, giao thông, nhiều phố cũ được “nâng cấp” to đẹp đàng hoàng hơn, nhiều phố mới hình thành, nhiều đường vành đai 1- 2- 3…vươn ra dài mãi. Hệ lụy kéo theo là nhiều nhà siêu mỏng, siêu nhỏ, siêu xiêu vẹo thi nhau mọc lên vô tội vạ. Phố Xã Đàn có đến 7-8 nhà mặt tiền 4 - 5 mét, chiều sâu không quá 2m.

Nhà siêu mỏng
ở phố Xã Đàn

Hay tại phố Lò Đúc có ngôi nhà diện tích dưới 20m2, cao 6 tầng, 1 tum, hoàn thiện vào tháng 12/2009. Ở khu vực chợ Cửa Nam cũ, đầu phố Nguyễn Khuyến, gia chủ đang gấp rút hoàn thiện ngôi nhà “độc đáo” đón tết Canh Dần, vươn cao 5 tầng, ốp gạch xanh lơ - trắng ấn tượng, diện tích dưới… 10m2.

Nhà siêu mỏng
ở phố Nguyễn  Khuyến

Ngã tư Nguyễn Trãi dọc đường vành đai 3, công trình chào mừng 1000 năm Thăng Long- Hà Nội, đang gấp rút hoàn thành, nhiều ngôi nhà tí hon cao 3- 4- 5 tầng, tổng diện tích cả 4- 5 tầng cộng lại, khiêm tốn chỉ có 30m2. Đến ngôi nhà kiến trúc hình chữ “ T” dưới chân cầu Vĩnh Tuy phố Minh Khai thì có người đã thốt lên “kinh dị tới mức chẳng còn gi để bình luận nữa”.          

Nhà siêu mỏng
ở phố Minh Khai

Chưa hết, theo thống kê của Thanh tra xây dưng quận Hai Bà Trưng đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên địa bàn quận phát sinh 18 trường hợp nhà siêu mỏng, siêu vẹo bao gồm nhà ở, nhà tạm thuộc các phường Vĩnh Tuy, Bách Khoa, Đồng Tâm. Kỷ lục là “ngôi nhà” 2 tầng xây dựng trên diện tích chỉ có… 2,8m2 trên đường Lê Thanh Nghị. Đứng tiếp sau là các “ngôi nhà” 2-3 tầng xây dựng trên diện tích lần lượt từ thấp đến cao  3,06m2; 3,64m2; 3,8m2; 4,06m2; 5,2m2…

Vì sao những ngôi nhà siêu mỏng vẫn  tồn tại và phát triển? Nguyên nhân thứ nhất, theo ông Nguyễn Khắc Thọ, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội: “Trong quá trình giải phóng mặt bằng các dự án, Nhà nước không thu hồi hết các diện tích không đủ điều kiện xây dựng. Do đó người dân phải tự chỉnh trang lại và phát sinh nhà siêu mỏng, siêu vẹo”. Số lượng nhà siêu mỏng, siêu vẹo trên phạm vi thành phố, ông Thọ cho biết “Hiện nay do chưa biết số lượng là bao nhiêu, cụ thể ra sao nên chưa thể có đề xuất xử lý”. Nguyên nhân thứ hai, trách nhiệm quản lý của các phường sở tại, hoặc thiếu năng lực, hoặc quan liêu, tắc trách, hoặc móc ngoặc “đi đêm” với các chủ đầu tư rồi kiếm tiền bất chính? Và, khi phát hiện, các nhà chức trách thi hành biện pháp “phạt rồi cho tồn tại”.

Cứ như vậy thì Hà Nội không bao giờ xóa được vấn nạn nhà siêu mỏng. Nguyên nhân thứ ba thuộc về người dân. Trong thời buổi một “tấc đất” cửa hàng không chỉ “tấc vàng” mà là nhiều chục tấc vàng, người dân sống bám mặt phố sẵn sàng tận dụng “tranh tối, tranh sáng”, kẽ hở của pháp luật, kể cả việc bỏ tiền “mua” những cán bộ biến chất để có một cửa hàng dù có siêu mỏng, vẹo gì cũng được,  có “nhà” bám mắt phố, kiểu gì cũng O.K. “ Chiêu” đắc dụng nhất, họ thường sử dụng là đặt các nhà chức trách trước “sự việc đã rồi”. Họ chấp nhận chịu phạt “bao nhiêu cũng được, miễn là cho tồn tại”. Người này làm được, mách nước cho người kia, thế là vì chút quyền lợi cá nhân, họ đã làm xấu một con phố mới lẽ ra có thể được xây dựng rất đẹp, rất hiện đại.

Giải pháp nào?

Muốn khắc phục triệt để hiện tương nhà siêu mỏng, xin được hiến kế như sau.

- Thành phố cần có quy định, chế tài thật nghiêm ngặt, diện tích đất  cỡ bao nhiêu m2, chiều rộng, chiều sâu đủ bao nhiêu mét mới được xây dựng nhà. Khi xây, chủ đầu tư phải xin cấp phép như pháp luật hiện hành.

- Trong quá trình giải phóng mặt bằng, Nhà nước phải thu hồi hết những diện tích không đủ điều kiện xây nhà, giữ lại những mảnh đất nhỏ đó cho cây xanh, vườn hoa tí hon, nơi thuận lợi cho du khách dừng chân ngắm cảnh quan xanh, sạch, đẹp của “thành phố hòa bình”, sẽ tô điểm cho phố phường Hà Nội sinh động lên gấp nhiều lần.

- Hà Nội cần “phân cấp” giao việc quản lý xây dựng nhà cho cấp phường. Cấp phường, cụ thể là chủ tịch phường, chịu trách nhiệm từ “A đến Z” trước quận, thành phố, không để phát sinh nhà siêu mỏng, siêu vẹo trong phạm vi phường quản lý.

- Người Hà Nội thanh lịch phải biết “sống, làm việc theo pháp luật”, tự mình, nhắc nhở mọi người không xây nhà siêu mỏng, siêu vẹo. Cần tính toán lợi ích cộng đồng trước khi quyết định xây dựng. Cách tốt nhất “đôi bên cùng có lợi”, giữ được hòa khi xóm giềng, người có đất không đủ điều kiện xây nhà, nhường cho người bên trong với giá hợp lý đôi bên cùng chấp nhận được. Nhà bên trong “mở lòng” đón nhận sẽ có ngôi nhà rộng hơn, ở mặt phố, giá trị ngôi nhà “lên” rất nhiều. Nghĩ cho cùng, cũng chẳng ai bị thiệt. Đó cũng là một việc làm thiết thực góp phần chỉnh trang đường phố thủ đô văn minh, hiện đại tiến tới kỷ niệm Hà Nội 1.000 năm tuổi.

Chủ trương xóa bỏ nhà siêu mỏng, siêu vẹo là một chủ trương đúng và nhất định sẽ có sự đồng thuận của nhân dân.
 
Lê Sĩ Tứ

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm