(TT&VH Online) - Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Xây dựng Trần Ngọc Chính khi trao đổi với TT&VH xung quanh dự thảo Luật quy hoạch đô thị và vấn đề nhà siêu mỏng siêu méo - một tồn tại mang tính lịch sử đã và đang gây nhức nhối cho những đô thị lớn như Hà Nội, TP. HCM…
* Trong dự thảo Luật quy hoạch đô thị quan tâm nhiều đến thiết kế đô thị. Thực tế ở các thành phố lớn vẫn tồn tại nhà siêu mỏng siêu méo rất mất mỹ quan. Vậy hướng điều chỉnh trong tương lai sẽ như thế nào thưa ông?
Ông Trần Ngọc Chính
- Điều chỉnh đô thị là điều chỉnh cho từng khu phố, từng quảng trường, từng khu vực một. Trong thiết kế đô thị thì có thiết kế đô thị lồng ghép. Nếu khi đã có thiết kế đô thị rồi thì phải tuân thủ theo thiết kế đô thị đó. Nếu không có thiết kế đô thị sẽ dẫn tới những tuyến phố, con đường không đồng bộ như độ cao không tương đồng, đang sơn màu đỏ thì sơn màu xanh… Quản lý đô thị cũng sẽ rất chi tiết như về không gian, chiều cao, khối tích và ban đêm là ánh sáng. Nghĩa là sẽ có những quy định riêng, ví dụ ở khu phố này có cửa sổ đến kỳ phải sơn lại nhưng gia đình đó chưa sơn. Người trong ban quản lý đô thị sẽ gia hạn thời gian nếu trong khoảng thời gian gia hạn, gia đình đó chưa thực hiện người trong ban quản lý đô thị sẽ đến sơn lại và tất nhiên gia đình đó phải trả tiền. Theo đó, trong tương lai sẽ xem xét cải tạo nhà siêu mỏng, siêu méo để tránh sự lôm côm, mất mỹ quan đô thị.
* Áp dụng vào thực tế sẽ như thế nào, thưa ông?
- Sẽ có thiết kế đô thị để cải tạo. Chẳng hạn như thiết kế đô thị nhà ở phố Huế là 7 tầng thì nhà đầu tư phải nhất nhất tuân thủ theo mẫu thiết kế này. Kiốt phải cùng lôgô, cùng chiều cao, một đường phố có thể trồng một loại cây như cây móng bò, bằng lăng, chiếu sáng cùng một loại đèn. Thiết kế phải phù hợp với từng tuyến phố, phố cổ thì phải là loại đèn hợp với phố cổ còn đô thị mới thì phải hiện đại. Nếu thực hiện tốt thì căn cứ vào kiến trúc để từ xa người ta có thể nhận diện đó là đường của nơi dân cư sinh sống, tập trung của khối cơ quan hay khu kiốt kinh doanh, phố cổ… Đối với HN sẽ phải làm rất nhiều. Không thể có một kiến trúc lôm côm, nhà bên trong rất đẹp nhưng ngoài thì méo, mỏng, xộc xệch. Tôi tin trong tương lai sẽ không còn tình trạng như vậy, vì từ bây giờ mình sẽ có định hướng về thiết kế đô thị.
Nhiều hộ gia đình sống trong đất lấn chiếm
* Từ trước đến nay các nhà hoạch định chính sách chưa chú ý đến điều này, có phải đây là phần việc bị lãng quên?
- Không phải lãng quên mà không có điều kiện để làm. Trước đây, quy hoạch về không gian giao thông đã tính đến điều đó, kể cả cao độ lẫn nền nhà, quy hoạch không gian hai bên nhưng do sự chồng chéo, quản lý yếu kém dẫn đến xây dựng tuỳ tiện làm ô nhiễm kiến trúc không thế chấp nhận được.
* Đối với những khu vực đô thị cải tạo sẽ hạn chế nhà siêu mỏng, siêu méo như thế nào?
- Đối với những khu đô thị cải tạo như Giải Phóng (Hà Nội) mở rộng gấp đôi sẽ phá bỏ rất nhiều nhà, kiến trúc phải làm lại. Nếu quản lý tốt kiến trúc hai bên đường phải có sự đồng nhất về độ cao, màu sắc… Nếu là chủ đầu tư hay nhà nước thực hiện việc này không khó, nhưng nếu là 1.000 hộ dọc đường thì 1.000 hộ với điều kiện kinh tế xã hội, nhận thức, sinh hoạt khác nhau, người có đất ít nhưng nhiều tiền sẽ làm nhà cao, người không có tiền nhưng đất rộng sẽ xây dựng 1 - 2 tầng với kiến trúc xấu. Như vậy, kiến trúc sẽ không thể đồng đều mặc dù các nhà quản lý rất muốn nhưng đó là cuộc sống, hiện chưa có cách nào khắc phục được.
* Tuy nhiên, trong mục 5 điều 63 Dự thảo Luật quy hoạch đô thị nói đến sự thu hồi diện tích siêu mỏng siêu méo vẫn chỉ dựa vào tính tự giác của người dân thì không thể ngăn được triệt để việc xây nhà siêu mỏng, siêu méo?
Mục 5 điều 63, Dự thảo Luật quy hoạch đô thị
Trong trường hợp dự án đầu tư chỉ thu hồi một phần của thủa đất, người có quyền sử dụng thửa đất đó có thể yêu cầu nhà nước hoặc chủ đầu tư dự án thu hồi và bồi thường phần đất còn lại.
|
- Đây là tạo điều kiện tốt nhất cho người dân một là được trả tiền đền
bù, hai là bán cho nhà nước, ba là đề nghị một cơ quan nào đó mua lại. Có sự thoả thuận với nhau theo giá quy định không phải người có đất muốn bán bao nhiêu thì bán. Việc này cơ quan quản lý địa phương phải có trách nhiệm làm rõ. Diện tích siêu mỏng sẽ không xây dựng được vì đã có quy định trong thiết kế đô, nó quá bé. Còn nếu trong trường hợp người sở hữu diện tích đất siêu nhỏ không đồng ý những phương án trên thì phải để đó không được xây dựng. Như vậy cách tốt nhất trong trường hợp này là bán đi để nhận tiền, nếu không mảnh đất đó sẽ bị vô hiệu hoá. Tuân thủ quy định, nhà nước sẽ không bao giờ để dân thiệt. Đối với diện tích đủ điều kiện phải thiết kế được cấp phép mới cho xây. Tôi tin rằng, xây nhà siêu mỏng chỉ là chuyện trước, Luật quy hoạch đô thị ra đời, quản lý tốt chắc chắn sẽ không bao giờ có nhà siêu mỏng, siêu méo.
* Xin cảm ơn ông!
Tuệ Minh