Tổng thống Hungary từ chức vì đạo văn

03/04/2012 10:17 GMT+7 | Trong nước


(TT&VH) - Ngày 2/4, Tổng thống Hungary Pal Schmitt tuyên bố sẽ từ chức trong một vụ bê bối đạo văn, vốn đã khiến ông bị tước bằng tiến sĩ. Vụ việc một lần nữa cho thấy rằng đạo văn không phải là hiếm có trong giới chính trị gia, nhưng người ta dường như không rút kinh nghiệm từ chuyện này, dù rằng đã có bao kẻ tan tành sự nghiệp vì trò gian lận.

Ông Pal Schmitt, người được bầu vào ghế Tổng thống hồi năm 2010 với nhiệm kỳ 5 năm, đã nói trong bài phát biểu trước Quốc hội rằng ông từ chức bởi "những vấn đề cá nhân" liên quan tới bản thân đang gây chia rẽ đất nước.

"Đạo văn" tới 90% nội dung

Tuần trước, bằng tiến sĩ của Schmitt đã bị tước sau khi cuộc điều tra của trường đại học Semmelweis ở Budapest tiến hành thấy rằng có tới 90% nội dung trong bản luận án của ông đã sao chép lại từ tác phẩm của 2 tác giả khác. Các thông tin được ông sử dụng không hề có dòng nào nói rằng đã trích dẫn từ các tài liệu gốc của 2 tác giả trên.

Việc ông Schmitt đạo văn đã bị tạp chí HGV của Hungary phát hiện đầu tiên. Trong số báo phát hành hồi tháng 1, HGV cho biết có tới 180 trang trong bản luận án của Schmitt, viết hồi năm 1992, là bản dịch lại tác phẩm "Analyse du programme olympique" (tạm dịch Một phân tích về chương trình Olympic hiện đại) viết bằng tiếng Pháp của nhà nghiên cứu người Bulgaria Nikolay Georgiev.

Ngoài ra ông còn "chôm" một đoạn lớn các nội dung trích từ một nghiên cứu khác do nhà khoa học Klaus Heineman của Đức tiến hành. Tổng cộng, có gần 200 trang trong bản luận án của ông là sản phẩm tinh thần do người khác tạo ra.

Khi những tin tức này mới xuất hiện, Schmitt đã bác bỏ cáo buộc đạo văn, nói rằng ông có nêu tác phẩm của Georgiev trong danh sách các tác phẩm tham khảo. Trong một cuộc trả  lời phỏng vấn trên đài phát thanh sau đó, Schmitt giải thích rằng chuyện luận án tiến sĩ có thêm thắt các "vật liệu mang tính nòng cốt" như thế là hoàn toàn bình thường.

Song sự chối bỏ trách nhiệm này chỉ khiến dư luận Hungary thêm giận dữ. Những người dùng Internet đã tìm đủ cách châm chọc Schmitt. Đơn cử như họ cho ông mặc trang phục của hoàng đế Napoleon và gọi ông là "Tướng quân sao chép", hay đề dưới chân dung ông dòng chữ: Ph+D = (Ctrl+C) + (Ctrl+V) với hàm ý là cái bằng tiến sĩ là do lệnh “copy” và lệnh “dán” trên máy tính mà ra.

Dù từ chức nhưng ông Pal Schmitt đã bác bỏ cáo buộc đạo văn nhằm vào mình

Sụp đổ sự nghiệp vì mất lòng dư luận

Vụ việc đã khiến đại học Semmelweis phải thành lập một ủy ban điều tra gồm 5 thành viên để xem xét cáo buộc đạo văn. Kết quả, ủy ban này không cho rằng Schmidt đã đạo văn, nhưng đề xuất rằng bằng tiến sĩ của ông nên bị thu hồi, do nó đã "không đạt các tiêu chí về đạo đức và chuyên môn trong hoạt động nghiên cứu khoa học". Hôm 29/3 vừa qua, trường Semmelweis đã chính thức tước bằng tiến sĩ của Schmitt.

Tuy nhiên, trong một cuộc trả lời phỏng vấn với kênh truyền hình m1 hồi cuối tuần trước, Schmitt nói rằng bản luận án của ông là "trung thực", "hữu ích" và khẳng định không từ chức. Schmitt cho rằng việc ông mất bằng tiến sĩ không có liên quan gì tới chiếc ghế Tổng thống. "Lương tâm của tôi trong sạch. Tôi đã nghiên cứu và viết ra bản luận án tiến sĩ với tất cả các kiến thức và sự hiểu biết tốt nhất của mình" - ông nói

Nhưng việc ông cảm thấy thanh thản với bản thân không đủ để thuyết phục đất nước. Ngay khi Schmitt đang ghi hình, hàng trăm người biểu tình đã đứng ngoài tư dinh Tổng thống, yêu cầu ông từ chức. Một cuộc biểu tình khác cũng diễn ra một hôm sau đó ở trung  tâm thủ đô Budapest.

Trong thời gian cuối tuần, ngay cả các tờ báo cánh hữu vốn bênh vực Schmitt như nhật báo Magyar Nemzet và tuần báo Heti Valasz cũng xuất bản những bài xã luận kêu gọi ông từ chức. Các tờ báo này cho rằng sự ra đi của ông sẽ làm tăng uy tín của giới lãnh đạo đất nước và phục vụ tốt hơn cho lợi ích quốc gia.

Trước sức ép của báo giới và dư luận, 4 đảng chính trị đối lập trong Quốc hội cũng yêu cầu Schmitt phải từ chức. Và sự ra đi của Schmitt đã tới như một điều tất yếu.

Vết xe đổ nhiều người vướng phải

Schmitt chỉ là thành viên mới nhất trong danh sách dài các nhân vật chính trị cấp cao từng mất ghế hoặc đổ vỡ tham vọng chính trị vì đạo văn. Tháng 3 năm ngoái, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Đức Karl-Theodor zu Guttenberg, một ngôi sao chính trị đang lên, đã phải từ chức vì “đạo văn” trong bản luận án tiến sĩ của ông. Danh hiệu tiến sĩ của ông cũng bị trường đại học Bayreuth thu hồi.

Tháng 5 cùng năm, Silvana Koch-Mehrin, một chính trị gia nổi tiếng, người đang nắm ghế Phó Chủ tịch Nghị viện châu Âu, cũng đã phải từ chức khỏi mọi cương vị lãnh đạo vì “đạo văn”. Các cuộc điều tra cho thấy bản luận văn dài 227 trang của nữ chính khách này, mang tựa đề "Các liên minh tiền tệ lịch sử giữa kinh tế và chính trị", đã không ghi nguồn tài liệu tham khảo một cách rõ ràng.

Tới giữa tháng 7, Đại học Bonn cũng tước bằng tiến sĩ của một chính trị gia Đức cao cấp khác là Jorgo Chatzimarkakis, vì tội “đạo văn”. Tại Mỹ, ứng cử viên Tổng thống của đảng Dân chủ, ông Joseph R. Biden - người hiện là phó Tổng thống, đã từng đổ vỡ giấc mơ giành chiến thắng trong cuộc đua hồi năm 1988, sau khi người ta phát hiện ông "đạo" nhiều đoạn trong bài diễn văn của lãnh đạo Công đảng Anh Neil Kinnock.

Trở lại trường hợp của Schmitt, việc mất chức vì “đạo văn” có lẽ là điều ông không ngờ tới. Người đàn ông 69 tuổi này từng làm đại sứ trong giai đoạn những năm 1990. Ông cũng là Phó Chủ tịch Nghị viện châu Âu từ năm 2009 tới năm 2010. Sau một thời gian ngắn làm phát ngôn viên Quốc hội Hungary vào năm 2010, ông đã được bầu vào ghế Tổng thống với 263 phiếu thuận và 59 phiếu chống.

Mặc dù chỉ đóng vai trò hình thức nhưng ông là người ủng hộ Thủ tướng Viktor Orban và đã ký thông qua mọi đạo luật mà Chính phủ đề xuất kể từ khi nhậm chức, kể cả một số đạo luật gây tranh cãi. Vì thế, việc ông phải từ chức sẽ mang tới những bất lợi nhất định cho Orban. Được biết, ngay sau bài phát biểu của Schmitt, đảng Fidesz cầm quyền ở Hungary đã có kế hoạch bỏ phiếu để chấp nhận đề nghị từ chức và để Quốc hội chọn người kế nhiệm trong thời gian sớm nhất.

Tường Linh (Tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm