Xe nào sẽ được qua hầm Thủ Thiêm?

15/10/2011 10:29 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH) - Ngày 14/10, Sở GTVT TP.HCM đã thông báo chính thức việc tổ chức thông xe hầm Thủ Thiêm vượt sông Sài Gòn và toàn tuyến Đại lộ Đông - Tây vào ngày 20/11 tới đây. Như vậy, hạng mục cuối cùng và quan trọng nhất của dự án giao thông trọng điểm ở TP sẽ hoàn tất để đưa vào vận hành, góp phần giảm tải giao thông đi vào nội đô từ phía cầu Sài Gòn, rút ngắn được 2/3 quãng đường so với đi qua quốc lộ 1A từ Đông sang Tây.

Sở GTVT cũng công bố phương án phân luồng giao thông và khai thác đường hầm trên các phương tiện truyền thông.

Một số phương tiện hạn chế hoặc cấm lưu thông

Hầm Thủ Thiêm ngầm dưới đáy sông Sài Gòn ở độ sâu 26m và có chiều dài gần 1,5 km, gồm ba đoạn chính là hầm dẫn phía quận 1 dài gần 585m, hầm dẫn phía quận 2 dài 535m và đoạn 4 đốt hầm dìm dưới đáy sông dài 370m. Hầm dẫn và hầm dìm có chiều rộng hơn 33m, được phân thành 6 làn xe cho 2 hướng lưu thông.

Cửa hầm Thủ Thiêm phía quận 1

Đến nay các hạng mục đã hoàn thành và sau lễ thông xe, các phương tiện theo quy định được tham gia lưu thông bình thường không qua giai đoạn chạy thử.

Theo thông báo số 866 của Sở GTVT, xe ôtô con và xe ôtô khách được lưu thông 24/24 giờ, xe mô tô và xe gắn máy chỉ được lưu thông từ 6 giờ đến 21 giờ.

Riêng các loại xe ôtô vận tải phải lưu thông theo thời gian quy định. Cụ thể, xe ôtô có tải trọng từ 5 tấn trở xuống sẽ được phép lưu thông qua hầm từ 8 giờ đến 16 giờ và từ 20 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau. Các loại xe có trọng tải trên 5 tấn thì từ 21 giờ đến 6 giờ hằng ngày. Những loại xe trên 30 tấn, xe kéo rơ mooc, sơmi rơ mooc hoặc xe có chiều cao lớn hơn 4,2m, xe có chiều ngang lớn hơn 2,5m, chỉ được lưu thông khi có giấy phép.

Về tốc độ lưu thông, các loại xe ôtô cho phép chạy tối đa 60km/h và thấp nhất là 30km/h, khoảng cách tối thiểu giữa các xe trên cùng làn đường là 30m. Còn đối với vận tốc xe máy chỉ tối đa 40km/ h và nghiêm cấm người điều khiển các phương tiện thực hiện hành vi như: bấm còi, bật đèn ưu tiên, dừng, đỗ xe... “để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện lưu thông qua hầm, người điều khiển cần tuyệt đối tuân thủ quy định về tốc độ và khoảng cách giữa các xe. Đối với những trường hợp vi phạm sẽ được camera ghi lại, chuyển về trung tâm điều hành và các lực lượng chức năng ở hai đầu hầm sẽ có biện pháp xử lý” – ông Lê Toàn, Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho biết.

Ngoài ra, theo quy định các đối tượng không được phép lưu thông qua hầm Thủ Thiêm là: người đi bộ, phương tiện giao thông thô sơ, xe 3-4 bánh tự chế, xe vận chuyển súc vật sống không đảm bảo vệ sinh môi trường, vận chuyển các hàng độc hại, dễ cháy nổ, hàng nguy hiểm...

Hầm ngầm đang được hoàn thiện hạng mục cuối cùng

Chưa thu phí qua hầm

Ông Lê Toàn cho biết, trước mắt, chưa tổ chức thu phí các phương tiện khi qua hầm Thủ Thiêm. Việc thu phí sẽ được thực hiện sau khi các sở, ngành liên quan tính toán và trình cho HĐND TP thông qua.

Hiện nay, Sở GTVT đang khẩn trương duy tu cây xanh, bổ sung hoa cảnh và xây dựng lan can dọc tuyến tại những đoạn cần thiết trên đại lộ, dự kiến sẽ phải hoàn tất trước ngày 15/11 cùng với hệ thống chiếu sáng, biển báo để đảm bảo an toàn giao thông sau khi thông hầm.

Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Trung tâm Quản lý đường hầm Thủ Thiêm, cho biết: Hiện nay chúng tôi đã xây dựng một tổ 7 người trực 24/24 giờ để xử lý sự cố như: sơ cấp cứu, giải tỏa ách tắc gia thông khi xảy ra tai nạn trong hầm. Quy chế phối hợp giữa các sở, ngành và các quận, huyện về đảm bảo an ninh, phòng chống cháy nổ, cứu hộ, cứu nạn cũng đã được UBND TP triển khai.

Được biết, trước Lễ thông xe hầm Thủ Thiêm, Sở Cảnh sát PCCC và các ngành liên quan sẽ tổ chức diễn tập các phương án cứu hộ, cứu nạn và PCCC.

Sẽ giảm áp lực giao thông cho quốc lộ 1A

Hầm Thủ Thiêm sẽ được đưa vào hoạt động sớm góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông của TP.HCM, đặc biệt là việc giảm tải cho quốc lộ 1A đi qua TP.

Hiện tại tuyến đường Đại lộ Đông - Tây đoạn từ quận 1 đi huyện Bình Chánh dài hơn 12km đã đi vào vận hành và mới được đổi tên là đại lộ Võ Văn Kiệt góp phần rất lớn vào việc giảm tải cho đường Hùng Vương hướng đi Bình Chánh vốn rất chật chội. Nhìn từ trên cao con đường này uốn lượn như dải lụa dọc kênh ruột ngựa từ quận 1 qua quận 5, 6, 8 và điểm cuối giao với quốc lộ 1A ở huyện Bình Chánh. Nếu đoạn nối với đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương (Tiền Giang) hoàn tất, thì việc đi về miền Tây Nam bộ rất thuận tiện và rút ngắn được thời gian từ TP.HCM đi Tiền Giang xuống còn 1/3 so với đi quốc lộ 1A như trước.

Thái Nguyên - Anh Đức

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm